|
Tam quan chùa là gác chuông 2 tầng, 8 mái với các đầu đao cong vút. Nhiều cấu kiện gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng, hoa lá. Tầng trên treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) |
|
Tháp Quan âm giữa hồ nước lớn |
Theo cuốn sách cổ bằng đồng đang được lưu tại chùa Đậu, chùa được khởi công xây dựng vào thế kỷ thứ III sau Công nguyên, cùng thời điểm xuất hiện sự tích về Phật mẫu Man Nương và hệ thờ Phật Tứ Pháp (các vị Phật - Bồ Tát có nguồn gốc từ các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện).
Ban đầu, chùa có tên Thành Đạo Tự, sau khi chùa rước Đại thánh Bồ tát Pháp Vũ về thờ thì mang tên Pháp Vũ Tự. Thời phong kiến, chùa chủ yếu dành cho các vua đến lễ Phật, còn người dân chỉ được vào lễ bái khi có hội nên dân gian gọi là chùa Vua.
Chùa thờ Bồ tát Pháp Vũ - hiện thân là nữ nên người dân cũng gọi là chùa Bà. Chùa nằm trên phần đất của làng Đậu (thôn Gia Phúc) nên “chùa Đậu” là tên theo cách gọi dân gian cho đến ngày nay.
Thời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII), chùa bị xuống cấp, sau đó được trùng tu lại, uy nghiêm và khang trang hơn. Sau đó, vua ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam”.
Chùa là một quần thể kiến trúc nguy nga mang những nét nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của các vương triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
|
Đầu xuân, du khách đến vãn cảnh chùa rất đông |
|
Bên trong chùa cũng nườm nượp khách |
|
Khuôn viên chùa rất rộng |
|
Chùa luôn là điểm du xuân yêu thích của người dân trong vùng cũng như du khách thập phương |
|
Những mái ngói cong vút... |
|
... cổ kính cùng dấu thời gian |
|
Đôi rồng đá trên bậc lên xuống nhà tiền đường có niên đại thời Trần |
|
Tam bảo chính thờ Bồ tát Pháp Vũ - nơi xưa kia vua quan đến cầu nguyện, lễ bái |
|
Các vách gỗ xung quanh Tam bảo chính đều được chạm trổ cầu kỳ |
|
Gạch lát cũng mang những hoa văn kiểu cổ |
|
Hình rồng thời Mạc trên những viên gạch ốp chân tường Tam bảo chính |
|
Các cấu kiện gỗ trên mái đều được chạm trổ sắc nét... |
|
... cầu kỳ |
Đặc biệt, chùa nổi tiếng với nhục thân Bồ tát của 2 vị thiền sư tu hành đắc đạo Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh (2 vị trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ XVII). Đây là 2 trong 4 pho tượng nhục thân hiếm hoi của nước ta và cả trên thế giới (2 pho khác ở chùa Tiêu và chùa Phật Tích của tỉnh Bắc Ninh).
|
Từ trái qua: toàn thân xá lợi thiền sư Tự Đạo Chân (thế danh Vũ Khắc Minh) và thiền sư Tự Đạo Tâm (thế danh Vũ Khắc Trường) - Ảnh: T.G.D.S |
Cả 4 nhục thân đều có niên đại Lê Trung hưng, thế kỷ XVII, nhưng 2 tượng ở chùa Đậu là nguyên vẹn nhất. Đó cũng là sự còn lại vẹn toàn nhất, tiêu biểu nhất cho một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi của tục “tượng táng”. Trước và sau đó chưa từng ghi nhận hiện tượng này ở nước ta.
Trên thế giới có nhiều phương thức táng người đã mất: Địa táng (hoặc thổ táng); hỏa táng; hải táng (hoặc thủy táng); thiên táng (hoặc điểu táng); huyền táng (táng treo)… 2 thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh đều không thuộc các phương thức táng nêu trên. Nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đã đưa ra thuật ngữ “thiền táng” (theo tư thế ngồi thiền) hoặc “tượng táng” (làm thành tượng để táng) cho 2 vị thiền sư này.
|
2 vị thiền sư đã tọa thiền đến khi hóa tượng tại 2 am nhỏ bên phải và trái chùa |
|
2 pho tượng mô phỏng hình ảnh thiền sư Tự Đạo Chân (trái) và Tự Đạo Tâm tọa thiền trong am |
|
Từ trái qua: cận cảnh "nhục thân bất toại" thiền sư Tự Đạo Chân (Vũ Khắc Minh) và thiền sư Tự Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường) |
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh cao 57cm (đo trong tư thế ngồi) và Thiền sư Vũ Khắc Trường là 75cm. 2 vị cùng ngồi theo thế thiền kiết già.
Trọng lượng trước lúc tu sửa, bảo quản của cụ Vũ Khắc Minh là 7kg, sau tu sửa, bảo quản là 7,5kg. Cụ Vũ Khắc Trường không xác định được trọng lượng trước tu sửa, bảo quản do hư hại quá nặng, còn sau bảo quản, tu sửa, trọng lượng lên tới 31kg; toàn thân được quét một lớp sơn trắng.
Các nhà khoa học cũng đã kiểm tra bằng X-quang và thấy toàn thân 2 vị sư không có vết đục đẽo, thi hài hoàn toàn nguyên vẹn; không phát hiện bất kỳ một vật liệu nào như chất kết dính, dây, giá đỡ… để cố định và đỡ xương.
Đến nay, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới vẫn chưa tìm ra câu trả lời vì sao nhục thân của 2 vị thiền sư bất hoại khi không sử dụng bất cứ một loại chất ướp xác nào.
|
Hiện 2 pho tượng nhục thân của thiền sư Tự Đạo Tâm - Vũ Khắc Minh (trái) và thiền sư Tự Đạo Tâm - Vũ Khắc Trường (phải) được đặt trong khám thờ bằng kính hàn kín, được bơm khí nitơ đậm đặc để bảo quản tại chùa Đậu |
Chùa Đậu cách trung tâm TP Hà Nội chừng 24km về phía nam. Ngay sau tết Nguyên đán là hội chùa Đậu, diễn ra từ mùng Tám đến mùng Mười tháng Giêng, được tổ chức quy mô để cầu mong một năm bình an, tiết trời thuận lợi, mùa màng bội thu.
Uông Ngọc