Ngồ ngộ cái nghề 'ê cả mông, cong cả lưng'

30/01/2019 - 19:30

PNO - Ngộ, bởi đây là làng nghề truyền thống, tồn tại hơn 100 năm ở ngoại ô Sài Gòn mà khi nhắc đến lại ít ai biết.

Với những người sống ở nội đô, nghe tên Làng Đệm xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, đều trố mắt: "Ô, lạ nghen!".

Ngo ngo cai nghe 'e ca mong, cong ca lung'
Nhiều sản phẩm đẹp mắt ra đời từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ.

Về Ngã Ba Giồng, nhớ thăm Làng Đệm

Lạ nhất là xứ này, nhiều người đan đệm có thâm niên đến 80 năm – bằng cả một đời người mà vẫn chưa nghỉ ngơi. Chúng tôi có dịp ngồi tán gẫu cùng mấy bác nông dân bản địa, nghe họ nói: Làng Đệm là tên hồi xưa, khi hàng trăm họ đan đệm, giờ còn vài chục hộ rải rác, hầu hết là người già vì yêu nghề mà gắn bó. Bây giờ mà nói xứ này có Làng Đệm chẳng ai biết cũng là bình thường.  

Vừa rung đùi vừa phì phà điếu thuốc, lão nông Sáu Thảnh nói về nghề một cách nhẹ tênh: "Bà già tôi cũng "đương đệm" hơn 70 năm, từ thời còn con gái đến khi nhắm mắt. Lúc 80 tuổi gần đất xa trời, con cháu thấy bà còng lưng xỏ từng cọng bàng, thương quá kêu “nghỉ đi” mà bả nào có chịu, một mình lọ mọ miết từ sáng đến chiều, đến ngày nằm xuống, bả vẫn nằm trên tấm đệm tự tay mình đương. Thương lắm!”. Ông Sáu Thảnh thương má nên kêu vợ cố giữ nghề dù nghề này thu nhập bấp bênh, để đủ sống, vợ ông phải mở cái tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cứ tản mạn quanh người và nghề, quanh những năm tháng hoàng kim của Làng Đệm, của những người yêu nghề mà nghề không phụ. Bất chợt, ông Sáu Thảnh vỗ đùi cái đét, nói: "Năm rồi, mấy chục người nước ngoài đến nhà bà Tư Mượn để tham quan và học hỏi nghề đệm. Chà, ngó bộ Làng Đệm chưa đến hồi suy tàn".

Nói rồi, ông Sáu Thảnh chỉ tay về hướng Ngã Ba Giồng hướng dẫn tôi tìm đến nhà “Người đẹp cỏ bàng” – tức bà Phùng Thị Mượn (68 tuổi, thường gọi Tư Mượn) gia đình có 4 đời gắn bó với nghề đan đệm. Không cần nói nhiều, ông Sáu nói gọn lỏn một câu: "Muốn biết cái gì, cứ đến đó".

Ngo ngo cai nghe 'e ca mong, cong ca lung'
Hiện, những người còn làm nghề đan đệm thường là những phụ nữ lớn tuổi.

Không khó để tôi tìm đến nhà cô Tư Mượn bởi khoảng sân phơi đầy cỏ bàng với chiếc máy ép sáng nào cũng hoạt động hết công suất. Chào khách bằng nụ cười tươi rói, cô Tư Mượn dẫn chúng tôi đi một vòng quanh nhà hướng dẫn quy trình đan một tấm đệm: "Dễ ẹc! Cỏ bàng nhổ về, lựa nắng đẹp phơi cho khô, xong rồi ép nhuyễn – chọn từng cọng bàng vừa đều màu vừa đều kích cỡ để cho ra đời một tấm đệm đẹp". Giọng bà nhẹ tênh đúng điệu một người thuần nghề kiểu “nhắm mắt cũng "đương" được”.

Chỉ tay vào tấm đệm, cô cười: "Ngồi đi, thử xem đệm có mát hơn sa lông, ghế gỗ không?". Vừa nói chuyện, đôi tay cô thoăn thoắt xỏ bàng, nhịp nhàng đến độ “nhìn thôi cũng chóng mặt”.

“Ngó cọng bàng mỏng manh vậy chứ đương khéo, tấm đệm xài 3 năm chưa nhúc nhích. Muốn có tấm đệm đẹp thì cọng bàng phải nhuyễn, đều màu và đều kích thước. Khi đương phải bện chặt tay để tấm đệm chắc chắn, đương một tấm đệm hoàn chỉnh phải mất gần ba ngày công”, cô Tư giải thích.

Mọi sự thay đổi, trừ mấy bà già cỏ bàng

Những ngày rong chơi ở Làng Đệm, chúng tôi được hít hà mùi cỏ bàng thơm ngát, mùi bùn đất còn đọng lại trên thân bàng, mùi mồ hôi của những người đàn bà yêu cỏ. Lòng vui sướng và dâng lên niềm tự hào khó tả, dẫu rằng mọi sự đã thay đổi qua nhiều thập kỷ với biết bao thăng trầm.

Dọc con đường nhựa sát nhà cô Tư Mượn có thể xem là “Xóm cỏ bàng” sôi động nhất hiện nay bởi cách vài căn nhà lại có một nhà làm nghề đan đệm. Tuy chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng thật thú vị, chiều nào tôi cũng cố tình chở sấp nhỏ đi ngang con đường này để ngắm mấy cụ già lưng còng ngồi xỏ từng cọng bàng, để tụi nhỏ được hít hà mùi cỏ thơm, để tôi có dịp thủ thỉ với chúng: "Đây là làng nghề truyền thống của quê mình".

Ngo ngo cai nghe 'e ca mong, cong ca lung'
Cọng bàng mỏng manh vậy chứ đương khéo, tấm đệm xài 3 năm chưa nhúc nhích.

Mọi sự đã thay đổi, từ những cánh đồng trồng đầy cỏ bàng đến những khoảnh sân phơi cỏ đều bị bê tông hóa hay thị trường dành cho cỏ bàng cũng thay đổi, duy chỉ có những bà già cỏ bàng là vẫn vậy. Tôi nói không ngoa. Bởi ai đi đến xã Xuân Thới Thượng, tìm về Làng Đệm, cứ hỏi những cái tên như “bà Út Sáng”, “bà Tư Mượn”, “bà Ba Bé”… thì người ta chỉ trúng phóc rồi khuyến mãi thêm câu: “Mấy bà già đương đệm đó mà”. Thật lòng mà nói, nhiều lúc tôi thắc mắc: Nghề này thu nhập bấp bênh, tại sao vẫn còn nhiều cụ gắn với nghề gần hết đời người?

Để tìm câu trả lời, tôi ghé thăm cụ Lê Thị Bé (77 tuổi) gần 60 năm gắn bó với nghề. Nhìn đôi tay thon thả, khéo léo đương từng cọng bàng vào nhau của cụ Bé, tôi như bị thôi miên. Mà thiệt ngộ, khi tôi hỏi về cách đan, kiểu đan, cụ Bé rành sáu câu nhưng khi hỏi “nghề này thu nhập bấp bênh mà sao cụ gắn bó gần cả đời người?” lại nhận câu trả lời trớt quớt “ai biết đâu, mình thương thì mình làm”.

Cái kiểu thật thà, trớt quớt của người Nam bộ khiến tôi rớt nước mắt, lặng lẽ nắm chặt đôi tay có nhiều chỗ chai sần của cụ mà mân mê cho thỏa.

Hôm rồi, ghé lại nhà cô Tư Mượn, bả lục tung mấy cái bằng khen khoe với tôi, giọng vang vang: "Con có tin không, đi thi đương đệm, Tư dám tuyên bố “không đương thẳng, không ăn tiền”. Dân xứ này là phải vậy, mấy chục năm ngồi ê cả mông, cong cả lưng chứ ít gì!". Rồi bà lấy cái bằng khen lộng kính rất trang trọng nói tiếp: "Mười mấy nước đến đây học hỏi, coi Tư đan đệm, họ xí xô xí xào, mà Tư vẫn tự tin nói chuyện, giải thích rõ ràng cách đương, cách chọn bàng, họ mê luôn".

Ngo ngo cai nghe 'e ca mong, cong ca lung'
 

Bằng khen là Thư cám ơn của Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM gửi gia đình cô Tư Mượn vì tạo điều kiện cho Chương trình Giao lưu học thuật “Tuổi trẻ ASEAN hành động” vào tháng 9/2017. 

Với người nhà nông, giúp được ai là đã vui, chẳng cần biết ai – làm gì – từ đâu đến. Với tôi, đó cũng là tín hiệu vui, ít ra nhiều người cũng biết một Làng Đệm từng nổi danh khắp Sài Gòn và biết đâu, những tấm đệm thơm mùi cỏ sẽ đi xa hơn, nhiều hơn.

Làng nghề hơn 100 năm tuổi

Từ lúc khai sinh lập địa, người dân khu vực Ngã Ba Giồng đã biết đan đệm, đan bị (giỏ đệm) để kiếm sống, họ tự trồng cỏ bàng trên những cánh đồng sâu, vùng nước phèn, cứ thả giống và để nó tự sinh sôi, phát triển.

Nhờ khéo tay lại chịu thương chịu khó, sản phẩm đệm bàng, giỏ bàng xứ Ngã Ba Giồng bán rất chạy, cung cấp khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, rồi xuôi ghe thuyền đến các tỉnh - thành khác, thậm chí xuất ngoại…

Những năm 1990, đi đâu cũng thấy cảnh người ta ngồi trước hiên nhà đan đệm. Đàn ông đi cắt cỏ bàng, đàn bà ngồi đan, trẻ nhỏ thì đánh quai bị (quai giỏ đệm). Vui nhất là vào những ngày tết, ngày lễ, hàng hóa nhiều, mọi người phải chong đèn dầu sáng đêm để làm. “Mấy đứa nhỏ bị ba mẹ bắt đánh quai bị riết mà sợ, có đứa bị phồng tay, chai đít, khóc lóc xin nghỉ mấy hôm hoặc giả bệnh để được nghỉ”.

Rồi thời vàng son cũng qua, thị trường bão hòa, làng nghề đìu hiu, những người thạo nghề rút dần do tuổi cao sức yếu; thu nhập thấp lại bấp bênh không đủ sức thu hút những lứa con cháu theo nghề. Bây giờ, chỉ còn trên dưới vài chục hộ bám nghề mà toàn người già, trung niên.

Xóm đan đệm sau chợ Xuân Thới Thượng cũng khá nổi tiếng bởi nhiều người đan khéo. Bà Lê Thị Bé (77 tuổi) có thâm niên gần 60 năm gắn bó với nghề cũng không nhớ gia đình mình sống với nghề như thế nào, chỉ nhớ từ thời ông cố đến ông nội và cha mẹ bà cũng sống bằng nghề này.

 Bài, ảnh: Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI