10 tiếng đồng hồ sinh tử, ba đơn vị bệnh viện là Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Hùng Vương và một sản phụ sau sinh trong ca cấp cứu thần kỳ. Từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, sản phụ được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Trên đường đi, chuyển biến bệnh xấu bất ngờ, nếu chậm sẽ tử vong; y bác sĩ lập tức chuyển bệnh nhân “tạt” vào Bệnh viện quận Tân Phú. Tại đây, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở. 22g, quy trình báo động đỏ nội viện Tân Phú khởi động cùng lúc kết nối với đường dây báo động đỏ liên viện đến hai bệnh viện tuyến trên là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Nhân dân 115. Chỉ 15 phút sau khi kết nối, ê kíp y bác sĩ của hai bệnh viện trên có mặt. Ca mổ bắt đầu lúc 23g15 ngày 16/12 và kết thúc thành công lúc 1g30 sáng ngày 17/12. Với hai mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh thiết lập trên 21 quận huyện cùng Báo động đỏ liên viện, ngành Y tế TP.HCM đã cấp cứu được nhiều ca tưởng chừng không thể, phát huy được hệ thống cấp cứu ngoại viện trong việc cứu chữa, chăm lo sức khỏe, tính mạng của người dân. PGS-BS Tăng Chí Thượng
So với sự đầu tư, sức phát triển và tính dư địa của TP.HCM ở lĩnh vực kinh tế với các ngành tài chính - ngân hàng, công nghiệp - dịch vụ, nông nghiệp - công nghệ cao… thì với chiều dài 27km ường biển thuộc huyện Cần Giờ, có vẻ như kinh tế biển chưa bao giờ thoát khỏi tầm nhìn “khiêm tốn” như chính nó đối với chiến lược phát triển nói chung của Thành phố. “Đừng tìm cách can thiệp và thay đổi hiện trạng của tự nhiên, của biển, hãy cứ là cảng nước sâu, là vùng ven biển tập trung, chúng ta khai thác kinh tế từ biển, vận tải biển, kể cả kinh tế đóng tàu biển… Tại sao không? Hơn thế, tôi muốn nói, tìm về biển và kinh tế biển, chúng ta sẽ hiểu hơn về mảnh đất Sài Gòn, với sông Bến Nghé, chợ Bến Thành, mỗi con sông đổ về biển đều mang theo trong lòng nó sức sống phù sa mấy trăm năm của cha ông; nó tiếp biến và dựng nên thành lũy của quốc phòng an ninh biển. Là 27km hay 3.200km đường biển thì cũng là vị thế địa - chính trị, là bối cảnh đại đồng văn xác lập bài học chủ quyền từ trong máu thịt của cha ông cho đến tận ngày nay, chúng ta luôn tĩnh táo, cảnh giác, ứng biến cương nhu… GS-TS - Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm |
Đó là hai trong số nhiều phát biểu của đại diện cho hơn một triệu trí thức TP.HCM trong cuộc gặp gỡ của lãnh đạo Thành phố vào sáng 20/12. Hẳn nhiên không phải “điểm danh” những công trình khoa học hay thành tựu nghiên cứu, giảng dạy của các cử tọa đầy khả kính ấy nhưng cái cách họ tự vấn, tự phản biện chính mình cho đến những ưu tư xã hội, từ nạn kẹt xe, ngập nước, cắt giảm ngân sách đến dự án xây nhà máy thép, điện hạt nhân hủy hoại môi trường, đe dọa an ninh quốc gia… đã cho thấy sự nhập cuộc theo tinh thần hào quang đồng trần; hòa mình trong ánh sáng của “bụi bặm” mà ra đi, mà dấn thân, mà trở về, mà kiến tạo…
|
Không áo mão cân đai, chẳng nghi thức rườm rà , thậm chí, đôi lần, đôi chỗ, các vị trí giả cứ bộc tuệch với nhau những trăn trở, bức xúc, đòi hỏi về cơ chế hoạt động, về chính sách tiền lương, về môi trường làm việc... kể cả cơ cấu chi đầu tư cho khoa học công nghệ hay việc nêu thẳng “nghiên cứu là một hoạt động thường ngày” chứ không phải chỉ nghiên cứu khi nào có đề án đặt hàng… Từ hội trường ra tới hành lang, từ cái chỉn chu, đạo mạo cho đến cái cởi mở, phóng khoáng, là những tâm huyết, giãi bày, cốt làm sao hiệu triệu sức nghĩ, sức làm, sức đột phá của chính giai tầng tinh hoa này cho sự phát triển của Thành phố, vì chất lượng sống tốt của mỗi người dân, trong đó có đội ngũ trí thức.
Tinh hoa Việt ở nước ngoài thì mỗi năm lại tìm về đất mẹ, lặng lẽ cống hiến ngày đêm không mệt mỏi. Giới ưu tú, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ trong nước thì vẫn đang trên hành trình chinh phục những thử thách, xuất ngoại tìm chữ, kiếm tri thức để ngày vinh quy được phục vụ Tổ quốc. Nói như ông hiệu trưởng trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM, “là việt kiều hay việt cộng thì cũng là con dân nước Việt, cũng vì sự phát triển giàu mạnh thanh bình của đất nước này” mà thôi!
Tôi chợt nghĩ đến Người Việt Nam mới đầu tiên, Nguyễn Văn Vĩnh(*), ông từ bỏ con đường tiến thân của một trí thức Việt trong giới chức salon tinh hoa nước Pháp, theo đuổi nghề viết báo, làm báo, để tiệm cận cái thực trạng xã hội bấy giờ, để từ đó, ông góp phần quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa chữ quốc ngữ, quốc văn Việt Nam - khởi đầu cho tư tưởng canh tân đất nước. Khát vọng cá thể - ở những con người tinh hoa - bao giờ cũng mang lại một sự thay đổi, sự truyền dẫn, tác động tích cực đến cái toàn thể, là thế.
Với việc hình thành trạm cấp cứu vệ tinh cũng như kết nối đường dây Báo động đỏ liên viện, việc xử trí nhanh, kịp thời cứu sống người bệnh đã cho kết quả tốt, sắp tới, Bộ Y tế sẽ xem xét, đánh giá để đưa vào ứng dụng chung cho cả nước. Sắp tới, chúng tôi cần được đầu tư để đào tạo chuyên viên cấp cứu ngoại viện, chúng tôi tha thiết muốn Thành phố đầu tư công nghệ cho Trung tâm cấp cứu TP, để từ đây, kết nối với các bệnh viện, nâng cao chất lượng điều hành và kỹ năng ứng cứu, phục vụ hiệu quả sức khỏe nhân dân. PGS-BS Tăng Chí Thượng |
Cái “cần”, cái “muốn” ấy có xa lạ gì với cái mục tiêu mà từ nghị quyết đến chương trình hành động - đột phá của Thành phố này, nếu như không muốn nói là cái đích mà những vị công bộc luôn hướng tới. Bởi rốt cùng, cuộc sống của mỗi con người, giá trị cốt lõi mà một chính quyền, một thể chế mang lại cho mỗi công dân, bảo vệ và phát huy những tiềm năng, cơ hội thụ hưởng của họ chính là mệnh lệnh tối thượng, là thước đo của mọi thang bậc giá trị.
Để đổi lại, khát vọng được đổi mới, được sáng tạo, được cống hiến một phần tri thức, suy nghĩ nhỏ bé của mình cho cộng đồng, cho quốc gia mới thật sự là ngọn nguồn cảm hứng để mỗi cá thể - tinh hoa ấy, bằng nền tảng và kho tri thức quý báu của mình, họ dự phần vào công cuộc kiến tạo chung.
Bởi kiến thức của mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi người vẫn là hữu hạn trong bốn bể tri thức vô hạn của nhân loại. Bởi ngoài mỗi vũ trụ - cá thể trí thức ấy, sự hiểu biết cho dù là tinh túy, chuyên sâu thì cũng là ngoài trời lại có trời... nơi cuộc sống vẫn đang tuôn chảy, nơi con người cần có con người...
Lê Huyền Ái Mỹ
(*) Theo cách gọi của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy