Nâng tầm vị thế Việt Nam
Tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị - Phó trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) - đánh giá - ngoại giao Việt Nam đã có một năm 2023 hết sức thành công. Việc Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin cùng đoàn đại biểu cấp cao Liên bang Nga; Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Hà Nội tạo dấu ấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong tam giác quan hệ với 3 cường quốc lớn nhất thế giới Nga - Trung Quốc - Mỹ.
Trên thế giới hiện nay, chỉ có Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - cấp độ cao nhất trong quan hệ ngoại giao - với đồng thời cả 3 siêu cường này. Năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, như vậy chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Đồng thời, Việt Nam đã nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Đặc biệt, việc đích thân tổng thống Mỹ sang Việt Nam nâng cấp quan hệ cho thấy Washington coi trọng Việt Nam như thế nào.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào chiều 10/9/2023 - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Theo ông Nguyễn Tăng Nghị, quan hệ Việt Nam - Mỹ được xem là một mẫu mực của cố gắng “vượt lên quá khứ để nhìn về tương lai”. Quan hệ 2 nước từng có một quá khứ đau thương, nhưng trong chưa đầy 50 năm, chúng ta đã hàn gắn, nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao.
Một tín hiệu đáng mừng nữa là phía Mỹ, qua nhiều nhiệm kỳ - từ thời Tổng thống Bill Clinton trở về sau và đặc biệt dưới thời Tổng thống Joe Biden hiện nay, đã không còn quá nặng nề về sự khác biệt trong thể chế chính trị giữa 2 nước. Điều này thể hiện ở chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Đặc biệt, vào tháng 9/2023, điều rất mới là, Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, người hội đàm và người ký tuyên bố chung giữa 2 nước cũng là Tổng bí thư.
“Điều này cho thấy, cả 2 nước không chỉ vượt qua rào cản lịch sử mà còn bỏ qua nhiều sự khác biệt trong thể chế chính trị, trong ý thức hệ, để cùng hướng đến mục tiêu phát triển và thịnh vượng. Để thực sự trở thành những đối tác tin cậy là cả một quá trình hòa giải cho những nỗi đau, mâu thuẫn, những hoài nghi và những nỗi lo. Nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân 2 nước đã chấp nhận khép lại quá khứ và thông qua hòa giải để có được mối quan hệ như hiện nay” - tiến sĩ Nguyễn Tăng Nghị nêu quan điểm.
Theo ông, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp cao nhất với Mỹ, vị thế của Việt Nam được nâng tầm và trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Các nước lớn đều lựa chọn Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong việc thăm hỏi, trao đổi, ký kết. Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ mở ra cho quốc gia này thêm sự lựa chọn và thêm đối tác tin cậy tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực vốn khá nhộn nhịp về kinh tế và căng thẳng về địa - chính trị, trong đó có vai trò của Trung Quốc.
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà chiều 12/12/2023 - Nguồn ảnh: chinhphu.vn |
Thời điểm cuối năm 2023, chuyến thăm của Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam đặc biệt có ý nghĩa trong việc củng cố nền tảng quan hệ 2 nước sau 15 năm trở thành đối tác chiến lược toàn diện (2008-2023), hướng tới xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. Chuyến thăm này còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác thực chất giữa 2 nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước khác. Theo ông Nguyễn Tăng Nghị, mối quan hệ Việt - Trung thực sự đặc biệt từ trong lịch sử, giữa 2 nước có sự tương đồng về ý thức hệ, văn hóa, tư tưởng. Những năm qua, mối quan hệ này không ngừng được nhiều thế hệ ươm mầm, phát triển, củng cố và chắc chắn sẽ được làm sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Thái Văn Long - Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - đánh giá, cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung Quốc - Nga đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam sẽ phải chịu tác động của lực “kéo - đẩy” từ sự cạnh tranh này. Do đó, chính sách đối ngoại khôn ngoan của chúng ta là củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả Trung Quốc, Nga và Mỹ; thực hiện cân bằng trong quan hệ với 3 nước trên nguyên tắc lợi ích dân tộc là tối cao. Chính sách ngoại giao của Việt Nam cho thấy sự mềm dẻo, linh hoạt, không để “bị kẹt” giữa Mỹ - Trung Quốc - Nga; kiên trì hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cả 3 nước lớn này để hóa giải thách thức mới, tạo sự chuyển biến, đưa dân tộc bước sang những trang sử mới.
Nhiều cơ hội, lắm thách thức
Ông Nguyễn Tăng Nghị đánh giá việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên một tầm cao mới chắc chắn sẽ mang đến những cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa 2 nước trong mọi lĩnh vực. Về an ninh - chính trị - ngoại giao, 2 bên sẽ cởi mở, sẵn lòng và tích cực tăng cường các chuyến viếng thăm chính thức. Bên cạnh đó là những cuộc gặp gỡ, hội đàm bên lề các hội nghị đa phương mà Việt Nam và Mỹ là thành viên. Việc nâng cấp này cũng làm tăng sự đồng thuận trong nội bộ của Mỹ, từ đó cụ thể hóa và đẩy mạnh hơn các hợp tác thỏa thuận. Chúng ta thấy Mỹ đã mở Trường đại học Fulbright ở Việt Nam và đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm đào tạo chính sách công của cả khu vực; đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, kinh tế - thương mại sẽ là điểm rất sáng trong thời gian tới. Sau gần 30 năm kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, kim ngạch song phương đã tăng gần 300 lần, đạt 124 tỉ USD/năm. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện 2 nước đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại đạt 200 tỉ USD/năm, tăng 1,6 lần so với hiện tại. Mỹ cũng cam kết khẩn trương xem xét yêu cầu chính thức của Việt Nam - đề nghị Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường.
Trong lần này, Mỹ cũng thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn - lĩnh vực mà Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh. Thứ nhất là Việt Nam có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới (22 triệu tấn), chỉ sau Trung Quốc. Thứ hai là chi phí nhân công hợp lý hơn so với các nước, trong đó có Trung Quốc. Ông Nguyễn Tăng Nghị phân tích: “Chúng ta biết thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một phần trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong bối cảnh Mỹ đang muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, việc nâng cấp mối quan hệ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ Mỹ trong thời gian tới, có thể ngay trong năm 2024”.
Đối với mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ông Nguyễn Tăng Nghị kỳ vọng thời gian tới cả 2 nước sẽ triển khai mạnh mẽ sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai” đã được ký kết từ năm 2004 nhưng chưa thực hiện. Trong đó, Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tuyến đường sắt, đường cao tốc dọc “hai hành lang, một vành đai” này, để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của nước ta. Hiện nay, Việt Nam đang mong muốn hướng đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trung Quốc là quốc gia đã vấp phải hậu quả ô nhiễm do phát triển nóng và có kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh. Do đó, đây cũng là lĩnh vực mà 2 nước sẽ hợp tác mạnh mẽ trong thời gian tới.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin vào chiều 16/10/2023, tại Trụ sở Chính phủ - Ảnh: Dương Giang (Thông tấn xã Việt Nam) |
Tiến sĩ Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Kinh tế Tài chính TPHCM - cho hay, năm 2023 là năm Việt Nam kỷ niệm quan hệ 50 năm ngoại giao với hàng loạt quốc gia (Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Singapore, Argentina, Canada, Ý, Malaysia, Bỉ…). Đây cũng là năm mà ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến và đi; hàng loạt ký kết song phương, đa phương; các nước ủng hộ Việt Nam tham gia các cơ quan của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực với số phiếu cao… Tất cả minh chứng cho sự chuyển hóa từ lượng thành chất của hoạt động ngoại giao Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường hiện nay.
Những thành tựu đó thể hiện sự chuyển biến tích cực sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Tuy vậy, theo bà Trần Thanh Huyền, dù sức mạnh tổng hợp quốc gia Việt Nam có tăng lên, nhưng nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không thay đổi nhiều sau 10 năm. Mức độ vươn ra thế giới, tỉ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt còn khiêm tốn. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt như kỳ vọng.
Để thực sự vượt qua các thách thức này, cần nâng cao hơn nữa nội lực để thu hẹp “độ vênh” giữa các bước đi hội nhập ra bên ngoài và việc củng cố nội lực, đặc biệt là về thể chế, chính sách, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các địa phương và toàn nền kinh tế. Bà góp ý: “Việc quan trọng đầu tiên là nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục, đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực có vai trò rất quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao mức sống, về cơ bản được tiến hành thông qua giáo dục, đào tạo. Muốn phát triển nền kinh tế tri thức, cần đầu tư cho phát triển con người, đặc biệt là đầu tư phát triển nhân tài, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
Quan hệ ngoại giao với 193 nước Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước trong tổng số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện với hơn 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỉ USD. Trong năm 2023, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều hoạt động phát huy “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, với hàng loạt hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa Quốc hội Việt Nam và các nước. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ chín với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thu hút gần 500 đại biểu, trong đó có hơn 300 đại biểu quốc tế; thể hiện vai trò, thế mạnh của phong trào thanh niên ở Việt Nam so với nhiều quốc gia khác. |
Bản sắc ngoại giao cây tre Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của Việt Nam. Tổng bí thư khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam - “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”. Nội hàm của trường phái “ngoại giao cây tre” Việt Nam mà Tổng bí thư nói đến là: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định; đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”. “Ngoại giao cây tre” bén rễ từ nền văn hóa Việt Nam với truyền thống hòa hiếu nhưng cũng rất quật cường. “Thân tre gầy guộc” hàm ý chỉ các nhà ngoại giao khiêm tốn, không khoa trương hình thức mà đi vào thực chất. Đồng thời, người làm ngoại giao cần uyển chuyển, linh hoạt, trong mỗi thời kỳ, hoàn cảnh lại có những nhiệm vụ riêng và phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Gốc tre, thân tre phải đi liền với nhau, hàm ý, ngoại giao không chỉ ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, mà còn góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa, từ sớm, phát hiện sớm vấn đề để dự báo sớm, cảnh báo sớm những nguy cơ, thách thức và cả cơ hội. Như vậy, trong gần 40 năm đổi mới, ngoại giao Việt Nam đã đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - như nhận định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phó giáo sư, tiến sĩ Thái Văn Long - Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
Minh Linh