Ngọc trong đá

03/06/2013 - 17:20

PNO - PN - Đồi Bằng Lăng, mới nghe cứ tưởng tên một khu du lịch sinh thái thơ mộng, nhưng thật ra, đó chỉ là vùng đất mới, không đường, không điện, thuộc ấp 2, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Để đến được đồi Bằng...

Ngoc trong da

Vợ chồng ông Buông trong trại nuôi dê

Ngoan như con trai nhà Mười Buông

Chúng tôi tìm được nhà của ông Phạm Văn Buông và bà Nguyễn Thị Ngọc Liễu thì trời đã đứng bóng. Vậy mà gọi mãi mới nghe tiếng vợ chồng chủ nhà đáp vọng lại từ ngoài đám rẫy hun hút xa.

Người hàng xóm dẫn đường bảo cứ tự nhiên vô nhà ngồi. Cửa không khóa, nhà bằng gỗ, vật dụng sơ sài, nằm giữa khu vườn trồng tiêu và cà phê, cạnh bên nhà là một chuồng nuôi chừng chục con dê. Ông Mười Buông kể, năm 1986, ông theo gia đình đến đồi Bằng Lăng lập nghiệp, gặp bà Liễu rồi yêu và cưới, nhưng mãi đến năm 1990 mới dám sinh con đầu lòng, đơn giản chỉ vì sợ con đói khổ. Bà Liễu nhớ lúc đó, nhiều bữa chồng phải nhường cơm cho mình để đủ sữa cho con bú, còn ông thì ăn toàn củ mì luộc chấm muối. Mấy năm sau, kinh tế ổn định hơn một chút, bà Liễu sinh con thứ hai. Ông bà tự dặn nhau, đời mình không được học hành, chỉ biết đi làm mướn kiếm sống, giờ có con phải ráng làm lụng nuôi con ăn học đàng hoàng.

Nhờ trời thương, cả hai con trai Phạm Thanh Tâm và Phạm Hữu Nghĩa đều khỏe mạnh, dễ nuôi. Cứ sáng sáng, ông bà địu con ra rẫy, đặt ngồi chỗ bóng râm rồi chồng cuốc đất, vợ trồng tỉa. Hết mùa bắp, ông Buông để dành vốn trồng tiêu, trồng cà phê, xen kẽ giữa mùa thì nuôi dê, nuôi heo mọi. Khi Tâm và Nghĩa đến tuổi đi học, trường cách nhà trên 5km, mỗi buổi, ông bà thay nhau đưa đón con bằng chiếc xe đạp cọc cạch.

Bây giờ, khi đã là chàng sinh viên năm cuối khoa Công nghệ hóa dầu, hệ chính quy của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Nghĩa vẫn nhớ như in cảm giác có lỗi mỗi khi áp mặt trên lưng áo ướt đẫm mồ hôi của cha mẹ. Cảm giác ấy càng lớn hơn, khi Tâm, sau khi tốt nghiệp phổ thông, đã từ chối học lên để đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ lo cho em. Đó là năm cà phê, tiêu rớt giá thê thảm, bán xong, chỉ vừa đủ trả tiền phân bón, nhiều hôm ông bà phải đến vườn khác làm mướn để kiếm thêm lo cho Nghĩa đi học. Vì vậy, Nghĩa luôn cố gắng thu xếp để phụ ba mẹ làm rẫy, chăn dê, chỉ đến tối mới chong đèn ngồi học. Kết quả 12 năm đi học, Nghĩa luôn là học sinh khá giỏi và thi đậu một lúc hai trường đại học.

Nhắc đến Nghĩa, vợ chồng ông Buông tự hào về sự thông minh, sáng dạ của con, nhưng nhắc đến Tâm, ông bà gọi đó là niềm an ủi lớn, vì sự hiếu thảo với cha mẹ, tình thương dành cho em. “Ngoan như con trai nhà Mười Buông”, đó là câu bà con đất đồi hay nói.

