Ngô Thị Hạnh với Vũ khúc Đông Dương

07/10/2013 - 16:00

PNO - PN - Nhà văn, nhà biên kịch Ngô Thị Hạnh (ảnh) vừa hoàn tất kịch bản bộ phim truyện đầu tiên về đờn ca tài tử có tên tạm gọi Vũ khúc Đông Dương.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây là một hạng mục quan trọng của dự án phục dựng đờn ca tài tử Nhà hát Đông Dương do một nhóm gồm nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, GS Yves Defrance, đạo diễn Huy Moeller và nhà văn Ngô Thị Hạnh thực hiện. Chị là thành viên nữ duy nhất của nhóm trong hành trình tìm về không gian nghệ thuật tài tử Nam bộ xưa.

Ngo Thi Hanh voi Vu khuc Dong Duong

* Tuy có nhiều kinh nghiệm viết kịch bản phim truyền hình, với bộ phim có không gian lùi về trăm năm trước, chị đã làm gì để thể hiện sắc thái Nam bộ, lời ăn tiếng nói, cung cách sinh hoạt, chơi đờn ca tài tử của người xưa?

- Tôi đã chuẩn bị cho việc viết kịch bản phim truyện điện ảnh từ 5 năm nay. Tôi học nhiều khóa biên kịch phim truyện và cũng vừa tốt nghiệp khóa sản xuất phim ở Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn (SIFS). Tôi nghĩ, làm gì cũng cần nhiệt tâm và cần mẫn, nay lại có thêm sự hỗ trợ của nhiều anh chị em đồng nghiệp thì việc sẽ thành. Việc này có thể quá sức đối với tôi, nhưng tôi tin “có gõ cửa mới mở”. Không gian và thời gian xưa của phim, thì ai viết kịch bản cũng cần phải nghiên cứu, tham vấn các nhà dân tộc học và sử học. Tôi yêu văn hóa Nam bộ từ thời khẩn hoang cho đến nay, có tình yêu thì không sợ bị cô đơn, tôi sẽ đi đến cùng và chinh phục được ngọn núi này.

* Nội dung phim dựa trên câu chuyện cô cháu cố của tài tử Nguyễn Tống Triều khi tìm kiếm trong gia phả dòng họ đã tình cờ khám phá ra thế giới âm nhạc cổ xưa. Những tình huống, xung đột, bối cảnh đúng nghĩa của một phim truyện điện ảnh?

- Nhà hát Đông Dương được dựng lên gần sáu tháng ở Pháp, đoàn biểu diễn của Việt Nam do ông Nguyễn Tống Triều dẫn đầu ở lại Paris lâu nhất, chuyện gì xảy ra trong gần nửa năm đó giữa các nghệ sĩ rất khác biệt này? Sự kiện cô Cléo de Merode múa trên nền nhạc đờn ca tài tử có nhiều điều mâu thuẫn và thú vị. Xung đột chính của bộ phim là những va đập về văn hóa trong tình yêu và nghệ thuật. Làm sao để hai con người ở hai xứ sở khác nhau xích lại gần nhau. Âm nhạc và ngôn ngữ hình thể là không giới hạn. Một thầy Nguyễn Tống Triều nhà nho và “gia trưởng” có thể chấp nhận một nữ minh tinh - “trung tâm của những scandal” múa trên nền nhạc dân tộc mình? Một Mỹ Tho của đầu thế kỷ XX - trung tâm giao thương và văn hóa của các tỉnh miền Tây với Sài Gòn và thế giới. Rồi còn là tuyến xe lửa duy nhất giữa Sài Gòn - Mỹ Tho xưa được phục dựng…

* Phim cổ trang luôn là bài toán khó đối với các nhà làm phim Việt Nam. Với nhóm làm phim Vũ khúc Đông Dương cái khó không chỉ là phục dựng không gian vùng Mỹ Tho cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà còn cả khung cảnh của Paris, Marseille trong cùng niên đại. Nhóm giải bài toán này ra sao?

- Bài toán này được giải bằng ba chữ T: tâm - tài - tiền (cười). Không thể phục dựng bốn thành phố ấy bằng cảnh trí thật, cũng như không thể xây lại nhà hát Đông Dương nên chúng tôi đã bàn đến chuyện dùng kỹ xảo, tuy nhiên, kỹ xảo cũng rất cần đến chữ T thứ ba. Điểm khó nữa là chúng tôi phải thuyết phục được nhà đầu tư, để họ bỏ công sức và kinh phí cho dự án này.

* Một người trẻ như chị sao lại “chìm đắm” vào những chuyện người xưa cảnh cũ, với một đề tài cổ điển, khô khan?

- Với người trẻ khác thì tôi không biết, nhưng với tôi, đây không phải là một đề tài khô khan mà rất thú vị, đậm chất nghệ thuật. Từ lâu, tôi rất thích đờn bầu và đờn kìm, hai loại đờn này đều có trong ban nhạc tài tử. Dù không đi theo hướng nghiên cứu về âm nhạc, nhưng tôi cũng rất thích các loại đờn dây cổ phương Đông. Trên cả âm nhạc, đó là mối giao cảm của người xưa với người nay, tiếp nối giá trị sống và tinh thần hội nhập.

* Được biết, chị còn dự định viết tiểu thuyết về đề tài Nam bộ xưa?

- Khoảng ba năm trước, tôi đã lên đề cương cho một tiểu thuyết về Sài Gòn thời kỳ khẩn hoang, nhưng lại bị phân tâm bởi nhiều việc khác. Rồi tôi lại tham viết về chuyện tình Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong tiểu thuyết Đầm một đêm, nên chưa hoàn thành được. Nay được gợi mở, lại là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập nhóm dự án, tôi lại theo đuổi đề tài này. Nhóm biên kịch Nắng Sài Gòn mà tôi là một thành viên từng có dự kiến làm phim về miền Nam xưa. Vì thế, việc nhận lời làm biên kịch cho dự án này không phải là sự tình cờ.

 Võ Tiến (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI