Ngọc Lan trong gió - góc nhìn khác về vấn đề đồng tính

25/12/2017 - 15:44

PNO - Ngoài khát vọng tự do, được sống là chính mình, kịch đặt thêm góc nhìn về cảm xúc, tâm trạng khi là mẹ, là vợ của người đồng tính trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa nửa phong kiến.

Ngọc Lan trong gió (tác giả: Minh Phương, Cát Phương; đạo diễn: NSND Hồng Vân; đang diễn trên sân khấu kịch Hồng Vân) là tác phẩm chuyển thể từ truyện Người tình anh thợ bạc. Ngoài khát vọng tự do, được sống là chính mình, kịch đặt thêm góc nhìn về cảm xúc, tâm trạng khi là mẹ, là vợ của người đồng tính trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa nửa phong kiến.

Ngoc Lan trong gio - goc nhin khac ve van de dong tinh

Ngọc Lan trong gió - góc nhìn về những người vợ, người mẹ của người đồng tính

30 tuổi, Sơn Ca vẫn chưa có người yêu. Ước mong có cháu nối dõi, vợ chồng quan phủ đã mua Ngọc Lan - cô gái thôn quê xinh đẹp về làm vợ Sơn Ca. Từ ngày Ngọc Lan về làm vợ, Sơn Ca luôn muốn nổi điên mỗi khi nhìn thấy ánh mắt đầy ngưỡng mộ của các “gã trai” dành cho Lan. Nhưng cảm giác đó không phải sự ghen tuông mà là nỗi ganh tị: vì sao những ánh mắt kia không dành cho mình.

Kịch về người đồng tính không còn mới, nhưng đây là một trong những vở hiếm hoi chạm đến nỗi khắc khoải của những người phụ nữ bên cạnh người đồng tính.

Người duy nhất hiểu Sơn Ca là bà phủ. Từ khi phát hiện sự khác thường của đứa con trai độc nhất, bà luôn dằn vặt với mặc cảm mình là người đã biến con thành người khác biệt vì từng muốn Sơn Ca là con gái để bầu bạn khi cô đơn. Cưới vợ cho con, bà những tưởng cuộc sống gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc, nào ngờ bi kịch lại bắt đầu từ đó…

Bà phủ đau đớn với mặc cảm mình là người có lỗi, sống trong nỗi sợ ngày ông phủ biết sự thật về con trai. Chưa hết, người mê gái như ông phủ chắc sẽ phải đi tìm người nối dõi khác, mẹ con bà phủ sẽ ra sao; rồi cái gia sản kếch sù của một ông quan tham sẽ lọt vào tay ai.

Làm dâu nhà ông phủ, mỗi ngày qua, Ngọc Lan đều đau đớn với câu hỏi “mình đã làm gì sai khiến chồng luôn thấy ghê tởm khi chạm vào cơ thể mình?”. Sơn Ca, bà phủ, Ngọc Lan thuộc về những thế giới riêng cùng những nỗi đau không thể chia sẻ cùng ai. Định mệnh dẫn lối cho Ngọc Lan gặp Kim Quang, anh thợ bạc nổi tiếng, chuyên làm trang sức cho các quan lớn, để rồi bi kịch tiếp nối bi kịch.

Thành công đầu tiên của Ngọc lan trong gió ở chỗ vở không khiến khán giả gợn với cảm giác lợi dụng đề tài nhạy cảm để câu khách. Một số lớp diễn khắc họa nỗi đau của những người trong cuộc đủ làm người xem chùng lòng. Ánh mắt đau đớn, tiếng thét của Sơn Ca là lớp diễn khá hay của Hoàng Linh - tiếng thét không phải vì làn roi của cha mà là nỗi đau không thể hiểu nổi mình là ai, không được sống với khát vọng, ước mơ của chính mình.

Cảnh kết khá ấn tượng với thông điệp về người đồng tính trong cuộc sống hiện tại. Giá như tạo hóa đừng bày trò trớ trêu thì Sơn Ca và Ngọc Lan sẽ là đôi uyên ương tràn đầy hạnh phúc. Họ yêu  thương nhau bằng thứ tình cảm chân thật, không toan tính; nhưng rào cản của định kiến, của quy luật “trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng”… đã đẩy cả hai vào con đường bế tắc, không thể chia sẻ, không thể cảm thông, bởi chính họ cũng không thể hiểu nổi điều gì đang xảy ra trong tâm hồn và cơ thể mình.

Ngọc lan trong gió sẽ đầy đặn và nhiều cảm xúc hơn nếu đừng bị phân tán vì quá nhiều điều muốn nói trong một kịch bản chưa đến ba tiếng. Tác giả hơi tham khi khai thác quá sâu những chuyện bên lề như chuyện tình yêu của kẻ ăn người ở; chuyện nội bộ gia đình tên quan tham, hám sắc hoặc góc xấu xa của những người lợi dụng tình cảm đồng giới để mưu cầu lợi ích cá nhân…

Đành rằng việc cân đối giữa bi và hài trong một vở diễn luôn là bài toán khó của nhiều nhà quản lý sân khấu và đạo diễn, với góc nhìn của Ngọc lan trong gió, hẳn không ít khán giả thèm được chiêm nghiệm với những nỗi đau bị dồn nén, câm lặng hơn là những nỗi đau ồn ào, gào thét. Phải chăng vì thế, khi rời rạp, nhiều người vẫn ám ảnh với bi kịch của ông chủ tiệm bạc - cha của Kim Quang hơn là bi kịch của những nhân vật chính trong nhà quan phủ? 

Tác giả Minh Phương

Gần 20 năm trước, khi được đặt viết kịch bản để phục vụ khán giả Việt Nam tại Mỹ, tôi đã chọn truyện Người tình anh thợ bạc làm chất liệu. Lúc đó, truyện được rất nhiều người yêu thích. Vở diễn, sau đó, chỉ diễn một suất tại Mỹ.

Mang tác phẩm về Việt Nam dàn dựng trên sân khấu Hồng Vân, NSND Hồng Vân, tôi cùng các anh chị em diễn viên đã dành rất nhiều thời gian để bàn bạc, sửa chữa kịch bản cho phù hợp với suy nghĩ, tâm lý và nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện nay. Đề tài người đồng tính đã quá quen thuộc, đã được khai thác nhiều, nên chúng tôi chọn thêm góc nhìn từ người mẹ, vợ của người đồng tính.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI