LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!
Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật
Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”
|
Gánh xiếc của bà bầu Nguyễn Thị Lang
Lục lại trí nhớ, nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương cho biết ba mẹ ruột của mình - ông Nguyễn Văn Chín và bà Nguyễn Thị Lang - chủ gánh xiếc Độc Lập khi đó, luôn đưa đoàn rong ruổi khắp từ Nam chí Bắc để phục vụ bà con. Không chỉ “chiêu dụ” các thành viên đam mê xiếc chính hiệu từ nhiều vùng, miền khác nhau, bà bầu Lang còn muốn gầy dựng một gánh xiếc mang tính gia đình, có người truyền nghề, người nối nghiệp. Sáu người con của bà Lang đều được bà thuê thầy dạy xiếc từ Hà Nội về chỉ dẫn, luyện tập. Ngọc Hương năm đó 13 tuổi, là đứa con thứ ba trong gia đình có năm cô con gái và một cậu con trai.
“Tôi còn nhớ khoảng hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, mẹ mời thầy về dạy xiếc cho sáu chị em. Tôi được học bộ môn thăng bằng trên dây, ngày xưa gọi là đi dây tử thần, hay đi dây thép trên cao. Tôi không nhớ đã té bao nhiêu lần, những vết thương có khi chưa lành đã phải cắn răng tiếp tục tập luyện. Tôi cứ tập miệt mài như thế đến năm 16 tuổi thì được theo gánh xiếc của mẹ trình diễn”, nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương kể lại.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương trong các tiết mục xiếc trên dây thời trẻ |
Trong lời kể của người phụ nữ vừa chia tay nghề xiếc sau 40 năm gắn bó, bà xúc động nhiều và không ngừng nhắc về mẹ. Bà bảo mẹ mình rất khó, nhưng cũng chỉ vì muốn các con có được nghề nghiệp ổn định sau này, rèn được sức chịu đựng và tinh thần thép. Hỏi nghệ sĩ Ngọc Hương làm con của bà bầu gánh xiếc, được định hướng theo nghề nghiệp gia đình mà không có quyền lựa chọn, liệu có khi nào nghĩ lại, bà trách, giận vì mẹ chẳng lắng nghe con? Bà cười nói: “Hồi đó mẹ khó lắm, nên mẹ bảo học thì chị em học thôi. Tôi còn quá nhỏ nên chưa định hướng được cuộc đời, cứ nghe lời mẹ tập luyện, nhưng lâu dần lại thành đam mê. Mà phải thành thật rằng nếu không theo nghề xiếc, tôi cũng không biết làm công việc nào khác, nên không thể trách mẹ được. Nhờ có bà, tôi mới có công việc”.
Gánh xiếc Độc Lập của bà bầu Lang trụ vững nhiều năm liền, đi khắp các tỉnh, thành phục vụ bà con. Đoàn của bà bầu Lang thường không đi riêng lẻ, mà kết hợp với một số đoàn tạp kỹ khác để cùng đi diễn ở những tỉnh, thành xa. Ái nữ gánh xiếc lừng lẫy Sài Gòn ngày đó kể, đoàn đi mãi đến biên giới Lạng Sơn để phục vụ bà con, nhưng đang diễn nửa chừng, các chiến sĩ bộ đội vào đưa đoàn đi sơ tán vì quân địch tấn công.
“Có lẽ đó là chuyến đi diễn mà tôi nhớ mãi trong cuộc đời. Tôi cùng các chị em trong nhà đều theo chân mẹ cha từ khi còn bé xíu nên kỷ niệm nhiều vô cùng. Cả tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, gia đình tôi luôn cạnh nhau. Mẹ dù rất bận bịu, nhưng lo cho các con đủ đầy từng miếng cơm manh áo. Lúc được ở bên mẹ, được bà chăm sóc, chở che là những ngày hạnh phúc nhất đời, bởi đâu phải ai cũng có mẹ kề bên khi làm việc như tôi và các chị em khác trong gia đình”, nghệ sĩ Ngọc Hương nhớ lại.
Sau đó gánh xiếc Độc Lập không còn đi diễn các tỉnh, mà trụ lại cố định ở Sài Gòn, đến năm 1986, thời kỳ đất nước mở cửa, gánh xiếc tư nhân của bà bầu Lang trở thành đoàn xiếc nhà nước, lấy tên là Đoàn xiếc TP.HCM. Sau này, đoàn xiếc đổi tên một lần nữa thành Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cho đến hiện tại. Bà Ngọc Hương nói từ sau khi chuyển hình thức hoạt động, danh xưng bà bầu gánh xiếc của mẹ không còn được nhiều người nhắc đến, nhưng bà xuất hiện ở đâu, cũng đều nhận về sự kính trọng của đồng nghiệp và thế hệ hậu bối.
Bà Lang khi đó vẫn theo các con đi diễn khắp nơi. Với nghệ sĩ Ngọc Hương, mẹ bà đồng hành cùng con đến năm 27 tuổi, trước thời điểm con gái lập gia đình mới chịu “buông” để con tự lập. Người cưới nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương - NSƯT Phi Vũ - khi đó cũng là thành viên gánh xiếc Độc Lập. Cuộc tình lớn lên tại gánh xiếc được đơm hoa, kết trái trong sự quan sát, dõi theo của bà bầu Lang, vì không dễ gì bà giao con gái cho một người mình không tin tưởng. “Anh Vũ hiền lành, chăm chỉ lại có chí nên mẹ mới đồng ý để cả hai tìm hiểu nhau. Chúng tôi có chín năm bên nhau trước khi kết hôn, quyết định nào trong cuộc đời tôi cũng có bóng dáng của mẹ”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương bên cạnh chồng - NSƯT Phi Vũ và hai con |
Giới nữ theo xiếc khó trăm bề
13 tuổi theo đoàn xiếc, ngoài tập luyện trò đi thăng bằng trên dây thép, nghệ sĩ Ngọc Hương còn có thể thực hiện nhiều trò khác như đi xe đạp một bánh trên dây, tung hứng nữ tập thể, và kết hợp với chồng thực hiện tiết mục leo cột... Dù có thể trình diễn đa dạng, nhưng tiết mục đi dây là tiết mục chính giúp tên tuổi nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương được nhiều người biết đến.
“Ban đầu, tôi tập luyện với độ cao chừng hơn hai mét, sau này, NSND Thái Mạnh Hiển (cây đa cây đề trong ngành xiếc Việt Nam - PV) nâng độ khó cho tiết mục lên độ cao hơn sáu mét. Mỗi lần đi trên dây, tôi phải chuẩn bị thần kinh thép để tập trung từng bước nhỏ, vì nếu sơ suất, không biết điều gì sẽ xảy ra”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Nhưng dù cẩn trọng hết sức có thể, nghệ sĩ Ngọc Hương cũng chịu không ít chấn thương từ nhẹ tới nặng. Nhẹ thì xay xát, trầy trụa, bong gân, còn nặng thì gãy tay phải nhập viện cấp cứu. Cho đến hiện tại, những vết thương đến ngày trở trời vẫn còn đau nhức từ bên trong. Nhưng thời tuổi trẻ, với sự lì lợm, gan góc không chịu đầu hàng, bà chẳng thấy chấn thương là điều gì quá lớn lao với một người đam mê nghề. Bà tâm sự: “Trong xiếc, tiết mục đi dây thăng bằng có thể xem là tiết mục khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, nên chấn thương là chuyện thường tình. Nó nhiều đến mức tôi không còn nhớ đã bao lần mẹ, chồng và mọi người phải xúm vào an ủi”.
Trong sáu đứa con của bà bầu Lang, một người vì lớn tuổi đã không còn thực hiện được các tiết mục, một người bị xương khớp cũng không thể theo nghề, nghệ sĩ Ngọc Hương về hưu, còn một người em khác chuyển sang làm công tác quản lý bên Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Với nghệ sĩ Ngọc Hương, giới nữ theo nghề xiếc có nhiều khó khăn liên quan đến sức khỏe, nền tảng thể lực cũng không bằng đàn ông. Chưa kể, tuổi thọ của nữ diễn viên còn ngắn hơn, đặc biệt khi có gia đình, lại có thêm nhiều yếu tố cản trở họ theo nghề.
|
Nghệ sĩ Ngọc Hương thời trẻ trên sân khấu xiếc |
“Trên sân khấu, tôi kiên cường, mạnh mẽ thế thôi, nhưng bước xuống phía dưới, nhìn ngược trở lại thấy anh Vũ đang còn thực hiện động tác trên cao, lòng lo lắng không yên. Tôi đứng dưới cứ cầu mong anh được an toàn, vì có khi anh trình diễn tốt, nhưng đạo cụ có trục trặc gì đó khó mà kiểm soát được”, nghệ sĩ Ngọc Hương tâm sự. Bà nói những lúc chồng gặp chấn thương hay bản thân bà phải nằm viện, những người còn lại đều động viên người kia cố gắng hồi phục để tiếp tục công việc, chẳng ai nghĩ về bước lùi, chỉ hướng đến những ngày sắp tới.
Nghề nào cũng có những được - mất, có vinh hoa và cũng nhiều cay đắng, theo nghệ sĩ Ngọc Hương, đó là câu chuyện đánh đổi một cách công bằng, xứng đáng mà nghề nghiệp của bà phải trải qua, không có gì phải ân hận.
Ái nữ của gánh xiếc đầu tiên tại Sài Gòn sau khi về hưu sớm vì sức khoẻ không cho phép cống hiến thêm, bà lại ngày ngày làm công việc nội trợ, chăm sóc chồng và hai con. Thỉnh thoảng nhớ nghề, NSƯT Phi Vũ chở vợ đến rạp xiếc để xem các đồng nghiệp trình diễn, hoặc mừng ra mắt vở xiếc mới. “Các con tôi và con của những chị em trong nhà không ai theo nghiệp xiếc. Đó là sự lựa chọn của các cháu, chúng tôi đều tôn trọng. Ai cũng có một cuộc đời mà, tôi thì được mẹ định hướng, nhưng với các con, tôi cho chúng được quyền lựa chọn”, nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương nói.
Diễm Mi