Ngọc trên vùng đất chết

02/02/2020 - 07:30

PNO - Mình làm nông, mà đất cứng như đá, thì thua rồi. Chừ nhờ làm ruộng hữu cơ mà nó trở về nguyên cũ, hỏi có chi mừng hơn. Rõ ràng mấy chục năm, mình sống bạc với đất, ăn mòn trên nó mà không trả nghĩa.

Đầu hè 2019, khi phó giáo sư Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng Thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) ngỡ ngàng công bố gạo hữu cơ Quảng Trị không những sạch mà còn siêu sạch bởi thế giới chưa có gạo nào đạt 545 chỉ tiêu chất lượng. 

Hơn thế nữa, ông sửng sốt phát hiện hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B tìm thấy trong gạo này có tác dụng chống bệnh gút, tiểu đường, béo phì, quý và đắt hơn vàng 30.000 lần, thì ngay cả lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng không dám tin. Như một hiệu ứng domino, nông dân trên những cánh đồng chết năm xưa mở cuộc ăn mừng lần nữa; đại lý duy nhất bán gạo hữu cơ tại Đông Hà tăng vọt từ 32.000 đồng/kg lên 39.000 đồng/kg mà cháy hàng không có bán. 

Còn tôi cứ lẩn thẩn câu hỏi: hành trình này phải đi qua những chông gai nào? Tại sao là Quảng Trị gió Lào, vùng đất mà mức độ hủy diệt trong chiến tranh đến 200%, ngay cả bây giờ, những tiếng nổ kinh hoàng từ bom đạn vẫn thỉnh thoảng vang lên kéo theo nước mắt và máu trên hàng rào điện tử MacNamara xưa? Tại sao chỉ mới có họ mà chưa thấy nơi nào trên dải đất miền Trung khắc nghiệt này, bởi cũng ruộng đồng khô khốc, tơi bời nắng hạn mưa lũ như nhau, tư duy làm nông có khác chi nhau đâu?

Vùng đất chết đã hồi sinh

Ông Nguyễn Giang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị - Gio Mỹ - Gio Linh chạy xe máy cái ào tới. Mang tiếng giám đốc, nhưng ông là nông dân… chay, nhà có 10 sào ruộng, “cũng làm chết cha chớ anh”, câu trả lời từ ông thay cho chuyện làm quen… lý lịch từ khách. HTX này là đơn vị đầu tiên của Quảng Trị làm gạo hữu cơ. “Ba lăm năm rồi làm gạo vô cơ, cứ theo tuần tự không cần phải nhớ là làm đất, phân, gieo sạ, phun thuốc là xong - ông bắt đầu câu chuyện - nên khi tôi về họp xã viên kêu gọi làm hữu cơ, họ lắc đầu, ngại khó. Ðất bạc màu hết rồi, thuốc trừ sâu làm đỉa cũng không sống nổi; ruộng đất đã chia, manh mún hết, giờ tích tụ lại đâu phải chuyện dễ. Thêm nữa trước đây nhiều doanh nghiệp đến, hứa đủ thứ rồi đi, nên nông dân mất lòng tin”.

Doanh nghiệp muốn liên kết với Quảng Trị sản xuất gạo hữu cơ là Công ty Ðại Nam trong Bà Rịa - Vũng Tàu được lãnh đạo tỉnh mời về, bởi nói như ông Hà Sỹ Ðồng - Phó chủ tịch tỉnh, là đã đến lúc phải làm nông nghiệp sạch và chỉ nông nghiệp sạch là hướng đi duy nhất ở tỉnh nghèo Quảng Trị có đến 70% dân làm nông khi môi trường đã ô nhiễm kinh hoàng. Họ tuyên bố bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền ngay tại ruộng; ruộng nào không đủ sản lượng 250kg/sào, họ bù; mất mùa họ đền đủ. Ðổi lại, bà con phải dùng phân Ong Biển do công ty sản xuất; tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. 

“Khi bắt tay vô làm, nảy sinh ngay vấn đề là lúa xấu, bởi phân Ong Biển bón thì lúa không xanh đậm, hơi vàng, mật độ thưa lúc đầu, bà con nghi ngờ ngay. Sâu bệnh xuất hiện, lo lắng nổi lên. Có người nói liền: “Các ông làm thế này, nếu không đảm bảo, HTX có đền không? Các ông tài thánh chi mà một loại phân bón kháng được tất cả sâu bệnh?”. “Bác trả lời sao?”. “Tôi cũng nghi ngờ, nhưng vững tin bởi doanh nghiệp cho ứng phân và giống, bao tiêu hết, mình lỗ là họ đền. Vụ đầu tôi mất ăn mất ngủ 100%. Một vụ bốn tháng chứ tám tháng chắc tôi chết”. “Có ai không chấp hành đúng quy trình không?”. “Có chứ. Một trong số 57 hộ không chấp hành, đem giống truyền thống vào làm một sào. Tôi phát hiện được, mời họ đến, đưa hợp đồng cam kết ban đầu ra, họ chịu, tôi đưa máy đến cày ngay, gieo lại, nhưng giống không còn. Ruộng đó, hủy một vụ, HTX trích quỹ ra hỗ trợ 50%”.

Làm ruộng hữu cơ là cánh đồng mẫu lớn, trăm người như một, chỉ cần một người làm khác mà có liên cư liên địa trên đó, thì tất cả còn lại cũng bó tay, bởi quy trình nghiêm ngặt, không ai được phép làm khác. Vì thế mới có chuyện nhiều HTX ở Quảng Trị muốn làm, nhưng cả làng có một ông cắc cớ không muốn, rằng tui không thích, kệ tui ưng làm chi thì làm, thế là tất cả bó tay. “Tôi nhớ rồi - ông cười thật lớn - có hai ông chín giờ tối lén phun thuốc trừ sâu vì rầy nhiều quá”. “Sao bác biết?”. “À, tôi có cách là kêu bà con kiểm tra chéo nhau, ai phát hiện, điện thoại, tôi trả một cuộc điện thoại 20.000 đồng. Họ phun mới được 100m2, trong đêm tôi bắt nhổ hết để cách ly”. “Với những người ban đầu không chịu làm, bác thuyết phục sao?”. “Ðàm phán đa phương và song phương chứ răng! Ông nào có ảnh hưởng lớn trong bà con, tôi đến nhà thuyết phục. Số đông yếu và chưa tin, thì tôi đàm phán đa phương”. Ngoại giao vào ruộng. “Quy trình nào dễ vi phạm nhất?”. “Bón phân. Hơn 30 năm ni, ưng bón lúc mô thì bón, chừ đâu có được, phân vô cơ chỉ 10kg/sào, nhưng hữu cơ là 105kg/sào, mà phải bón năm lần trong một vụ, đúng ngày (15-20 ngày)/lần”.

Mình làm nông, mà đất cứng như đá, thì thua rồi. Chừ nhờ làm ruộng hữu cơ mà nó trở về nguyên cũ, hỏi có chi mừng hơn. Rõ ràng mấy chục năm, mình sống bạc với đất, ăn mòn trên nó mà không trả nghĩa. 

Ôi thôi kiểu này là… ớn tận óc rồi. Nông dân mình vốn bảo thủ, tùy tiện, ví dụ như hôm nay lẽ ra phải bón phân, nhưng ông làm biếng hoặc nói nhà tôi có đám, mai bón, là bể liền. Phá cho được tư duy vốn đã đóng băng, thành đá mấy chục năm rồi, đâu có dễ chút nào. Lại thêm họ luôn nghi ngờ, là doanh nghiệp thì có bao giờ đi buôn mà chịu thiệt, coi chừng nó phỉnh là mình chết. Công ty Ðại Nam chơi thiệt, trả tiền tươi 8.000 đồng/kg ngay, thầu từ cái bao đựng lúa cho đến phân bón, nhận sản phẩm ngay tại đồng, thì vấn đề còn lại là nông dân, nhưng cốt lõi thì nằm ở cán bộ ở cơ sở như ông Giang. 

“Lúc tôi về nói chủ trương, mấy ông ủy ban xã và hội đồng quản trị HTX nói nghi quá, kiểu này… phiêu quá, chắc không được chi đâu”. Ðó, ngay cả cán bộ cũng không tin, đừng nói là dân. Cung cách cũ đã quen, đất khô cằn, làm lúa mong chi giàu, lòng tin bấy lâu giảm sút… Ngó lại, thấy ông Giang lắc đầu ngao ngán, không phải, cái lắc đầu sung sướng khi nhớ lại và đối chiếu với hiện tại. “Vụ đầu thắng 80%, từ vụ thứ hai trở đi, năng suất vượt yêu cầu, có nơi lên 4 tạ/sào, hạt nào ra hạt nấy, đẹp và thơm lắm. Mỗi héc-ta lãi ròng 30 triệu, gấp đôi ruộng vô cơ, lại không phải bơm thuốc phá đồng hại sức khỏe, môi trường đảm bảo, bà con sướng lắm. Nhiều ruộng, cá, ếch đã trở lại, chuyện này mơ cũng không thấy; có vụ bắt 2 tạ cá/ha”. 

Chủ tịch huyện Gio Linh Trần Thanh Quảng nói: “Vấn đề được nhất chưa phải là năng suất và chất lượng, mà đất thực sự là đất như hồi xưa, độ mùn, bùn cao, đã trở lại. Tôi nói với anh em, đây là thắng lợi to lớn. Mình làm nông, mà đất cứng như đá, thì thua rồi. Chừ nhờ làm ruộng hữu cơ mà nó trở về nguyên cũ, hỏi có chi mừng hơn. Rõ ràng mấy chục năm, mình sống bạc với đất, ăn mòn trên nó mà không trả nghĩa. Bắt được con cá trên ruộng, có ông giữ chặt hai tay, miệng cười mà mắt sững sờ không tin cá đã trở lại”.

20 năm, mơ cũng không nghĩ cá lại về đồng
20 năm, mơ cũng không nghĩ cá lại về đồng

Khâu đầu tiên là chất lượng cán bộ

Ngọc đã thành hình từ đá. Ðá đã được gọi tên xưa cũ là đất. Có niềm vui nào lớn hơn với nông dân như thế. Ngó lại hành trình, chính là câu chuyện kỹ thuật. Nông nghiệp 4.0 là đây chứ đâu. “Ðúng đó - anh Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói - chẳng dễ dàng chút mô”. 

Anh Tâm được xem là kiến trúc sư trưởng của quy trình kỹ thuật đưa giống này vào ruộng Quảng Trị. “Giống này là ST 24 nổi tiếng ở miền Nam, nhưng không thể áp đặt máy móc vào ruộng Quảng Trị được. Mình phải viết lại quy trình, từ khâu phân bón bao nhiêu, thời gian ra sao, xuống giống bao lâu thì bón phân, mực nước trên ruộng là mấy… Tất cả phải khác đi”. Anh đã đạt giải ba sáng kiến khoa học kỹ thuật của Quảng Trị từ quy trình này, khi câu trả lời từ ruộng khẳng định chất xám anh đưa ra ở đây là chính xác.

“Tụi mình khổ lắm. Em có tin, đúng y một tháng, xe của cơ quan lăn tròn bánh, cán bộ về ruộng hết. Ði miết, hết doanh nghiệp đến dân. Mình xuống ngồi với bà con, lội trên ruộng cầm loa tay mà chỉ việc cho họ, chứ không phải đọc báo cáo khơi khơi đâu. Có nơi mình phải họp bốn lần, giải thích và… giải thích để bà con yên tâm chấp hành, rồi theo dõi lúa, bằng con mắt kỹ thuật sẽ biết ngay ai làm sai quy trình, đưa phân hóa học, phun thuốc trừ sâu vào, bởi có thì lúa chỗ đó sẽ khác cả đồng. Mà đâu phải một miếng ruộng, cả tỉnh mấy chục héc-ta chứ ít đâu”.

“Có bài học nào từ câu chuyện này không?”. “Có, hai vấn đề. Một, hãy bỏ tư duy doanh nghiệp cần Nhà nước, mà nên nhớ đã đến lúc Nhà nước cần doanh nghiệp, đừng nghĩ họ tới mình sẽ kiếm phong bì, ăn nhậu, làm khó dễ, quên đi! Tụi anh theo sát họ. Họ cần chi, tỉnh hỗ trợ ngay; cơm trưa mình cũng mời họ. Có như vậy, họ mới tin và quyết tâm đi cùng mình. Hai, tích tụ ruộng đất. Phải xóa làm ăn manh mún, ruộng đất nhỏ lẻ rời rạc. Không cánh đồng mẫu lớn thì không làm hữu cơ được. Từ năm 2016, tỉnh đã có chủ trương đánh giá tác động từ thực tế trong sản xuất để điều chỉnh chính sách; bám nông dân, bám cơ sở. Năm 2020, tỉnh sẽ bàn vấn đề tích tụ ruộng đất chứ bây giờ nhu cầu làm gạo hữu cơ lớn quá, hiện tỉnh đã cho mặt bằng để công ty đó thu mua và xây nhà máy chế biến gạo, sản xuất rượu sạch ở xã Hải Trường; khu công nghiệp Ðông Hà cũng có mặt bằng để xây một nhà máy nữa. Nguồn lúa rất lớn, doanh nghiệp không tiêu thụ kịp”.

Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nói chuyện  với ông Nguyễn Giang (bìa phải)
Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nói chuyện với ông Nguyễn Giang (bìa phải)

Làm ruộng hữu cơ lời đủ thứ, cả tỉnh chỗ nào cũng muốn làm, từ mấy chục héc-ta ban đầu nay đã hơn 100 héc ta với 13 HTX tham gia. “Ai chưa vô thì muốn vô; ai ở trong thì muốn làm thêm. Chừ thì khỏe rồi, bởi làm nông mà có tiền tươi, lãi lớn, ai dại chi mà làm khác. Xã tôi vụ này có thể làm 50/145ha”, ông Giang nói. “Có tỉnh nào ở miền Trung đến tham quan, học tập chưa?”. “Có Nghệ An, Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh”. “Họ nói sao?”. “Nghe tôi kể, họ lắc đầu, kiểu này cực quá, thôi”. “Bác nghĩ sao?”. “Muốn làm mà thành, thì chất lượng cán bộ là khâu đầu tiên, phải nghiêm túc, nhiệt tình, hiệu quả, chứ làm giả, ưng lợi nhuận trước mắt, thì làm lúa hữu cơ thất bại liền. Mình làm cùng bà con, thắng thua đều chịu, họ mới tin mình”.

Phó chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nói chuyện  với ông Nguyễn Giang (bìa phải)
Nhận tiền ngay tại ruộng, chuyện chưa từng có ở những cánh đồng lúa này

 

Thay đổi tư duy nhà nông, đưa công nghiệp vào nông nghiệp, thì am hiểu kỹ thuật, quyết tâm thay đổi là khâu đầu tiên, nhưng hơn hết là tình yêu với đất, tình cảm chân thành muốn nông dân thực sự đổi đời đi từ trái tim mới là mệnh lệnh đầu tiên. 

Nghe ông nói, thế là câu hỏi trong tôi lâu nay, vỡ ra. Thay đổi tư duy nhà nông, đưa công nghiệp vào nông nghiệp, thì am hiểu kỹ thuật, quyết tâm thay đổi là khâu đầu tiên, nhưng hơn hết là tình yêu với đất, tình cảm chân thành muốn nông dân thực sự đổi đời đi từ trái tim mới là mệnh lệnh đầu tiên. Nghị quyết chỉ là giấy lộn nếu không có tiếng nói thẩm định từ đời sống. 

Cuộc cách mạng trên ruộng đồng này là trận đánh thay đổi tư duy làm ruộng mà tiếng nói từ bùn đất, tâm tư nhà nông dội vào ứng xử của cán bộ, buộc cán bộ phải đặt cược uy tín, niềm tin, trách nhiệm và tình thương, mới thắng được. Thay đổi triệt để tư duy từ dân đến cán bộ. Ðất thành vàng, bùn thành ngọc đã vào nhà nông Quảng Trị. Gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành. Anh Tâm cho hay, tỉnh đang mời châu Âu sang kiểm nghiệm chất lượng ở 80ha ruộng để xuất khẩu. Ði trên đồng mà nhớ câu thơ của Chế Lan Viên về cái xứ khắc nghiệt này: “Ôi gió Lào ơi, ngươi đừng thổi nữa”. Giờ có thổi thì cũng vậy thôi… 

Trung Việt

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=