Chân ngọn Cà Tang dần khuất vào bóng chiều, đỉnh núi rực đỏ dưới hoàng hôn. Gió nồm thổi từ biển Cửa Đại lên mang theo hơi nước mát rượi. Như mọi buổi chạng vạng khác, dượng Năm lè nhè sau vài ly rượu gạo, nghêu ngao câu hát cũ rích: “Con quạ nó đứng bên sông. Nó kêu bớ mẹ lấy chồng bỏ con. Bữa ăn năm bảy miếng ngon. Dượng ghẻ ních hết, để con nhịn thèm”.
Bao năm rồi dượng Năm vẫn cứ một bài ca cũ. Chẳng phải để ai nghe. Chỉ để vỗ yên xoa dịu lòng mình giữa những mơ hồ lo sợ: “Ta nói mi nghe, hùi đó má mi bỏ mi, là ta mang mi về đây. Mà mi coi, ta có để mi nhịn thèm không?...”.
Bao năm rồi, Sang cũng nhìn ra mé sông, thở dài thườn thượt. Men theo con sông Thu Bồn, ngược dòng về thượng nguồn là nơi Sang sinh ra. Dượng kể, ở đó có vách núi đá dựng đứng bị xẻ làm đôi, mang những hình thù độc đáo kỳ bí, nhô ra như cản sức chảy của sông. Những dòng chữ cổ Chiêm Thành khắc chạm trên phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, trầm mặc soi mình xuống dòng nước. Từng nương ngô, bãi dâu trải dài tạo nên một khung cảnh nên thơ.
Ấy là thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng nổi tiếng. Gần rứa mà từ nhỏ đến chừ Sang chưa một lần ghé qua. Cũng không rõ cha ruột Sang chiều chiều có ra ngóng gió bãi dài rồi nghĩ đến cô không. Thỉnh thoảng, Sang vẫn hay bâng quơ sợ, lỡ một ngày cha xuôi thuyền đến đón Sang về thì biết làm răng cho đặng...
***
Nghe người ta nói bữa nay mấy bà ở gánh cá bãi ngang sẽ bán cá chuồn, Sang đạp chiếc xe cà tàng gỉ sét ra chợ chồm hổm mua mớ cá. Con nào con nấy tươi dong, thân nhỏ nhưng tròn lẳn với hai vây lưng rất to.
Về đến nhà, Sang đánh vảy, rửa sạch rồi cắt thành từng khoanh dài cỡ hai đốt tay, ướp cùng nước mắm, đường, vài ba củ nghệ, tiêu. Cô ra đằng sau vườn hái một trái mít non, đem vào gọt bỏ vỏ gai cứng bên ngoài. Sang chẻ mít thành từng miếng vuông nhỏ, bỏ vào thau ngâm với nước muối cho khỏi thâm và ra bớt mủ. Tiếp tục, Sang chần sơ mít qua nước sôi, vớt ra để nguội cho ráo nước. Bắc nồi lên bếp, Sang cho dầu phụng vào đun nóng và thả vài ba củ nén đập giập vào phi.
Đợi nén dậy mùi, cô cho cá vào chiên sơ. Để lửa riu riu, Sang trút hết nước mắm ướp cá vào, rim cho cá thấm rồi thêm hai chén nước. Đợi nồi cá sôi chừng ba phút, Sang cho rổ mít đã luộc vào, vẫn đun nhỏ lửa. Nếm cá chín mềm beo béo quyện cùng miếng mít non bùi thì Sang tắt bếp. Mùi thơm hấp dẫn của nồi mít non kho cá chuồn tràn ngập khắp gian nhà. Đây là món dượng Năm thích ăn nhất. Phải thêm vào vài trái ớt đập giập cay xé lưỡi thì dượng mới khen lấy khen để.
Ngồi bên mâm cơm, dượng Năm lại tiếp tục nghêu ngao: “Ai về nhắn với bạn nguồn. Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên. Ai về nhắn với làng bên. Con ai mà khéo nấu nên món này”. Ô hay, nói chơi cho vui mà cũng ra vần ra điệu đó chớ!
- Ông bớt cưng nó đi. Cá mô để gởi lên, có mà gởi nó lên trả lại cho cha ruột nó.
- Chừ gởi nó về bên nớ thì ai nuôi, con mình lại bị người ta đánh cho nát mặt mày nữa.
- Thì khỏi gởi, để đó tui nuôi, mà tiền mô đòi học đại học. Đã rứa, học kinh tế, ngân hàng đi không chịu, cứ đâm đầu vào sư phạm văn. Nó ở với ông, nghe thơ thẩn riết rồi nhiễm vào đầu. Tui nói ông nghe, chừ mấy đứa giáo viên ra trường thất nghiệp đầy. