Khi tôi quyết định cưới vợ “dân thành phố”, ba mẹ đã không vừa lòng. Dù tôi đã đi làm ở Sài Gòn 8 năm nhưng ba mẹ vẫn thích một cô con dâu “nhà quê” để biết bếp núc và cúng kiếng ông bà. Nhất là biết nấu nướng chứ “gái thành phố chỉ toàn ăn rồi học mà thôi".
Nhưng cuối cùng ba mẹ cũng chiều tôi cưới em, cô dâu người thành phố. Với điều kiện dù không ở gần, không biết cúng kiếng ông bà lúc giỗ chạp cũng được, nhưng nhất quyết phải biết nấu nướng bày biện mâm cơm ngày tết sao cho thật ngon lành. Bạn gái (bây giờ là vợ) tôi đồng ý điều kiện đó, tôi cho là vì cô ấy quá yêu tôi nên chấp nhận điều kiện của ba mẹ, chứ trong mắt tôi “vợ thành phố” chỉ giỏi công việc chuyên môn thôi, còn bếp núc thì “ẹ” lắm. Nhất bếp ngày tết thì thảm vô cùng.
|
Tôi ngỡ ngàng vì vợ biết làm bếp. Ảnh minh họa |
Cưới nhau được tám tháng nay, ngày thường vợ chồng tôi đều ăn sáng ăn trưa ở ngoài. Bữa tối qua quýt mì gói, sườn ram, cá kho… đều có sẵn trong siêu thị, chỉ cần mua về hâm nóng lại là xong.
Nhưng rồi tết nguyên đán này, về quê mà lòng tôi lo ngay ngáy. Nhà tôi ở trong xóm xa chợ búa, thì làm gì có siêu thị mà mua sắm để hâm nóng lại như ở thành phố. Tôi bày tỏ nỗi lo với vợ, bởi mình cũng không rành bếp núc. Đây lại là năm đầu tiên vợ ăn tết ở quê chồng, mà nhà quê thì phải biết, nếu vui lòng thì họ sẽ khen đến tám năm sau; nếu phật ý sẽ bị chê đến…tám mươi năm. Nhưng vợ tôi chỉ cười cười bảo chồng đừng quá lo, “ai sao em vậy” làm tôi càng…sợ.
“Hên” là chúng tôi về nhà đến vào lúc tối ba mươi tết. Nghĩa là vợ tôi đã “thoát ải” mâm cơm rước ông bà. Dù mặt mẹ có phần cau lại nhưng nhờ có ba tôi đỡ lời do đường xa xe cộ, “các con về được tới nhà an toàn là vui rồi” nên nụ cười mới chớm hé trên mặt mẹ. Vợ chồng tôi chưa kịp vui mừng thì mẹ đã phán “Sáng mai thằng Quang chở mẹ đi chùa, con Nga ở nhà nấu mâm cơm đầu năm cúng ông bà nhen!”.
Tôi… xanh mặt. Vì ít ra mình cũng biết làm cá, luộc thịt gà đỡ vợ. Đàng này mẹ bảo thế thì vợ tôi phải “một mình chống maphia” rồi đây.
Thế nhưng sau hai tiếng đồng hồ đưa mẹ đi chùa, về đến nhà tôi đã phải ngỡ ngàng vì mâm cơm bốn món thơm nức mũi, đẹp nhức mắt mà vợ vừa bày ra.
Mẹ tôi cũng mất một phút ba mươi giây ngắm mâm cơm rồi bà cười cười đi vào phòng. Ba tôi thì nháy mắt “Qua ải rồi, dọn lên cúng đi hai con”.
Thịt kho măng là món ba tôi rất thích. Dù ngày thường không hẳn là quá thiếu thốn, nhưng ngày tết ba vẫn ưa có nồi thịt kho măng. Vị kho hơi ngót vì kho bằng nước dừa tươi. Không dùng phẩm màu cho thịt nhé, mà chỉ cần thịt ngã vàng do nước dừa sắc lại là đủ. Thịt kho không quá rục nhé, vì rục thịt sẽ cứng. Nhưng nếu chưa chín hẳn thì thịt sẽ không thấm. Món thịt kho măng này, ngoài ăn với cơm, ba tôi còn thích ăn với bún hoặc chấm bánh mì.
Canh bắp cải tôm khô nhưng phải bóc chỉ đen trên lưng tôm mới đúng cách của mẹ tôi. Và miếng cải, phải chín đến độ đũa xiên mềm nhưng cải không được rời rạc từng lá nhé!
Dưa chua dưa kiệu chấm thịt kho thì không khó, vì trong hủ đó cứ gắp ra. Nhưng tôi thắc mắc nhất là món chả giò, saoo nó tròn vo như thế! Nghe người ta bảo rằng, ai mới học cuốn chả giò thì miếng chả đều méo, dẹp, gầy ốm, dài ngoằn… chả miếng nào giống miếng nào cả. Sao vợ tôi… siêu vậy ta? Lại còn biết lót dĩa chả bằng xà lách, rắc vài cọng ngò rí lên trên nữa?
|
Mâm cơm bắt mắt nức mũi của vợ tôi. Ảnh minh họa |
Cúng xong, mẹ tôi mời thêm dì út và thím ba hàng xóm cạnh nhà ăn bữa cơm đầu năm, nhưng tôi biết chắc là để khoe tài dâu mới. Mấy bà nhiệt tình ăn và tấm tắt khen khiến mẹ tôi cứ cười mãi làm tôi từ trạng thái run sợ cho vợ đã chuyển sang kinh ngạc.
“Chỉ có ông xã dễ tin như anh mới không biết thôi! Hai tháng trước, mỗi chiều em nói với anh là đi tập gym đó. Thật ra là em đi học nấu ăn đấy! Còn các món trúng ý mẹ hôm nay là nhờ có ba tư vấn đó. Ba còn phụ em xé măng kho thịt nữa. Canh bắp cải thì nấu xương lấy nước trước rồi hãy hầm với tôm khô. Còn chả giò thì vợ anh là học viên đạt danh hiệu cuốn chả nhanh nhất, đẹp nhất trong khóa đấy!”.
Ấy là sau bữa cơm, về phòng vợ tôi mới bật mí như thế.
Tôi chỉ biết ôm vợ quay vòng vòng để tỏ lòng biết ơn người phụ nữ đã không chỉ yêu chồng mà còn yêu cả gia đình chồng nên mới chịu cực công học hỏi như thế. Những nụ hôn đánh “chụt” lên má vợ làm nàng phải ra dấu im lặng bởi sợ ba mẹ nghe. “Mà anh nói ba khó tính, khó gần chứ em thấy ba thương con cái lắm. Chút nữa anh phải cảm ơn ba vì đã “gà đề” cho em nấu mâm cơm vừa ý mẹ đó”.
Mùa xuân không chỉ hây hây ngoài ngõ mà còn tươi hồng trên mặt vợ tôi.
Tấn Quang