Ngoại - má hay tôi?

02/10/2020 - 05:45

PNO - Tháng này, “năm thì mười họa” mới rớt một cơn mưa. Những cơn mưa hiếm hoi đủ để ngoại ngồi bên hiên nhà cũ kể từ chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ đến đọc thơ Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga.

1.

Hồi đó, tôi toàn “ăn chực” suốt trên nhà của ngoại. Gần như mùa hè nào cũng vậy, má gửi tôi lên ngoại để nhà bớt một miệng ăn. Ngoại sẽ nuôi cơm tôi và trả về cho má một con nhỏ đã được “tẩm ướp” rất nhiều hương quê ngoại.

Nhà ngoại là căn nhà mái ngói hai gian cũ kỹ, nằm phía trong hàng rào dâm bụt - được trồng để vừa làm cảnh vừa ngăn bụi. Trước nhà là con đường và dòng kênh ghe xuồng qua lại tấp nập, đúng ngữ cảnh của câu hát “đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái”.

Bến sông nhà ngoại có cây cầu xi măng làm bến nước để lên xuống tắm giặt. Bên trái là cây gừa de ra bờ nước, những cái rễ dài như râu ông già đủ để đám trẻ bện lại thành xích đu mà ngồi đong đưa trên mặt nước. Bên phải là cây vú sữa cổ thụ dang bóng che mát cả khúc sông.

Ngoại có năm người con gái, hai người con trai nên cháu nội ngoại tha hồ nhiều. Nhưng hè, chỉ có tôi mới là đứa ở “ăn chực” nhiều nhất. Với bên ngoại, má tôi nghèo mạt nhất, chồng đi biền biệt để một tay má nuôi đám con dại. Thương má tôi nên ngoại gánh bớt phần cháu. Chớ nhìn những be sườn lòi của tôi, ngoại còn thương dữ.

Ảnh: huỳnh Tâm
Ảnh: Huỳnh Tâm

Hồi đó, ngoại đâu cỡ ngoài 50 tuổi nhưng chắc sinh đẻ nhiều và ăn trầu sớm nên da dẻ đã nhăn nheo, môi đỏ mọng vệt trầu, răng đen ngời bóng nhoáng. Hồi đó, đặc sản các bà ngoại bà nội ở thôn quê đều như vậy hết. Phải ăn trầu, xỉa thuốc và còn đánh tứ sắc nữa. Nhưng tôi ghiền cái mùi thơm gắt tỏa ra từ áo túi nâu của bà ngoại; ở đó là hỗn hợp trộn lẫn mùi vôi, mùi cau, mùi thuốc xỉa, mùi dầu gió…

Ở với ngoại, tôi được ngoại dạy từ chuyện quét nhà không đứng sõng cái lưng. Tức là khi cầm cây chổi, phải hơi khom một xíu, dù chổi có chiều cao bằng người. Đám giỗ quải, khách tới nhà đem theo những quả bánh: bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh bò, bánh bột đậu… thì khi lấy ra phải chừa lại, rồi xếp thêm những bánh tét bánh ít của mình vào cho đầy. Đó gọi là lại quả. Rồi để biết bà con xóm giềng, biết cái tình chia sẻ, ngoại sai bưng đồ ăn thức uống đến nhà này nhà kia, nhớ nói câu: “Ngoại con mời ăn lấy thảo”. Tôi cũng thường theo ngoại đi cúng lễ. 

Ngoại tôi theo đạo Cao Đài, tháng Bảy ngoại hay dẫn tôi về thánh thất đánh đại hồng chung và đi đọc kinh cúng kiếng nhà này nhà kia trong bổn đạo. Ngoại làm như thể dẫn tôi theo hoài như vậy, cho tôi nghe kinh kệ rồi nhìn ngó chuyện cúng kiếng, bà sẽ đào tạo được tôi trở thành một đạo hữu tí hon của Cao Đài hay ít ra, cũng biết ăn chay tháng mười ngày để giữ gìn phước đức. Lúc đi đường, ngoại kể chuyện Mục Kiền Liên, chắc cũng để hy vọng rọi vào tâm can đứa cháu nhỏ chút ánh sáng của lòng hiếu đạo. 

Nhưng hóa ra, tôi chỉ là đứa bé ham ăn. Theo ngoại quỳ cúng lễ, tôi ráng lạy Phật nhanh nhanh, ước bài kinh ngoại đọc phải chi ngắn lại, để còn “xực” món chè trôi nước ngọt lừng lẫy chan nước cốt dừa béo ngậy. Ăn hết mấy viên chè, còn lại nước ngọt thì thả một miếng xôi lá cẩm vào cho ngấm, cắn miếng xôi rồi húp hết nước chè, sao nó ngon quá chừng.

Tháng Bảy, bổn đạo của ngoại đi cúng nhiều nơi, tới nhiều nhà, nên tôi cũng ăn phình bụng xôi chè, bánh trái. Đã ham ăn thì chớ, quỳ trước bàn thờ Đức Chí Tôn, nhìn lên tấm liễn vẽ hình con mắt, tôi buột miệng nói nhỏ vào tai ngoại, rằng đạo bà ngoại thờ “Độc Nhãn Long”, khiến ngoại giận hết biết.

Hết hè, má tôi lên rước về, ngoại đem chuyện đó “méc” lại và kết luận rằng rồi tôi cũng “vô đạo” giống “ba của nó”. Nói đến ba thì tôi buồn lắm, nhưng ngoại cũng không có ý gieo vào lòng tôi nỗi hờn oán gì. Chỉ là cách của ngoại là cách của phụ nữ thôn quê lúc đó như vậy.

2.
Những buổi chiều, tôi ngồi trên bến nước để ngoại múc nước xối lên lưng tắm gội. Vừa tắm, ngoại vừa kể chuyện ngày xưa của má tôi. Hình ảnh má qua giọng kể của bà là một cô gái trẻ trung, tóc rất dài và đen nhánh; cô hay thắt tóc thành bím quấn vòng quanh đầu. Cô gái ấy biết may đồ rất khéo, lại nổi tiếng hiền lành xinh đẹp nhất xóm nên nhiều người đến dạm ngõ.

Nhà ngoại lúc đó có hai cô con gái đến tuổi cặp kê là cô Hai và cô Ba. Ngoại định gả cô Ba trước, vì má tôi hiền quá. Nhưng hôm nọ, có chàng trai từ xa đến coi mắt, đứng ngoài hàng rào dâm bụt ngó vô. Lúc ấy cô Hai và cô Ba đang ngồi dệt chiếu trong sân. Ai ngờ chàng trai “chấm” cô gái có bím tóc thắt quanh đầu. Chàng trai đó là ba tôi.

Má tôi về làm dâu được ít lâu thì ba tôi theo cách mạng. Rồi chuyện này chuyện kia xảy đến liên miên và cái kết là má tôi với một đám con dại lúc nào cũng trong tình cảnh thiếu ăn thiếu mặc. 

Lâu lâu, má tôi về khóc dưới chân ngoại, bà ngoại khuyên dỗ đã lấy chồng rồi, cứ “thẳng một đàng mà đi”, má lại nuốt nước mắt, đội cái thúng gạo đầy ngoại xúc cho, thẫn thờ đi bộ bốn năm cây số về nhà để kịp nấu cơm cho đàn con háu đói.

Ngoại kể chuyện ba má tôi, hẳn là trong lòng giận ba tôi lắm. Nhưng để trái tim bé nhỏ vẫn giữ lòng hiếu thuận, bà dặn ráng “niệm trời niệm Phật” để được phù hộ độ trì và cũng để một ngày, biết đâu cảnh tình của má tôi thay đổi mà hạnh phúc hơn.

Lần nọ, có người đàn ông trên chiếc ghe bầu ghé mũi vào bến sông nhà ngoại lúc ngoại và tôi đang ngồi trên cầu. Ngoại tôi nói chuyện với người nọ rất vui vẻ như thể thân thuộc lắm. Cho đến khi người đàn ông chỉ vào tôi mà hỏi ngoại: “Con ai đây”, ngoại trả lời bằng giọng xa xót: “Gái út của Hai Q”.

Nghe vậy, người nọ nhìn sững vào tôi, rồi chợt lặng lẽ chống cây dầm đẩy mũi ghe ra khỏi bến. Tôi hỏi ngoại đó là ai, ngoại chép miệng, nói: “Cậu hồi đó thương má mày”.

Trở thành bà ngoại, hẳn là chính ngoại cũng không lường mình sẽ tiếp nối những hy sinh này đến hy sinh khác, của bao dung này đến bao dung kia, của rứt ruột và xót xa. Như cái cách ngoại khom lưng xúc gạo cho má tôi mang về, thắt thẻo nhìn theo dáng liêu xiêu của má, cắn răng đứt ruột chờ mà đi khuất là kéo vạt áo lên chấm nước mắt.

Những kiểu khóc âm thầm này phải chăng là kiểu khóc truyền thừa, khiến đứa con gái nhỏ sớm buồn thương cho thân phận đàn bà con gái “biết bến nào trong, biết sông nào đục”.

3.
Thỉnh thoảng trí óc chiêm bao về ngôi nhà cũ bến nước xưa, tôi nhớ ngoại như nhớ những cơn gió thấm hồn đến tận bây giờ từ chiếc quạt mo cau ngoại cầm, quạt cho đứa cháu đang ngủ ngon bên thềm trưa nắng.

Hồi nhỏ, tôi nghĩ khi một người đã lớn lên thì những mối liên hệ cũ, nhưng câu chuyện xa xôi sẽ không bao giờ còn giữ lại được. Nhưng điều đó phi lý biết chừng nào. Để lớn lên được, một người cần có rất nhiều tình thương, nhiều kỷ niệm và cả những nỗi u hoài. 

Như tiếng thở dài rớt trên mặt sông buổi chiều hôm ấy của người đàn ông được cho là từng thương má tôi năm xưa, hẳn đã nuối tiếc khôn nguôi bóng dáng cô gái năm nào. Trong dòng nhớ của mình, ông có còn thấy lại cô gái ngồi nghiêng vai gội mái tóc dài, rồi thắt bím quấn quanh đầu.

Cái dáng thương khó đó có hiện diện trong vóc hình nhỏ thó của đứa con cô gái năm xưa? 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI