Ngoại trưởng Mỹ: “Việt Nam thay đổi thật đáng kinh ngạc”

15/12/2013 - 09:01

PNO - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến TP.HCM chiều qua và ông đưa ra thông điệp quan hệ hai nước đang mạnh hơn bao giờ hết và mong muốn về những phát triển của tương lai.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngoai truong My: “Viet Nam thay doi that dang kinh ngac”

Ngoại trưởng John Kerry vẫy chào người dân khi ông tản bộ ở khu vực trung tâm TP.HCM chiều 14-12 - Ảnh: Thuận Thắng

Ký ức của ông ngoại trưởng, một cựu binh của cuộc chiến, về VN những năm 1990 là thành phố “như bị đóng băng với thời gian” khi Hà Nội “vẫn còn những hố bom, hầu như không có xe máy” và mọi thứ đều là xe đạp, rất ít xe hơi, không đèn giao thông và chỉ vài khách sạn.

Khi ông bước trên đường phố TP.HCM chiều qua, dù đó là nhà thờ Đức Bà hay chợ tạm ở đường Chu Mạnh Trinh, đó là những con phố tấp nập xe cộ, những người dân trẻ nườm nượp, phố xá nhộn nhịp, còn ông ngoại trưởng Mỹ thì thân thiện vẫy tay “xin chào các bạn”. VN đã thay đổi nhiều so với lần cuối ông trở lại cùng Tổng thống Bill Clinton năm 2000 và thay đổi nhiều hơn nữa so với ký ức những năm 1990 của ông.

Thương mại song phương tăng 50 lần

"Cá nhân ngài ngoại trưởng có đóng góp rất lớn cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước. 20 năm trước, đó là mối quan hệ có vấn đề về niềm tin nhưng giờ nó là minh chứng tuyệt vời về chuyện các nước có thể vượt qua sự khác biệt để trao đổi và hợp tác với nhau. Từ kinh tế rồi mọi thứ nối theo đó. Đó là bước tiến dài"

Ông Fred Burke (giám đốc điều hành của Hãng luật Baker McKenzie)

“Không ai không ngạc nhiên khi thấy VN hiện đại đã thay đổi thế nào chỉ trong 20 năm. Thật đáng kinh ngạc” - ông nói và nhấn mạnh “đây không phải ngẫu nhiên, mà có sự cam kết và tầm nhìn của rất nhiều người”.

Ông dẫn chứng: “Kim ngạch thương mại song phương của chúng ta đã tăng 50 lần kể từ năm 1995 lên 25 tỉ USD/năm. Chúng ta sắp đạt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của Mỹ sang VN như tuyên bố của Tổng thống Obama năm năm trước”. Đất nước từng bị cô lập vì cấm vận cách đây hơn 20 năm giờ “có thể là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Mỹ tại khu vực và chúng ta sẽ cố để thực hiện điều đó”.

Ông Kerry kể khi gặp người đồng cấp của mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hồi tháng 7 ở Washington DC, ông được Bộ trưởng Bình Minh cho xem một tấm hình. Trong tấm hình, ông nhìn thấy một Kerry trẻ “tóc còn đen và nâu” và Bộ trưởng Bình Minh đứng phía bên ngoài ĐH Tufts ở Boston cách đây hơn 20 năm. Bộ trưởng Bình Minh lúc đó đang là sinh viên của Chương trình Fulbright - một trong những chương trình được ông Kerry, khi đó là thượng nghị sĩ, hết sức cổ vũ.

Ông Kerry, mái tóc đã ngả bạc và mới ăn mừng sinh nhật tuổi thứ 70 ba ngày trước, nói với vẻ hài hước: “Thay đổi là như vậy đó”. Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright mà ông giúp sáng lập cách đây 20 năm tại TP.HCM giờ đã trở thành một chương trình hoàn chỉnh với cả chương trình đào tạo thạc sĩ. “Tôi hi vọng sẽ cùng hợp tác với Chính phủ VN để thiết lập Trường ĐH Fulbright tại VN trong tương lai gần” - ông phát biểu.

Còn ông Fred Burke, giám đốc điều hành của Hãng luật Baker McKenzie và là người từng ở VN gần 20 năm, thừa nhận những gì ngoại trưởng Mỹ nói. “Những gì ông nói hoàn toàn đúng những gì tôi đã trải qua. Giờ rất nhiều thứ chúng ta xem nhẹ khi nghĩ lại VN đã thay đổi thế nào, từ điện thoại di động cho đến chất lượng cuộc sống” - ông Burke nói. Theo ông, VN giờ đây là “một cơ hội” cho người Mỹ khi rất nhiều người trẻ muốn sang VN để làm các lĩnh vực như công nghệ thông tin hay kinh doanh.

Ngưỡng cửa thay đổi

Theo ông Kerry, người tới VN trong chuyến thăm ba ngày, VN và Mỹ đang đứng trước “ngưỡng cửa của một thay đổi nữa mà có thể mở thêm nhiều cánh cửa cơ hội hơn cho hai nước và làm cho quan hệ đối tác thêm mạnh mẽ, thị trường của chúng ta thêm năng động và mang lại nhiều lợi ích”. Ngưỡng cửa mà ông nói ở đây chính là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà VN, Mỹ và 10 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác đang đàm phán với hi vọng có thể kết thúc vào năm tới.

Những cơ hội từ TPP, theo ông, có thể đem đến những thay đổi thị trường, các hiện đại hóa và hội nhập khu vực “mà Chính phủ VN coi là ưu tiên”. “Nó sẽ hỗ trợ nỗ lực của VN để cải cách các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như năng lượng, ngân hàng...” - ông giải thích khi công bố Mỹ sẽ cấp cho Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) 4,2 triệu USD cho các chương trình giúp triển khai TPP.

“Đây không phải là viện trợ, đây là một khoản đầu tư” - ông nhấn mạnh. Theo ông, đây là “đầu tư vào chương trình tăng trưởng rộng khắp và bền vững. Đây là một cách khác mà Mỹ muốn giúp đỡ VN tăng trưởng... Rõ ràng quan hệ đối tác Việt - Mỹ đang mạnh hơn bao giờ hết. Và tôi tin rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu và còn có rất nhiều cơ hội phía trước”.

Theo ngoại trưởng Mỹ, để tạo việc làm có thu nhập cao thì cần một thị trường tự do, “mọi người dám thất bại, mọi người cần sáng tạo, thúc đẩy ý tưởng mới về thương mại, về phát triển, tạo ra các sản phẩm mới”. Ông nhắc đến các thành công của Slovenia, Hàn Quốc và gợi mở: “VN đã chứng minh rằng việc mở cửa thêm sẽ dẫn đến thêm tiến bộ cho một xã hội mạnh và thịnh vượng hơn. Hôm nay VN đang có cơ hội lịch sử để chứng minh điều đó hơn nữa”.

Cũng chiều qua, ông Kerry đã chứng kiến lễ ký kết về thỏa thuận cung cấp thiết bị điện gió của General Electric cho Công ty Công Lý tại Bạc Liêu với trị giá 92 triệu USD. Thỏa thuận được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ và Ngân hàng Phát triển VN.

THANH TUẤN - Tuổi Trẻ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI