“Ngọc sáng - Cầm Thi giang” khai diễn Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024

26/10/2024 - 06:50

PNO - Tối 25/10, tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ), Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 chính thức khai màn với phần thi diễn của đơn vị chủ nhà là Nhà hát Tây Đô qua vở cải lương “Ngọc sáng - Cầm Thi giang”.

Lần đầu tiên hình tượng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền được đưa lên sân khấu.
Lần đầu tiên hình tượng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền được đưa lên sân khấu

Ngọc sáng - Cầm Thi giang do đạo diễn - nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Nguyên Đạt viết kịch bản và dàn dựng. Đây là lần đầu tiên, hình tượng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - một trong những soạn giả tiên phong, người được suy tôn là “hậu Tổ” của nghệ thuật cải lương - được đưa lên sân khấu.

Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền
Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là thầy của những nghệ sĩ tiền phong, như: Phùng Há, Ba Vân, Bảy Nhiêu, Năm Nhỏ...

Chia sẻ về cơ duyên thực hiện vở diễn, đạo diễn Nguyên Đạt cho biết, từ lâu, người dân và lãnh đạo Cần Thơ đã mong muốn có được tác phẩm tôn vinh xứng đáng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền - danh nhân văn hóa tiêu biểu của địa phương đã đóng góp rất to lớn cho sự phát triển của sân khấu cải lương từ những ngày đầu tiên.

Phần mở đầu ấn tượng của Ngọc sáng - Cầm Thi giang

Nhân dịp TP Cần Thơ đăng cai Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ chỉ đạo phải tìm được ê kíp thực hiện tác phẩm về ông. “Rất nhiều kịch bản được gửi về, từ 5 kịch bản cuối cùng, kịch bản của tôi đã được chọn và phải thông qua đến 4 hội đồng mới được duyệt. Trong quá trình dàn dựng vẫn liên tục chỉnh sửa để vở diễn có những lát cắt thật, sống động, đúng hình tượng và thể hiện đúng những cống hiến của ông cho nghệ thuật cải lương” - đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.

Ngọc sáng - Cầm Thi Giang có sự góp mặt của lực lượng
Ngọc sáng - Cầm Thi giang gợi lại hình ảnh các đoàn cải lương buổi ban đầu

Theo Nguyên Đạt, cái khó nhất không chỉ là nguồn tư liệu ít ỏi về một người đã sống cách đây 148 năm mà cuộc đời dành trọn vẹn cho nghệ thuật của ông cũng không có xung đột đặc biệt để tạo kịch tính. “Vì thế, dựng vở này, tôi muốn cô đọng trong 1 chữ tình: đó là tình yêu đối với nghệ thuật, tình yêu thương giữa người nghệ sĩ với nhau, tình yêu dân tộc trước bối cảnh đất nước bị ngoại xâm…” - Nguyên Đạt cho biết.

Đặc biệt, anh và ê kíp vở diễn cũng truy tìm và phục hồi những kịch bản gốc trên từng chặng đường lao động nghệ thuật của Nguyễn Trọng Quyền, như: vở diễn đầu tiên khi thành lập gánh Tập Ích Ban, vở diễn đưa Dạ cổ hoài lang vào, từ tác phẩm phóng tác nước ngoài đến vở tuồng Việt đầu tiên là Giọt máu chung tình… “Tất cả đều được tái hiện trên sân khấu cho khán giả có thể hình dung toàn diện về cuộc đời hoạt động nghệ thuật bền bỉ để xây dựng nền móng, bồi đắp cho sự phát triển của sân khấu cải lương về sau” - đạo diễn Nguyên Đạt nói.

Mối quan hệ đồng điệu giữa 2 người nghệ sĩ tài hoa là Cao Văn Lầu và Nguyễn Trọng Quyền
Sự đồng điệu giữa 2 người nghệ sĩ tài hoa là Cao Văn Lầu và Nguyễn Trọng Quyền được đạo diễn Nguyên Đạt chú ý khắc họa trong vở diễn
Trích đoạn Bội phu quả báo - một vở diễn ở giai đoạn đầu sân k
Trích đoạn Bội phu quả báo - được Nguyễn Trọng Quyền viết ở buổi đầu hình thành sân khấu cải lương
Giọt máu chung tình là tuồng Việt đầu tiên được Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền
Giọt máu chung tình là tuồng Việt đầu tiên được Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền sáng tác

Nguyên Đạt cũng chủ trương: “Để nghệ sĩ ca như cải lương xưa và ca rất nhiều bài khó, như vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và một số bài bản đã không còn được sử dụng trong tuồng cải lương”.

Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà Ngọc sáng - Cầm Thi giang thực sự không… dễ xem. Có vẻ đạo diễn Nguyên Đạt và ê kíp hơi… tham khi cố gắng đưa tất cả mọi dữ liệu, giai thoại thu thập được về nhân vật lên sân khấu. Thành ra, tác phẩm có phần dàn trải, nặng tính minh họa mà thiếu điểm nhấn, thiếu cao trào. “Vở diễn như một “liên khúc ca cảnh” hơn là một tác phẩm chỉnh thể” - một khán giả nhận xét.

Đây là điều khá đáng tiếc khi mọi người có thể nhìn rõ được sự tâm huyết với nhân vật, sự đầu tư nghiêm túc của ê kíp đối với tác phẩm.

Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 được Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 25/10 đến 15/11.

Ban tổ chức tặng hoa cho 29 đơn vị nghệ thuật dự Liên hoan.
Ban tổ chức tặng hoa cho 29 đơn vị nghệ thuật dự Liên hoan

Liên hoan quy tụ 1.200 diễn viên từ 29 đơn vị cải lương trên toàn quốc, thi diễn 33 vở cải lương đa dạng đề tài (lịch sử, dã sử, truyền thống cách mạng, tâm lý xã hội…). Trong đó, TPHCM là địa phương có lực lượng dự thi đông đảo nhất với 11 đơn vị và 12 vở diễn, chủ yếu là các sân khấu xã hội hóa.

ông Nguyễn Văn Hiếu – Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Đỗ Văn Phớn – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Hồ An Phong – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu (thứ tư, từ phải sang) và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong (thứ tư, từ trái sang) tặng hoa cho Hội đồng nghệ thuật

Năm nay, Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có sự góp mặt của: nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn - NSƯT Trần Thắng Vinh, NSND Vương Hà, NSND Thanh Điền, nhà văn Bích Ngân, nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải, họa sĩ Doãn Bằng.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI