Ngồi bên bếp lửa hong đôi bàn tay

03/02/2021 - 09:25

PNO - Với tôi, tết mà thiếu một bếp lửa, là cái tết không trọn vẹn

Có những hôm tờ mờ sáng, trời Sài Gòn hơi lạnh, chở ông anh ra phi trường để bay chuyến sớm, tình cờ tôi thấy người ta nổi lửa nấu nồi hủ tiếu, bánh canh bán buổi sáng. Nhìn mà thương cái ánh vàng đang cháy bập bùng, nhớ như in ngày nhỏ thường khom lưng nhóm lửa.

Những bếp lửa hồi xưa đã trở thành kỷ niệm lặng lẽ đi theo tôi đến lớn.  Vậy nên mỗi lần về quê, dẫu đứng trong gian bếp hiện đại, tôi vẫn thích ôm "ông" lò đất ra sau nhóm bếp lửa than sửa soạn những bữa cúng. Với tôi, tết mà thiếu một bếp lửa là cái tết không trọn vẹn 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trời quê mùa tết se lạnh, bắc cái ghế nhỏ ngồi nấu ăn bên bếp lửa than rất sướng, hơi lửa tỏa ra ấm áp, bếp hiện đại không thể có điều này. Luộc gà, thịt kho hột vịt, canh khổ qua dồn thịt, chiên trứng… nấu bằng bếp than độ nóng từ từ mà nóng lâu như thấm vào nồi, vào chảo nên thức ăn chín đều, rất ngon.

Tôi vẫn thích nhất mỗi khi ngồi bên bếp lò, vừa nhìn má nấu ăn vừa hong đôi bàn tay cho ấm và hai má con nói đủ thứ chuyện xưa chuyện nay. Những bếp lửa giản dị mà có sức mạnh lạ kỳ, đã đưa tôi ngược xuôi đến bao nhiêu nỗi nhớ.

Nhớ hồi tôi còn nhỏ xíu, chị Hai mở tiệm may ở nhà, mùa tết bận dữ lắm nên đặt lò rim mứt bên cạnh bàn máy may, vừa may đồ trả khách vừa tranh thủ làm mứt. Tôi đêm nào cũng lẽo đẽo bên cạnh, giành phần canh thau mứt vì thích đưa tay vào bếp hong.

Hồi đó, trời tháng Chạp trời lạnh hơn bây giờ nhiều, hong tay vào lò mứt đang sên là thích nhất vì để lâu được, than đã được lấp tro lên trên cho bớt nóng để thau mứt không bị cháy. Thật ra, tôi chẳng phụ giúp được gì, đeo theo mấy chị chỉ để hóng chuyện và coi làm mứt, may đồ, hỏi đủ thứ chuyện rồi ngủ quên lúc nào không hay. Mọi người đã bận đến tai còn nhức đầu vì con nhỏ hỏi hết câu này đến câu kia reo réo bên tai, đến khi hết nghe hỏi là biết đã ngủ, phải ẳm vào giường.

Khi Hai đã đi lấy chồng, mùa tết má bận bịu ngoài chợ nên phần chợ búa, cơm nước, bánh mứt phải đến tay tôi và hai ông anh. Mấy anh em đi học về, đứa chạy ra chợ lấy đồ ăn má đã mua để sẵn về nấu, đứa ở nhà nhóm lửa bắt cơm. Tôi học lớp Sáu đã phải “lăn vào bếp” để ba chỉ cách khơi lò, nhóm lửa đặng nấu ăn.

Nhà tôi nấu bếp than, bếp củi, bảo nhóm bếp mùn cưa hay nấu bếp rơm tôi chịu chua. Tôi phục mấy người nấu cơm bằng lửa rơm mà vẫn chín vàng ngon cơm. Mắc cười nhất là mấy lúc nấu bếp củi, đặt chảo lên bếp vừa mới cho dầu phộng vào đã bị lửa cháy phựt lên chảo hết hồn, hét om sòm, may mà có ba ra… cứu.

Ba dặn, nấu lửa củi, trước khi cho dầu ăn vào chảo phải nhớ rút bớt củi ra, sau khi cho đồ ăn vào mới bỏ lại củi vô lò nhưng hồi đó nhỏ xíu, lại ham chơi nên quên lên quên xuống, bị cháy hoài.

Xóm tôi ở quê, năm nào sát tết nhà hàng xóm vẫn xếp gạch trước nhà làm lò nấu bánh tét. Đêm ở quê yên tĩnh, trong màn đêm ấy sáng lên một bếp lửa hồng, có lũ trẻ con quanh xóm chạy sang chơi. Quả là hình ảnh lay động lòng người, bình yên đến lạ!

Chúng ngồi quanh bếp lửa, hong tay như tôi cùng chúng bạn ngày xưa đã từng và nói với nhau đủ chuyện, chủ yếu là khoe được mẹ dắt đi chợ mua đồ tết, đứa này bảo mình được mua ba bộ, đứa thì năm. Chơi chán, chúng bày trò chơi "oẳn tù xì" búng tai, xổ lô tô làm rộn ràng một góc quê vốn tĩnh mịch.

Bao nhiêu câu chuyện bên bếp lửa ấy sẽ theo những đứa trẻ này trong suốt hành trình tiếp theo của chúng? Một cuộc lớn lên có ánh lửa mang theo trong tim ắt hẳn không quá âm u!

Với đám trẻ xóm tôi, bếp lửa của chúng có tiếng bầu bạn. Với nhà hàng xóm nấu bánh tét ấy, bếp lửa nấu bánh tét là bếp lửa sung túc nhất năm. Với nhà tôi, cúng quảy là nhóm bếp than, cả nhà lớn nhỏ tập trung về mỗi người một tay cho bữa cúng nên đó là bếp lửa có mùi ấm áp của những chuyện trò râm ran.

Tiếng than củi cháy réo rắc trong lò bao giờ cũng nghe vui, nghe no đủ và nghe cả mùi đầm ấm. Chẳng phải tự nhiên mà khắp Việt Nam, hầu như dân tộc nào cũng có tục giữ lửa ngày tết.

 An Hiên

   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI