|
Bụi mù ở các thành phố lớn ảnh hưởng tới hệ hô hấp cũng như gây ra các bệnh đường hô hấp |
Nhắc tới ung thư phổi người ta nghĩ ngay tới nguyên nhân do hút thuốc lá. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người không hề liên quan tới hút thuốc lá, sinh hoạt chuẩn mực vẫn bị ung thư phổi và phát hiện ở giai đoạn muộn.
Từ đó, dấy lên lo ngại về chất lượng không khí, môi trường sống ngày càng ô nhiễm tác động không tốt đến hệ hô hấp, sức khỏe con người. Ung thư phổi hiện là một trong ba loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, cùng với ung thư gan, dạ dày.
Không hút thuốc hay tiếp xúc khói thuốc
Gia đình chị P.T.M., ngụ P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội, vừa trải qua những ngày tháng đau buồn. Đến tận lúc lo xong hậu sự cho chồng là anh T.V.D. (42 tuổi), chị M. và hai bên nội ngoại vẫn trăn trở với câu hỏi bỏ ngỏ: Tại sao anh D. không thuốc lá, rượu bia; sinh hoạt điều độ, mỗi năm đều khám sức khỏe định kỳ, mỗi ngày tập gym, mà lại bị ung thư phổi và ra đi khi còn trẻ?
Tháng Tám vừa rồi, anh D. và vợ con vẫn du lịch, sức khỏe hoàn toàn bình thường, chỉ thỉnh thoảng húng hắng ho khan vài tiếng nhưng nghe không có gì nghiêm trọng. Thế mà đến tháng Mười, anh bắt đầu cảm giác hơi khó thở, tức ngực lúc hoạt động gắng sức. Vào viện khám, kết quả chụp X-quang và CT phát hiện anh có khối u ở phổi trái. Khi bác sĩ chỉ định tổng kiểm tra cơ thể thì tế bào ung thư đã di căn vào gan và não. Những gì gia đình và bác sĩ có thể làm cho anh chỉ là cố gắng giảm bớt các cơn đau đớn. Mọi chuyện diễn ra quá bất ngờ, anh D. ra đi trong giai đoạn chín muồi nhất của sự nghiệp, hai con mới ở độ tuổi lên tám, lên mười.
Nếu nói giới trẻ hút thuốc lá hay bị hút thuốc lá thụ động khi đi làm, đi chơi nên ung thư phổi thì còn dễ chấp nhận. Thế nhưng, anh N.V.H. (ngụ đường Trần Xuân Soạn, Q.7, TP.HCM) đã bật khóc khi chia sẻ về trường hợp của mẹ mình: “Mẹ tôi không hút thuốc lá, trong nhà cũng không ai hút thuốc lá. Ngày nào mẹ cũng dậy sớm đi bộ thể dục, tập dưỡng sinh mà vẫn bị ung thư phổi”. Gia đình anh H. phát hiện người mẹ 79 tuổi bị ung thư phổi khi thấy bà sụt cân, ăn ít, ho nhiều. Lúc tới Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám thì bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối. Vợ chồng anh H. chăm sóc bà ở bệnh viện chưa tới hai tháng thì tình trạng bà trở nặng. Gia đình xin đưa bà về, và bà đã qua đời vào ngày 15/12.
Hai trường hợp vừa kể trên đều cho thấy nguyên nhân gây ung thư phổi của những bệnh nhân này không liên quan tới lối sống thiếu lành mạnh. Họ không hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc lá. Họ đều là những người có chế độ sinh hoạt chuẩn mực, chịu khó tập luyện thể dục và khám sức khỏe định kỳ. Vậy thì điều gì khiến họ mắc bệnh ung thư phổi?
Do ô nhiễm không khí?
Tiến sĩ - bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, nhận định 2/3 bệnh nhân ung thư tại Việt Nam tử vong do phát hiện trễ. Ung thư phổi là một trong ba loại ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi đầu tiên chính là khói thuốc lá. Nhiều người không hút thuốc lá nhưng họ vẫn vô tình bị hút thuốc lá thụ động mà không để ý (khi ra đường, tới những nơi công cộng, chỗ làm việc…). Bởi, số người hút thuốc lá ở Việt Nam rất cao (50% nam giới hút thuốc lá; 1,2% phụ nữ hút thuốc lá) dẫn tới số lượng người hút thuốc lá thụ động cũng theo đó mà tỷ lệ thuận.
Tuy nhiên, theo thống kê tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, khoảng 25-30% bệnh nhân ung thư phổi sau khi điều tra bệnh sử lại không hề hút thuốc lá và họ cũng khẳng định mình không tiếp xúc với môi trường có khói thuốc lá. Thậm chí, không ít bệnh nhân sống rất chuẩn mực, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Có bệnh nhân là phụ nữ lớn tuổi, hằng ngày nội trợ, giao tiếp quanh quẩn từ nhà ra tới chợ. Bác sĩ Thịnh nhận định, một nguyên nhân khác có thể gây ung thư phổi chính là ô nhiễm môi trường không khí. Đã có những nghiên cứu chứng minh chất hydrocarbon từ khí thải của các phương tiện giao thông là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư đường hô hấp.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí của chúng ta đang ngày một xấu. Gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo về hiện tượng bụi mù tại TP.HCM và TP.Hà Nội. Để khẳng định bụi mù gây ung thư phổi thì có lẽ cần thêm nhiều nghiên cứu chắc chắn nhưng có thể nói hít phải bụi mù sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp và mắc bệnh đường hô hấp.
Vì đặc thù của bệnh ung thư phổi diễn tiến rất nhanh, từ giai đoạn đầu chuyển qua giai đoạn cuối chỉ trong vòng 2-6 tháng nên tầm soát theo cách khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần chưa đủ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của ung thư phổi là ho khan. Khi thấy ho khan kéo dài một tháng thì phải nghĩ tới ung thư phổi và đi khám chuyên khoa ngay.
Để phòng tránh ung thư phổi, quan trọng nhất vẫn là không hút thuốc lá và lui tới nơi có khói thuốc. Ra đường, tới nơi công cộng cần trang bị khẩu trang đầy đủ. Nếu có thể, người dân nên tránh lưu thông vào giờ cao điểm để hạn chế hít phải khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông. Dừng đèn đỏ lâu trên một phút, mọi người nên tắt máy xe, cũng là góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm khí thải ra môi trường. |
Thanh Huyền