Ngồi bệt ăn gỏi khô bò ở Sài Gòn

16/11/2019 - 09:17

PNO - Người ta chỉ cần gạt chống xe, ngồi bệt xuống đất, chừng năm phút sau đã có thể vừa xì xụp món gỏi khô bò trứ danh vừa ngắm dòng xe tấp nập trên đường.

Vị chua cay của món gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) luôn gắn với những hồi ức, những kỷ niệm đẹp của người Sài Gòn và những ai từng đến, học hành hay làm việc nơi đây. 

Ngoi bet an goi kho bo o Sai Gon
 

Muốn ăn phải ngồi bệt đúng chỗ

Từ rất lâu, cứ chiều đến khuya, mỗi khi đi ngang hay dừng xe ở khu vực ngã tư Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu, tôi lại có thói quen nhìn vào những gốc cây hướng công viên Lê Văn Tám, cười nhẹ. 

Tôi không nhìn cây, cũng không nhìn dòng người đang đi bộ, mà nhìn những người nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề đang ngồi bệt trên vỉa hè, trên thành xi măng của bồn cây ở góc nhỏ này, những người trên tay đang bưng đĩa gỏi khô bò hay ly trà đá mát lạnh, vừa ăn vừa trò chuyện, mặc thời gian và cái nhìn hiếu kỳ của bao kẻ qua đường. Thỉnh thoảng, nếu không bận đón con, không tất bật lao mình tới sự kiện nào đó, tôi lại cho phép mình tham gia cùng nhóm người đó.

Ngoi bet an goi kho bo o Sai Gon
 

Không nói ngoa khi ở Sài Gòn, bạn có thể tìm thấy đặc sản của mọi vùng miền cũng như nhiều quốc gia. Tùy túi tiền, sở thích, bạn có thể chọn cho mình không gian và địa điểm để thưởng thức. Cũng không nơi nào, giữa người giàu và người nghèo không có ranh giới như ở Hòn ngọc Viễn Đông - nơi bạn có thể nghe về thương hiệu bạc tỷ ở cà phê cóc hay một người soạn đơn xin việc ở một chuỗi cà phê có mặt khắp thế giới.

Mỗi cách thưởng thức món ăn có cái thú riêng và cảm giác một buổi chiều mát mẻ, ngồi dưới tán cây, xì xụp món gỏi khô bò chua chua cay cay, trò chuyện với bạn bè và ngắm dòng người tấp nập cũng vậy. 

Có lần cô bạn tôi kể, khi mới vào Sài Gòn, cô được người bạn dẫn đi ăn gỏi khô bò ở một nơi “ngon và nổi tiếng lắm”. Hóa ra gỏi khô bò vỉa hè công viên Lê Văn Tám là nơi cô được bạn mình đưa đến. Từ đó, mỗi tuần, lại có hai cô bé sinh viên xa nhà gia nhập đội quân ngồi gốc cây ở đây.

Hàng gỏi khô bò này bắt đầu bán từ 13g hằng ngày và kết thúc vào khoảng 22g. Trong khoảng thời gian này, chỉ cần bạn chịu khó gửi xe ở bãi xe gần đó, tấp vào một gốc cây có thành bồn còn trống, sẽ có người đến đưa cho bạn một miếng lót ni-lông vuông vức thay chiếc ghế để bạn thoải mái ngồi bệt dưới đất hay trên thành xi măng của gốc cây nào đó mà không sợ váy hay quần bị lấm bẩn. Bán ở lề đường, trước khu công viên nhưng phong cách phục vụ của quán được nhiều thực khách đánh giá rằng nhanh, chuẩn như… khách sạn 5 sao. Bởi từ lúc ngồi bệt đến khi được xì xụp món ăn yêu thích, ngay cả khi đông khách nhất cũng chưa tới 5 phút. 

Món ăn đưa ta ngược về thời tuổi trẻ

Gỏi khô bò tại đây khá bắt mắt với màu vàng nhạt của đu đủ bào, màu đen của phổi bò khô, màu vàng ruộm của bánh mì chiên giòn, màu đỏ của ớt và màu xanh của rau thơm. Dùng đũa trộn nhẹ sao cho các thành phần của món ăn được áo đều thứ nước dùng pha từ xì dầu theo công thức riêng, rồi khẽ nhấm nháp. Cái thanh, vị giòn sần sật của đu đủ, beo béo của miếng phổi bò khô, cái giòn thơm của bánh mì chiên, cái giòn rụm của đậu phộng… kích thích vị giác vô cùng. Thỉnh thoảng lại ngơi nghỉ, nhấp nhẹ miếng nước dùng, vị chua, vị cay, thơm như tràn trên lưỡi, thấm tận ruột.

Ngoi bet an goi kho bo o Sai Gon
 

Mà món ngon đâu chỉ dừng ở hương vị, nó còn ở chút cảm xúc của buổi chiều ngồi dưới gốc cây nhấm nháp món ăn yêu thích cùng người bạn hợp cạ, của phút giây bỏ mặc những tất bật của cuộc sống hối hả để nghe, để nhìn và để cảm nhận những lo toan của dòng người đang chen chúc nhau trên đường, là cảm giác quay về thời tuổi trẻ với kiểu ăn lê la vỉa hè.

Cái cảm giác thú vị ấy còn đến từ lòng tin của người bán dành cho khách hàng - khi nào ăn xong, đứng dậy mới trả tiền. Cách bán và thu tiền này không lạ, song nếu là nhà hàng, quán ăn thì không sao, còn hàng gỏi này ở vỉa hè lại khác.

Tôi nhớ có lần đã thử hỏi anh trai đang bưng bê phục vụ khách rằng: “Không lấy tiền trước, không sợ khách không trả tiền à?”. Lúc đó, anh cười thật hiền: “Có bao nhiêu đâu mà”. Và anh kể, bao nhiêu năm nay, khách đều trả tiền trước khi về. Thỉnh thoảng có người ăn xong mới nhận ra quên mang theo tiền, đều chủ động “thỏ thẻ” xin khất, hôm sau lại mang tiền đến.

Kế sinh nhai của nhiều gia đình

Nếu dõi mắt sang phía đối diện, bạn sẽ phát hiện xe gỏi khô bò được đặt ở bên đó. Đứng chế biến là người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, thường được gọi là cô Sáu. Theo tìm hiểu, cô Sáu đã bán gỏi khô bò tại công viên Lê Văn Tám gần nửa thế kỷ. Ban đầu, món ăn này do một người dì của cô bán, cô phụ. Sau, người dì nghỉ, để lại xe gỏi này cho cô. “Lúc trước, mỗi đĩa chỉ 60 xu, giờ đã tăng đến 20.000 đồng rồi”, cô cười hiền hậu. 

Ngoi bet an goi kho bo o Sai Gon
 

Ngày trước, khi chưa có máy bộ đàm, người phục vụ gọi vọng sang để cô Sáu làm món, rồi mới sang bưng cho khách. Giờ hiện đại hơn, mỗi người phục vụ đều có bộ đàm, khi có khách, họ chỉ cần nói vào bộ đàm, cô Sáu sẽ phối món rồi có người bưng sang đường

Quầy hàng của cô Sáu khá nhỏ, cả gia tài gói gọn trong một chiếc xe có chiều ngang chưa tới 1m. Nhưng nhờ phối món ngon và các thành phần của món ăn, từ sợi đu đủ đến bánh mì, phổi bò khô đều do cô tự chế biến theo công thức riêng nên ai trót thưởng thức món ăn tại đây đều nhớ mãi không quên.

“Mình ăn gỏi khô bò ở nhiều nơi nhưng món gỏi ở công viên này là lạ nhất. Món ăn có miếng bánh mì chiên giòn giòn, có đậu phộng được rang vừa thơm vừa bùi. Nhưng lạ nhất là nước trộn gỏi. Chua chua, cay cay, ngọt ngọt, mằn mặn, ăn hết gỏi, húp hết nước trộn mà vẫn thòm thèm”, chị N.Trang, nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ. Chị cho biết mình ăn món gỏi tại đây từ khi là sinh viên năm nhất. Giờ, con lớn của chị đã học cấp II nhưng thỉnh thoảng, chị vẫn ghé đây cùng đồng nghiệp hay bạn bè vừa thưởng thức món, vừa bỏ mặc mọi lo toan của cuộc sống trong chốc lát, như một cách nạp năng lượng.

Khi tôi hỏi đùa rằng “khách đông vầy, tiền để đâu cho hết”, cô Sáu cười, chia sẻ, khoản thu này sẽ được chia cho mọi người cùng bán, rằng mọi người dựa nhau mà sống chứ nếu chỉ mình cô cũng không thể buôn bán được. Tôi khẽ nhẩm đếm, xe gỏi cô Sáu có khoảng bảy người giúp cô phục vụ khách. Như vậy, cộng thêm gia đình cô Sáu là tám nhà dựa vào xe gỏi khô bò để kiếm sống. Tuy nhiên, có thể doanh thu của xe gỏi không tệ. Những người bán quanh đó “đồn” rằng, xe gỏi này đã giúp cô Sáu đủ tiền cho con trai đi du học ở Mỹ. Nếu tin đồn này là đúng, thì đó là phần thưởng xứng đáng cho tình yêu của người mẹ vất vả vì con. 

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI