Ngoại hình nổi bật của cụ ông 79 tuổi đi xem diễu binh ở trung tâm TPHCM

29/04/2025 - 23:36

PNO - Xuất hiện ở quận 1, TPHCM trong những ngày tháng Tư lịch sử, ông Lê Tất Thắng – 79 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – đã thu hút sự chú ý của nhiều người với bộ râu dài, bạc phơ. Ông hào hứng ghi lại những bức ảnh kỷ niệm cùng người dân ở khắp mọi miền đến TPHCM trong dịp đại lễ.

Với ông Lê Tất Thắng, đoạn đường từ TP Thủ Đức đến quận 1, TPHCM như gần thêm với những chuyến đi bằng xe máy, metro tận hưởng không khí rợp cờ hoa những ngày tháng Tư lịch sử. Ngoại hình đặc biệt với chòm râu dài bạc phơ, bộ kaki trắng cùng thần thái đĩnh đạc khiến ông nổi bật trong dòng người tham dự đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/42025).

Ông Tất Thắng giao lưu với gia đình từ Phú Yên vào tham quan đại lễ - Ảnh: Tô Diệu Hiền
Ông Tất Thắng giao lưu với gia đình từ Phú Yên vào tham quan TPHCM dịp đại lễ - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Hiện diện trên những cung đường TPHCM rực đỏ cờ hoa và dòng người như thác đổ về nguồn, ông Tất Thắng không ngăn được cảm xúc lâng lâng, vui sướng. Ông thoăn thoắt chạy tới chạy lui tìm những góc chụp đẹp ở những địa điểm lịch sử để ghi nhận lại khoảnh khắc đặc biệt này. Ông chụp hình chỉ để đăng trên trang cá nhân nhưng cũng để khắc sâu thêm niềm tự hào về dân tộc mình, về thành phố mang tên Bác mà ông đã gắn bó từ thập niên 90.

Buông máy ảnh để thõng trên ngực áo, ông đỏ mắt nói: “Dòng người từ khắp cả nước lũ lượt đổ về, thức trắng đêm trên đường phố TPHCM thể hiện tình cảm thiêng liêng, vô bờ bến của người dân đối với đất nước. Có ai bắt, có ai lệnh mà họ lại tiến về đây, đi cả nhà, cả họ như thế, hăm hở, háo hức như thế. Sự tự nguyện, sẵn sàng ấy chỉ có thể xuất phát từ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc”.

Ông Tất Thắng hài hước giao lưu và chụp hình lưu niệm với đoàn người cùng chào mừng đại lễ 30/4 trước Hội trường Thống Nhất - Ảnh: Tô Diệu Hiền
Ông Tất Thắng hài hước giao lưu và chụp hình lưu niệm với đoàn người cùng chào mừng đại lễ 30/4 trước Hội trường Thống Nhất - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Ông xúc động và bất ngờ trước chương trình đại lễ với những tiết mục văn hóa văn nghệ hào hùng, đặc sắc cùng màn diễu binh, diễu hành đầy khí thế trang trọng, ấn tượng. Giọng ông trầm xuống khi nhắc đến người vợ qua đời chưa đầy năm. Nhớ những chuyến ông bà cùng cả nhà viếng thăm các di tích lịch sử ở trung tâm TPHCM, trong đó có Hội trường Thống Nhất, nơi đang diễn ra sự kiện chào mừng. Ông như thấy nụ cười của bà thấp thoáng trong màu cờ hoa rực rỡ hôm nay. Lặng người vài giây, ông cảm nhận rõ rằng có một phần công sức của bà trong thành quả ngày hôm nay bởi sinh thời, bà là một nữ chiến sĩ cách mạng, làm ở bộ phận thông tin trong thời kỳ chống Mỹ.

Ông Tất Thắng say sưa chụp hình Sài Gòn rợp cờ hoa và trân quý từng bức ảnh - Ảnh: Tô Diệu Hiền
Ông Tất Thắng say sưa chụp hình TPHCM rợp cờ hoa và trân quý từng bức ảnh - Ảnh: Tô Diệu Hiền

Ngược về 50 năm trước, tin thắng trận trưa 30/4/1975 vỡ òa lồng ngực khi ông đang là một giáo viên trẻ dạy thể dục thể thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Chỉ vài ngày sau, đầu tháng 5/1975, ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp cùng diễu hành tại lăng Bác, ở quảng trường Ba Đình chào mừng sự kiện miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Nỗi hồi hộp, tự hào, xúc động dâng trào trong những bước chân rầm rập tuổi đôi mươi ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên trong dáng dấp cụ già U80 râu tóc bạc phơ ngày nay.

Dòng hồi ức của ông bị cắt ngang thay bằng cảm giác bất ngờ, hạnh phúc ngập tràn khi tiếng máy bay tiêm kích rền vang bầu trời, mang theo bao ước vọng bước vào kỷ nguyên mới...

Tô Diệu Hiền

 
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI