Là người khuyết tật nhưng mang một tâm hồn đẹp với tâm niệm “làm việc gì cũng phải tử tế”, Nguyễn Trung Hậu đã khởi nghiệp trên xe lăn và bước đầu gặt hái thành công với thương hiệu Ngồi Café. Với Hậu, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này là được chia sẻ: chia sẻ sự tử tế, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, nhất là cộng đồng người khuyết tật, yếu thế.
Mất 10 năm để chấp nhận sự thật và thay đổi tư duy
Biến cố ập đến khi còn quá nhỏ, Hậu phải mất 10 năm loay hoay trong những suy nghĩ lệch lạc, chưa kịp định hướng cho mình. Anh nói, rào cản lớn nhất là bản thân chưa nhận ra đây là sự thật hiển nhiên mà mình phải chấp nhận. Từ đó, anh có những suy nghĩ lệch lạc: mình là người bất hạnh, phải được xã hội che chở, yêu thương. Từ suy nghĩ đó, anh trông chờ vào những đồng trợ cấp, những món quà của các tổ chức… với tâm thế ỷ lại vào xã hội, gia đình. Mọi thứ biến anh thành con người yếu ớt, non kém trong suy nghĩ. Phần nữa, khi đó, anh hoàn toàn không có nguồn thông tin để tiếp cận.
|
Tự truyện Khởi nghiệp trên xe lăn của Nguyễn Trung Hậu truyền động lực đến người khuyết tật |
Biến cố lần thứ hai là khi anh đậu Đại học Văn Lang (ngành công nghệ thông tin) và phải tạm dừng việc học chỉ sau vài ngày đến trường. Những hồ hởi về một tương lai mới nhanh chóng bị dập tắt. Mẹ anh chỉ có thể đưa đón anh đi học bằng xe buýt trong 2 ngày. Đến ngày thứ ba, anh phải chấp nhận “hy sinh” việc học đại học. Mẹ là người làm kinh tế chính, sinh kế gia đình sẽ ảnh hưởng khi mẹ nghỉ việc chỉ để đưa đón anh. Đây là cú sốc lần thứ hai trong cuộc đời, sau cú sốc phải dừng học năm lớp Mười một (sau đó phải học bổ túc). Nỗi buồn trĩu nặng đến mức khiến Hậu rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng cùng cực.
May mắn thay, anh là người thích đọc sách. Những cuốn sách đã giúp anh bám víu vào, nhìn ra được những biến cố ấy là điều hiển nhiên. Anh phải thích nghi với nó, bình tĩnh đón nhận và tìm cách giải quyết từng vấn đề. Biến cố thật ra cũng chỉ là chất xúc tác thúc đẩy anh trở thành người mạnh mẽ. Anh nhận ra rằng khi chấp nhận bản thân là người khuyết tật như sự thật hiển nhiên, anh sẽ bớt khổ sở. Anh quyết định cố gắng thích nghi với cuộc sống, trở nên tốt hơn và trở thành một người khác biệt.
Điều may mắn hơn nữa, Hậu đã gặp được một người bạn thân, có thể gọi là tri kỷ. Chính cô bạn này đã xốc tinh thần anh lên với những “khai mở” cho Hậu nhìn thấy con đường mình phải đi. Đây cũng là người đã thay đổi cả một trang đời buồn của Hậu, là người từng đóng tiền cho anh học ngoại ngữ, tiếp cận thông tin mới mẻ, giúp anh tỉnh ngộ và ý thức được mình phải tự thay đổi cuộc đời.
Ngồi Café - cà phê tử tế và trách nhiệm
Hậu chia sẻ anh kiến tạo thương hiệu Ngồi Café để tôn vinh hình ảnh giản dị, mộc mạc mà thật đẹp ở Củ Chi quê hương mình. Anh kể, nơi này cứ bốn giờ rưỡi sáng là nghe tiếng cô chú í ới gọi nhau “ra quán ngồi làm ly cà phê” rồi bắt đầu một ngày làm việc đầy hứng khởi. Ngồi Café chính là cái tình Hậu dành cho xứ sở. Phần nữa, người ta đứng để khởi nghiệp, anh thì ngồi để khởi nghiệp. Ngồi Café cũng mang một ý nghĩa đầy yêu thương dành cho những người khuyết tật như anh. Ngồi cũng là để tĩnh lặng, chiêm nghiệm cuộc đời.
|
Nguyễn Trung Hậu kiến tạo Ngồi Café với tôn chỉ kinh doanh tử tế và trách nhiệm |
Ngồi Café có một khác biệt lớn để tồn tại trong thị trường cà phê cạnh tranh khốc liệt: liên kết trực tiếp với người nông dân, hỗ trợ máy móc, hướng dẫn, bao tiêu quy trình sản xuất xanh, sạch, nói không với hóa chất cho ra những hạt cà phê mộc, nguyên bản thơm ngon tinh sạch nhất. Việc thuyết phục người trồng cà phê thay đổi quy trình trồng, thói quen chăm bón từ phân hóa học sang phân hữu cơ rất vất vả. Đích thân Hậu phải thường xuyên đến các vườn cà phê, ăn ở cùng các hộ trồng cà phê, lắng nghe tâm tư tình cảm, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời về tiền bạc để họ xoay xở cuộc sống, sinh hoạt phí, việc học của con cái. Sự liên kết còn mở ra hướng mới: Hậu thiết kế các “farm tour” cho du khách tham quan vườn cà phê, giúp nhà vườn có thêm thu nhập, an tâm làm cà phê sạch cùng mình.
Với tôn chỉ kinh doanh cà phê tử tế, có trách nhiệm, Hậu và Ngồi Café đã thực hiện san sẻ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng với nhóm người yếu thế: nhóm người khuyết tật. Hậu mời những người có năng lực, thấu hiểu về đặc thù của người khuyết tật để hướng dẫn cho nhân viên cách ứng xử phù hợp, công bằng với khách hàng là người khuyết tật. Mỗi sản phẩm bán ra đều được trích 5% vào quỹ hỗ trợ an sinh kế dành cho người khuyết tật do bên thứ ba quản lý. Ngoài ra, Hậu còn vận động hỗ trợ nhóm người khuyết tật ở Tây Ninh, Đồng Nai cùng những chuyến hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo khuyết tật.
Ngoài kinh doanh cà phê, Hậu còn là đối tác chiến lược với trung tâm DRD, tiếp cận, chia sẻ, tham vấn các mô hình kinh doanh cho người khuyết tật. Anh đưa ra những chiến lược kinh doanh bài bản, bền vững, cho họ góc nhìn đúng đắn, xử lý những vấn đề phát sinh khi khởi nghiệp. Ngồi Café cũng đóng góp doanh thu cho các dự án hỗ trợ an sinh kế mà DRD xây dựng để hỗ trợ người khuyết tật.
Hạnh phúc lớn nhất là được chia sẻ
Hậu đã trải qua nhiều biến cố, thậm chí từng bị phân biệt đối xử khi đi xe buýt chỉ vì là người khuyết tật nhưng anh không buồn. Từng bỏ lỡ mơ ước học đại học, không được đào tạo chính quy, anh cũng không hối tiếc. Sau 30 năm thăng trầm, nhìn lại, Hậu chỉ thấy mình đang hạnh phúc. Với anh, hạnh phúc lớn nhất đời mình là được chia sẻ, giá trị lớn nhất của con người cũng là sự chia sẻ.
|
Nguyễn Trung Hậu và các cộng sự, đối tác trong work shop Ngồi cà phê thấy đời rất đẹp |
Hậu nói, nếu muốn xã hội công bằng với mình, mình phải có tư duy đúng, đừng để những điều bất như ý gây tổn hại đến tinh thần, cuộc sống. Bạn có quyền bảo vệ, dỗ dành cái tôi của mình nhưng khi bạn thoát ra khỏi vùng an toàn, suy nghĩ và làm việc khác đi, cuộc đời bạn sẽ sang một trang khác.
Hậu muốn dấn thân nhiều hơn nữa trong tương lai. Thành công không phải là đích đến mà là con đường Hậu đã và đang đi. Mỗi giai đoạn giải quyết được khúc mắc đã là thành công. Hạnh phúc cũng ở trên con đường đó.
Anh “bật mí” đang lập một dự án lớn mang tính cộng đồng cao, giải quyết những vấn đề nan giải cho sinh viên khuyết tật. Đây cũng là cách để anh cống hiến hết sức mình, đóng góp giá trị bản thân cho cộng đồng.
Nguyễn Trung Hậu - sinh năm 1985, tại huyện Củ Chi, TPHCM. Cơn sốt bại liệt ập đến khi anh mới 5 tuổi. Sau quãng thời gian chật vật, anh dần vực dậy, thay đổi ngoạn mục và bắt đầu viết những chương đầu tiên của đời mình: khởi nghiệp trên chiếc xe lăn. Sau 30 năm thăng trầm, giờ đây Nguyễn Trung Hậu đã là nhà sáng lập - giám đốc điều hành Ngồi Café, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Con ơi. Anh còn là đối tác chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) trong các hoạt động hỗ trợ giáo dục và sinh kế bền vững cho người khuyết tật. Quyển sách tự truyện Khởi nghiệp trên xe lăn của anh truyền động lực và cảm hứng tích cực đến những số phận kém may mắn, giúp họ nhận diện và định vị bản thân - thông qua những gì Hậu đã trải qua, chinh phục những khó khăn trong hành trình khởi nghiệp. |
Trần Huyền Trang - Ảnh do nhân vật cung cấp