Ngoại ra đi khi chưa kịp làm xong chiếc bánh Trung thu

04/10/2017 - 10:06

PNO - Có lần, ngoại đổ bệnh đúng vào Trung thu, mọi người cản mãi nhưng ngoại vẫn gắng dậy làm bánh.

Cách đây mười năm trở về trước, cứ đều đặn, cách Tết Trung thu khoảng mấy ngày, chúng tôi lại nhận được giỏ bánh Trung thu của bà ngoại gửi lên. Dù chỉ cần bước ra đường là có thể mua đủ loại bánh Trung thu với nhiều hương vị hảo hạng nhưng chị em tôi luôn chờ đợi những chiếc bánh xinh xắn của bà mỗi mùa trung thu đến. Đến bây giờ, đối với tôi, đó là loại bánh ngon nhất mà tôi được ăn.

Ngoai ra di khi chua kip lam xong chiec banh Trung thu
 

Mẹ tôi kể, bà ngoại bắt đầu làm bánh trung thu từ hồi mẹ còn nhỏ xíu. Ngày đó, để có bột, đường, đậu và thịt làm bánh, ngoại đã phải đổi khá nhiều thứ từ mớ cá đồng ông mới câu được, dăm nải chuối trong vườn nhà hay cả mấy chú gà vừa trổ mào. Mọi người vẫn nói ngoại sao mà xa xỉ quá khi trung thu nào cũng tỉ mẩn làm bánh cho con.

Nhưng nhờ vậy, mẹ và các cậu dì mới có những mùa trăng tròn đúng nghĩa. Khi ấy ngoại thường dùng lon sữa bò làm khuôn bánh và nướng bánh bằng bếp củi khá vất vả. Dụng cụ thiết thốn đủ thứ như vậy nhưng những chiếc bánh của  ngoại vẫn thơm ngon một cách lạ thường.

 Mẹ bảo, mình chờ Trung thu đến không hẳn để xem múa lân, rước đèn ông sao mà còn để được làm bánh cùng ngoại. Mâm cỗ Trung thu của ngoại chuẩn bị cho các con bao giờ cũng rất tươm tất có cả những chú thỏ làm bằng bưởi, đèn ông sao tự làm và không thể thiếu những chiếc bánh nướng bánh dẻo xinh xinh.

Khi tôi ra đời, ngoại đã gần 70 tuổi, vẫn đều đặn làm bánh cho các cháu mỗi dịp Trung thu về. Lúc ấy, điều kiện kinh tế đã khá hơn, ngoại có hẳn một bộ đồ nghề chuyên dụng để làm bánh. Những chiếc bánh Trung thu của ngoại có hình dáng dễ thương như những chú heo con, gà con, cá chép thay vì hình vuông khiến chúng tôi rất thích thú.

Ngoai ra di khi chua kip lam xong chiec banh Trung thu
Con nít luôn mê bánh Trung thu. Ảnh minh họa

Lũ bạn tôi tỏ vẻ ngưỡng mộ vì Trung thu nào, tôi cũng có những chiếc bánh thật đặc biệt. Tôi còn nhớ, mình đã từng nhào bột, nặn bánh cùng ngoại với tất cả niềm say mê. Niềm vui lớn nhất của tôi lúc ấy là được mẹ cho về quê chơi với ngoại vào dịp Trung thu để được làm bánh.

Có lần, ngoại đổ bệnh đúng vào Trung thu, mấy người cản mãi nhưng ngoại vẫn gắng dậy làm bánh. Bởi một lý do đơn giản mà nặng trĩu yêu thương: “không có bánh, sợ tụi nhỏ buồn, lỡ sau này không có nữa...”. Dì Ba trách ngoại hay lo, thời buổi này thiếu gì bánh trái mà mò mẫm làm cho cực thân. Mọi người nghe vậy thôi chứ không dám nói lại, sợ ngoại buồn mà trong lòng cũng ít nhiều chông chênh. Và rồi, ngoại ra đi khi chưa kịp hoàn thành những chiếc bánh cuối cùng.

Đã gần mười năm, Tết Trung thu vắng ngoại đồng nghĩa với việc chúng tôi không còn nhận được giỏ bánh thơm ngọt trong niềm háo hức khi không khí Trung thu vừa dập dìu ngoài ngõ. Bởi thế Trung thu kém vui hẳn khi chưa quen với sự trống vắng này.

Ngoai ra di khi chua kip lam xong chiec banh Trung thu
Niềm vui lớn nhất là được về quê với ngoại. Ảnh minh họa

Thế rồi, mẹ đã nghĩ ra một cách để chúng tôi vui hơn, khi về quê lục tìm bộ đồ làm bánh của ngoại. Mấy mẹ con bắt đầu học làm những mẻ bánh đầu tiên khi Trung thu vừa đến, có thể những chiếc bánh không ngon bằng ngoại làm nhưng nó sẽ xoa dịu phần nào nỗi nhớ chơi vơi trong ký ức của chúng tôi về bà ngoại với những chiếc bánh Trung thu ngọt mềm.

Trang Lê 

                                                                                               

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI