Ngoài COVID-19, nước Mỹ phải đối phó với “dịch thù ghét” người châu Á

06/07/2020 - 14:50

PNO - Khi các sự cố bạo lực hay phân biệt đối xử đối với người gốc Á ở tiểu bang California vượt quá con số 800, các nhà hoạt động bắt đầu kêu gọi chính quyền địa phương và các cộng đồng can thiệp, giúp đỡ.

Khi Donalene Ferrer và hai thế hệ thành viên khác trong gia đình người Philippines - đeo khẩu trang hoa văn dân tộc - đi bộ dọc theo một khu phố ở Oceanside hồi tháng Tư, một chiếc xe hơi lao đến và một phụ nữ thét lớn: “Chúng mày đã gây bệnh Corona!”.

Giữa cao điểm COVID-19, người Mỹ còn phải đối phó với “dịch thù ghét” người châu Á vì cho rằng họ là nguyên nhân gây ra đại dịch - Ảnh: NBC News
Giữa cao điểm COVID-19, người Mỹ còn phải đối phó với “dịch thù ghét” người châu Á vì cho rằng họ là nguyên nhân gây ra đại dịch - Ảnh: NBC News

“Người gây sự”, đi cùng một em bé và một đứa trẻ mới biết đi, hóa ra là hàng xóm của mẹ Ferrer. Sốc vì bị đối xử như vậy, nạn nhân tiến đến gần người phụ nữ để hỏi “Tại sao lại nhắm vào chúng tôi? Tôi là một y tá và cha tôi đã chiến đấu cho đất nước này. Bạn không nên dạy con cái phân biệt chủng tộc”.

Ferrer, một phụ nữ Philippines 41 tuổi, nhớ lại người phụ nữ không mang khẩu trang thách thức họ đến gần: “Hãy đến đây, nhắc lại xem cô đã nói gì”. Lo rằng người phụ nữ đó có giấu vũ khí trong xe, Ferrer và mấy người Philippines bỏ đi.

Nhật báo Los Angeles Times cho biết các sự cố thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á và những người dân đảo Thái Bình Dương bùng nổ mạnh trong năm nay, thúc đẩy Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom tăng cường tài trợ cho các chương trình chống kỳ thị và bổ sung thêm một đại diện văn hóa vào lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 mới do ông thành lập.

Những người ủng hộ và tổ chức chiến dịch “Stop AAPI Hate” (Báo cáo sự cố kỳ thị chủng tộc liên quan đến COVID-19) đã ghi nhận 832 sự cố ở tiểu bang California trong ba tháng qua, với các cuộc tấn công và ngôn từ kỳ thị nhắm vào người châu Á - Thái Bình Dương.

Số lượng các lần kỳ thị tiếp tục leo thang gây phẫn nộ trong công chúng cũng như các quan chức dân cử. Ông Al Muratsuchi, ủy viên hội đồng Rolling Hills Estates, đại diện cho Thành phố Torrance - nơi ghi nhận những sự cố thù ghét được xem nhiều nhất thông qua các clip được đăng tải trên mạng - nói rằng: “Dường như có một vị tổng thống nào đó bật đèn xanh cho những kẻ phân biệt chủng tộc xuất đầu lộ diện và tấn công người gốc Á”.

Donalene Ferrer (trái), một phụ nữ gốc Philippines, và con gái của cô, Charlie, 17 tuổi - Los Angeles Times
Donalene Ferrer (trái), một phụ nữ gốc Philippines, và con gái của cô, Charlie, 17 tuổi - Ảnh: Los Angeles Times

Một phụ nữ Mỹ được cảnh sát xác định là Lena Hernandez ở Long Beach đã miệt thị một phụ nữ châu Á đang tập thể dục trong Công viên Wilson, Hernandez rằng hãy “cuốn xéo về đất nước của mình”. Ngày 10/6, Hernandez lại tấn công một người đàn ông gốc Á đậu xe gần xe hơi của bà ta. Bà gọi người đàn ông là “người Trung Quốc” và nói thêm: “Ông nên về nước mình đi!”.

Các quan chức Torrance - một thành phố có dân số hơn 145.000 người, trong đó hơn một phần ba là người gốc Á - hôm 3/7 đã bắt giữ Hernandez vì xô xát với một phụ nữ lạ tại Trung tâm Thời trang Del Amo tháng 10 năm ngoái. Trong tháng Sáu, nhà chức trách nhận được hàng trăm cuộc gọi báo bị quấy rối vì vấn đề chủng tộc, đặc biệt, chủ nhân một cửa hàng dụng cụ nấu ăn nhận được một lá thư phân biệt chủng tộc có dòng chữ “Hãy cuốn xéo về Nhật Bản, chúng tao sẽ đánh bom cửa hàng nếu mày không vâng lời và chúng tao biết mày sống ở đâu”.

Những người ủng hộ phong trào đã yêu cầu Thống đốc Newsom tài trợ 1,4 triệu USD, cho nghiên cứu về việc COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của những người gốc Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh phân biệt chủng tộc và thành lập một nhóm tấn công kỳ thị chủng tộc để điều tra các sự cố thù ghét liên quan đến COVID-19 đối với người Mỹ gốc Á. Đáng buồn là ngân sách tiểu bang bỏ phiếu vào tuần trước đã loại trừ khoản tiền dành cho các sáng kiến của cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Những người tham gia một cuộc họp báo mới đây đã được nghe báo cáo mới về các sự cố kỳ thị người gốc Á tại 34 hạt ở California, bao gồm cả việc một doanh nhân người Hoa nói rằng chính Tổng thống Trump đôi khi cũng sử dụng lối nói “kỳ thị” như “kung flu”, “China virus” để chỉ về Trung Quốc khi nhắc đến virus SARS-CoV-2. Một gia đình người Mỹ gốc Á ở Los Angeles nói rằng họ bị quấy rối trong thang máy tòa nhà chung cư, khi một cặp vợ chồng Mỹ không đeo khẩu trang nói thẳng vào mặt họ rằng “virus chết tiệt này đến từ nước mẹ các vị”, “các vị đáng ghét như lũ gián”.

Theo phong trào "STOP AAPI Hate", trong hơn 800 vụ việc xảy ra tại các cửa hàng bán lẻ, công sở, trường học và trực tuyến có 81 vụ tấn công và 64 vụ vi phạm quyền dân sự.

Hoàng Diệu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI