Ngoại trưởng Peru từ chức vì tiêm lén vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc

15/02/2021 - 12:21

PNO - Tối 14/2, Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elizabeth Astete cho biết, bà đã từ chức sau khi thừa nhận việc tiêm vắc-xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc), bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng và trước khi chương trình tiêm chủng quốc gia bắt đầu.

Bà Elizabeth Astete  trả lời phỏng vấn: “Tôi nhận thức được sai lầm nghiêm trọng mà mình đã mắc phải, đó là lý do tại sao tôi quyết định không tiêm liều thứ hai. Vì những lý do đã nêu, tôi đã trình đơn từ chức lên tổng thống."

Trước đó, Tổng thống Francisco Sagasti cho biết đã chấp nhận đơn từ chức của Bộ trưởng Y tế Pilar Mazzetti do bê bối liên quan đến việc cựu Tổng thống Martin Vizcarra được tiêm phòng sớm.

Pilar Mazzetti - người giữ vai trò bộ trưởng từ tháng 7/2020 và lãnh đạo văn phòng y tế của đất nước trong chính quyền tổng thống trước đây - đã xin từ chức hôm 12/2. Người thay thế bà, Óscar Ugarte, nhậm chức vào thứ Bảy 13/2.

Tin tức về việc tiêm chủng của cựu tổng thống Martin Vizcarra, được đưa ra ánh sáng bởi một tờ báo của Peru, trong đó nói rằng ông đã tiêm vắc-xin chỉ vài tuần trước khi bị luận tội.

Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elizabeth Astete quyết định từ chức vì đã tiêm trước vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elizabeth Astete quyết định từ chức vì đã tiêm trước vắc-xin COVID-19 từ Trung Quốc

Vizcarra - người bị Quốc hội phế truất vào tháng 11/2020 vì các cáo buộc tham nhũng - nói rằng, ông không “chen hàng” để nhận vắc-xin, mà là tham gia vào một phần của cuộc thử nghiệm tiêm chủng. Truyền thông địa phương đặt câu hỏi về lời giải thích đó.

Đầu tháng 1/2021, Chính phủ đã công bố một thỏa thuận với Sinopharm để mua tới 38 triệu liều vắc-xin.

Lô 300.000 liều vắc-xin đầu tiên đã đến một tuần trước và chương trình tiêm chủng chống lại COVID-19 đã bắt đầu vào thứ Ba 9/2, với việc tiêm phòng cho các nhân viên y tế, những người tiếp xúc nhiều nhất với căn bệnh này. Tổng thống Sagasti là một trong những người đầu tiên nhận vắc-xin của Sinopharm như một phần của chiến dịch.

Theo số liệu chính thức, đất nước với dân số khoảng 32 triệu người, đã ghi nhận khoảng 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19, với khoảng 43.491 người đã chết. Peru đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai, với các bệnh viện bão hòa và tình trạng thiếu thiết bị y tế ngày càng trầm trọng.

Linh La (theo Reuters, NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI