Ngoại gồng gánh chúng tôi, kể từ khi cha mẹ trốn nợ

18/08/2018 - 18:00

PNO - Mùa Vu lan, người ta kể nhiều chuyện về mẹ, tôi lại da diết nhớ ngoại. Ngày đám người dữ tợn ấy tới xiết nợ, ba chị em tôi ôm chặt lấy nhau, co rúm. Từ hôm ấy, cuộc đời tôi gần như chỉ còn ngoại.

Đầu tiên là cái tủ thờ bằng gỗ quý của nhà tôi bị người ta khiêng. Trong nhà, cái tủ thờ là vật dụng giá trị nhất, không chỉ là loại gỗ đắt tiền, khó mua, còn là nơi thờ phụng ông bà mà ba tôi luôn nâng niu, giữ gìn. Rồi cái tivi, tủ lạnh, đến cái kệ úp chén bằng inox cũng lần lượt ra đi.

Thấy ba mẹ bất lực nhìn người ta phá nhà, lòng tôi đau nhói. Xế trưa, đám người rút đi trước khi dọa quay quạy. Chúng tôi gạt nước mắt theo cha mẹ vào “thu dọn chiến trường”.

Ba bảo tôi gom sách vở, quần áo cả ba chị em vào chiếc bao tời. Ba chở mẹ ôm “tài sản” quý giá nhất trong chiếc bao tời ấy về nhà ngoại.

Chúng tôi từ biệt nhau, ba mẹ ra xe cho kịp chuyến cuối vào Nam. Họ chạy trốn vội vã, mặt mũi còn hằn in nỗi khiếp sợ.

Ngoai gong ganh chung toi, ke tu khi cha me tron no
Ba chị em tôi băng đồng về ngoại. Hình minh họa

Ba chị em tôi băng đồng về ngoại. Vừa ra khỏi làng một quãng, đã thấy dáng ngoại xiêu vẹo giữa nắng trưa. Ngoại đón chị em tôi bằng hai hàng nước mắt ngắn dài, thương xót và lo lắng.

Chúng tôi về sống với ngoại từ đó. Ngoại sắp xếp chỗ ngủ, cậu Út tuân lệnh ngoại “thiết kế” chiếc kệ gỗ để sách vở, được tận dụng từ cái bàn đã cũ.

Từ ngày vào Nam, ba mẹ tôi cật lực làm ăn để trang trải nợ nần. Thỉnh thoảng, ba mẹ gửi thư thăm hỏi, gửi gắm chúng tôi cho ngoại. Có lần giữa đêm khuya, còn thấy ngoại đọc thư mẹ mà nước mắt chảy dài.

Thằng Út nhỏ nhất, được ba mẹ thương yêu nên cứ hay khóc nhè nhớ mẹ. Vì thế, tối nào ngoại tôi cũng ru em bằng những câu chuyện cổ tích thần tiên, bằng những điệu hát ru dạt dào cảm xúc. Từ đó, thằng Út bám riết lấy ngoại.

Có chị em tôi về, nhà cửa thêm rộn ràng, nhưng ngoại lại vất vả. Ở quê, chỉ hạt gạo là có phần thoải mái, đồng tiền làm ra rất khó nhọc, vì thế ngoại phải bôn ba để lo cho chị em chúng tôi bằng cách đi bán “don”.

Ngoai gong ganh chung toi, ke tu khi cha me tron no
Chúng tôi nhớ cha mẹ, ngoại nhớ con gái... Hình minh họa.

Don có nhiều ở sông Trà Khúc, chiều nào ngoại cũng ra bến sông bắt don. Vì chị em tôi mà ngoại theo nghề bán don đến năm, sáu năm trời. Khi lưng đã còng, cũng là lúc chúng tôi lớn khôn, ba mẹ tôi cũng có phần thư thả, ngoại mới được nghỉ ngơi.

Nhớ chiều nào ngoại cũng quẩy gánh don từ đầu trên xóm dưới, người ta ăn don của ngoại không chỉ vì ngoại nấu ngon mà vì họ thương bà cháu tôi nên ủng hộ.

Ngoại luôn có mặt ở những cuộc họp phụ huynh, ngoài việc nghe tình hình học tập của các cháu, ngoại còn chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm rằng chúng tôi là những đứa trẻ “hoàn cảnh”, luôn cần sự động viên về mặt tinh thần.

Mỗi tuần, ngoại đưa chúng tôi về nhà quét dọn sân vườn, nhang khói cho ông bà nội. Đôi tay ngoại lúc nào cũng bận bịu vì chị em tôi, đầu óc ngoại luôn suy nghĩ vì chúng tôi, chẳng khi nào thấy ngoại được thảnh thơi dù ngoại đã vào tuổi “cổ lai hy”.

Ngoai gong ganh chung toi, ke tu khi cha me tron no
Ngoại nói không có chúng tôi ngoại buồn sinh bệnh. Hình minh họa

Các cậu, dì xót ngoại nên thường trách mẹ tôi làm ngoại khổ. Những lúc như thế, ngoại “xù lông nhím” bảo vệ đàn cháu, rằng "có tụi nhỏ mẹ thấy vui lắm, mẹ hay lam hay làm cho khỏi cúm núm tay chân. Già ngồi một chỗ vừa buồn, lại dễ sinh bệnh!".

Tôi biết ngoại lo lắng cho chúng tôi nên nói “đỡ” như thế. Thầm cảm ơn ngoại, tôi luôn nhắc nhở hai em cố gắng học hành, ngoan ngoãn.

Ngoại tôi bây giờ đã già, ngoại “đi” nhờ chiếc gậy, nhưng vẫn còn tinh tường lắm. Tôi đã vào Nam làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, chỉ có thằng Út còn ở với ngoại. Nó bảo, sẽ sống với ngoại, chăm sóc ngoại cho đến khi bà lìa đất xa trời.

  Vĩnh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI