PNO - Đất rừng phương Nam hội đủ yếu tố của một bộ phim giải trí. Nhưng điều gây ngỡ ngàng với khán giả là sự nhập nhằng lịch sử - văn hóa, không còn hồn cốt, tinh thần của tác phẩm văn học; diễn ngôn bị phủ định, các nhân vật trên phim cũng chỉ còn là lớp vỏ được nhắc tên.
Phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có mở đầu ấn tượng, kịch tính, gây hồi hộp lẫn cảm động. Đó là cuộc chạy trốn của mẹ con bé An (diễn viên nhí Huỳnh Hạo Khang) khỏi sự truy đuổi của lính Pháp vì cha An bị lộ tung tích. Cuộc nổi loạn tại chốt kiểm soát trên cầu khiến mẹ An (diễn viên Hồng Ánh) chết, An tình cờ gặp và được Út Lục Lâm (diễn viên Tuấn Trần) cứu. Phân cảnh này lấy nước mắt người xem nhưng đồng thời để lại cảm giác ngỡ ngàng khi nghĩa quân đánh Pháp là… Nghĩa Hòa đoàn. Cuộc giải cứu Võ Tòng ở pháp trường sau đó một lần nữa tiết lộ các thành viên kháng Pháp thuộc… Thiên Địa hội.
Phim Đất rừng phương Nam có thể làm hài lòng các khán giả thích phim giải trí, nhưng với các khán giả yêu mến tác phẩm văn học là nhiều thất vọng
Phim có bối cảnh Nam Bộ thời Pháp thuộc, không thể hiện mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, thông qua lời thoại của bé Xinh (diễn viên Bảo Ngọc) khi hát một trích đoạn trong vở Giọt máu chung tình và nói với bé An rằng đó đang là vở diễn nổi tiếng của một gánh hát; cùng với sự xuất hiện chớp nhoáng của nhân vật Bạch công tử “nổi tiếng một vùng”, có thể tạm suy đoán đó là vào những năm cuối thập niên 1920 (tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử viết vào năm 1926, 1 năm sau, vở diễn cùng tên - do ông Nguyễn Tri Khương dựa theo tác phẩm này để sáng tác - được dựng trên sân khấu gánh hát Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện - Trần Ngọc Viện). Như vậy, bối cảnh của phim đã không còn là bối cảnh của tác phẩm văn học mà nhà văn Đoàn Giỏi đã viết về thời Nam Bộ kháng chiến (sau năm 1945).
Vì chọn tâm điểm là “Thiên Địa hội” để khai thác, nhà làm phim đã kể câu chuyện về “đất rừng phương Nam” theo một chiều hướng khác.Võ Tòng không phải là “người đàn ông cô độc trong rừng U Minh”, cuộc kháng Pháp cũng không còn là của quần chúng nhân dân mà là sự nổi dậy của các bang hội. Còn bé An không phải giác ngộ cách mạng mà trở thành đứa trẻ cắt máu ăn thề “sống làm người Nghĩa Hòa đoàn, chết làm ma Thiên Địa hội”. Chính điều này khiến phim vấp phải tranh luận về việc làm sai lệch lịch sử, nhập nhằng thời gian văn hóa, trang phục đậm chất Trung Hoa và diễn ngôn về tinh thần yêu nước của các nhân vật trên phim được/bị hiểu hoặc suy diễn theo nhiều góc độ.
Trailer phim Đất rừng phương Nam:
Điều đáng nói là Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội là 2 tổ chức khác nhau. Tại Trung Quốc, Nghĩa Hòa đoàn (1899-1901) là phong trào “vì xã hội công bằng và hòa hợp”, với khẩu hiệu “phù Thanh diệt Dương” (nghĩa là ủng hộ Thanh triều, tiêu diệt người Tây). Còn Thiên Địa hội (từ thế kỷ XVIII) với khẩu hiệu “phản Thanh phục Minh”. Khi phong trào bị dập tắt, truy quét, một bộ phận thành viên các bang hội bỏ trốn ra nước ngoài, họ đến Việt Nam và trở thành một phần lưu dân cộng cư ở xứ Nam Kỳ. Sử liệu về hoạt động của Thiên Địa hội ở Nam Bộ có ghi chép những cuộc nổi loạn chống lại thực dân Pháp của tổ chức này, nhưng là giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến năm 1916 (khi thủ lĩnh Thiên Địa hội là Phan Xích Long bị kết án tử). Hoạt động của Thiên Địa hội cũng như các hội kín khác ở An Nam ít nhiều mang màu sắc tôn giáo, không còn những cuộc nổi loạn kháng Pháp công khai.
Tác phẩm điện ảnh có thể hư cấu, lịch sử có thể tùy thuộc những góc nhìn, nhưng thời gian lịch sử với những giai đoạn, sự kiện cụ thể thì không thể sai lệch. Nhà làm phim chọn Thiên Địa hội để thể hiện tinh thần “anh hùng ca” trong bối cảnh những năm cuối thập niên 1920 là tự đưa mình vào thế khó, giữa việc nhập nhằng lịch sử và sẽ nghiêm trọng hơn nếu xét ở khía cạnh diễn ngôn chính trị.
Phủ định nhân vật trong tác phẩm
Phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hội đủ yếu tố của một bộ phim giải trí: kịch tính, hấp dẫn, cảm động lẫn hài hước; bối cảnh đẹp, mãn nhãn, âm nhạc hay, diễn xuất của các diễn viên đều rất ổn… Thế nhưng, đó không còn là Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi mà cũng không ra hồn cốt đất và người Nam Bộ.
Bối cảnh đẹp nhưng toát lên vẻ mỹ miều tái dựng, lời thoại hay mà vì quá đạo lý thành ra như thoại kịch. Sử dụng phép lặp cho những phân cảnh/tình tiết không cần thiết, lại kém duyên (đánh rắm, ngồi cầu tõm…). Mỗi khung hình của điện ảnh đều đắt giá, nhưng trong bản điện ảnh của Đất rừng phương Nam lại thấy thừa chi tiết, ít ý nghĩa và thiếu chi tiết đắt, những cận cảnh hay phân cảnh cảm động đủ đẩy mạch phim lên đến đỉnh điểm cao trào.
Tác phẩm điện ảnh luôn có thể làm mới, làm khác, lấy cảm hứng, phóng tác từ tác phẩm văn học. Lựa chọn phát triển câu chuyện với những nhân vật mới, trong một giai đoạn lịch sử khác, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã vượt qua được “cái bóng” lớn của bản phim truyền hình (Đất phương Nam, 11 tập, đạo diễn Vinh Sơn thực hiện năm 1997), đồng thời cũng đã vượt thoát khỏi tác phẩm văn học ở mọi khía cạnh.
Tuy nhiên diễn ngôn sinh thái của rừng, vẻ đẹp của thân phận con người ở rừng U Minh, hồn cốt của đất và người Tây Nam Bộ… đều không thể hiện được. Vai trò và giá trị của các nhân vật bị phủ định, chỉ còn lại nội dung cốt lõi là hành trình tìm cha và lưu lạc của cậu bé An. Còn lại, các nhân vật Cò, Võ Tòng, Út Trong hay bà Tư Ù, ông Ba bắt rắn trên phim đều vô cùng mờ nhạt. Những cái tên chỉ còn là lớp vỏ để gợi nhớ các nhân vật trong sách và phim truyền hình.
Khi “sự vượt thoát” đã đi quá xa thì phim của Nguyễn Quang Dũng không còn là đất rừng phương Nam nữa, nên là một cái tựa phim khác, cho dù nhà sản xuất có đề xuất được sửa Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn thành Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn (như chia sẻ của Cục Điện ảnh với báo chí vào chiều 15/10).
Người đẹp Rashmita Rasindran từ Malaysia đã vượt qua các thí sinh khác, đoạt giải cao nhất tại đêm chung kết Miss Charm 204 diễn ra tối 21/12, tại TPHCM.
NSƯT Thoại Mỹ đã có trải nghiệm đặc biệt khi lần đầu trở thành Thiên Hậu trong chương trình "Táo Xuân 2025", Đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) sản xuất.