Ngoc trong da

Ông bà Năm Chức trong vườn tiêu nhà mình

Nuôi con như trồng cây

Tương tự nhà ông Mười Buông, vợ chồng ông Hoàng Văn Chức và bà Trương Thị Mùi tay trắng dắt nhau về đồi Bằng Lăng lập nghiệp năm 1990. Khi đó, con trai Hoàng Hồng Quay đã tám tuổi, và con gái Hoàng Thị Ngọc Thu mới lên ba. Giống như con cái những gia đình dân tộc Tày khác, Quay lúc đó đã biết địu em đi kiếm củi, kiếm rau, để cha mẹ rảnh tay làm đất.

Ông Chức là người dân tộc Tày, bà Mùi là người Hoa, cả hai chỉ biết đọc biết viết, nên chuyện học hành của Quay đều do Quay tự lo liệu. Trong những lần cha con cùng đi cưa cây làm nhà, ông Chức thường nói ngắn gọn với con: “Phải học, phải học. Đúng không con?”. Quay gật đầu ngay. Cậu bé biết đó chính là ước mơ lớn nhất đời của cha mẹ. Và Quay đã học, dù tiếng Việt còn lúng túng, dù để được đến lớp, phải mất nhiều giờ để vượt con đường xa ngái. Để có thêm tiền cho con ăn học, ngày ngày bà Mùi phải đạp xe mấy chục cây số ra chợ huyện cất hàng về bán, còn ông Chức phải trồng thêm nhiều rẫy bắp, chuối, bí, bầu. Kể thì nghe đơn giản, nhưng để làm được ngần ấy việc, hai vợ chồng chỉ ngủ mỗi ngày vài giờ đồng hồ. “Ờ, lúc đó làm vậy mà sao không biết mệt”, bà Mùi cười hiền kể. Ông Chức cũng cười: “Nuôi con y như trồng cây vậy, thấy cây tốt tươi, bụng ai mà chẳng khỏe”. Bà Mùi nói, phần lớn công dạy con là do chồng, ông dạy con khi cùng con ra rẫy, khi đưa con đi học, thấy đứa nào sai quấy, ông sửa liền. Ông nói, thấy sâu rầy thì phải tận diệt, thấy cành cong thì phải cắt tỉa.

Đến năm cuối cấp III, Quay chọn thi vào Trường ĐH Nông Lâm với sự đồng tình của ba mẹ và bà con đất đồi. Rồi vừa học, vừa thực hành trên chính miếng đất của mình, cho đến khi anh kỹ sư Quay tốt nghiệp, đi làm, thì nhà ông Năm Chức đã có một vườn tiêu, cà phê được bà con vùng đồi đến học tập. Quay hiện đang là cán bộ của Công ty Cây trồng miền Nam. Anh đi nhiều nơi và mỗi lần trở về đất đồi, anh lại kể cho cha và bà con nghe nhiều cách làm giàu mới, hướng dẫn cho bà con cách tính toán trong lao động, nên trồng cây gì, nuôi con gì.

Noi gương anh và được chính anh dìu dắt, cô em gái Ngọc Thu nay đã tốt nghiệp Trường ĐH Ngân hàng, được phân công về làm việc tại Q.Thủ Đức, TP.HCM. Cô em út Hoàng Thị Thu Thảo đậu ĐH Y Dược, hiện là sinh viên năm cuối. Cô út Thảo nhiều năm liền là học sinh giỏi cấp huyện, bốn năm ĐH được nhận học bổng của trường. Giải thích về thành tích học tập của mình, Thảo cho rằng, vì mình có điều kiện thuận lợi hơn anh chị, lại luôn được ba mẹ và anh chị dạy bảo từ lúc còn ở nhà cho đến khi đi học xa. Nhờ có anh Quay và chị Thu mà Thảo nhanh chóng làm quen với nhịp sống thành phố, biết đi làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học. Thảo tự hào là cư dân của đồi Bằng Lăng. Những khó khăn thiếu thốn giúp Thảo tự tin hơn, biết yêu quý, trân trọng những gì mình có được. Bên cạnh đó, nếp sống lao động miệt mài, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người của ba, sự hiền lành, nhẫn nại, đảm đang, chịu khó của mẹ luôn là tấm gương để Thảo noi theo.

 THUẬN CƠ

Kỳ tới: Nuôi dưỡng ước mơ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI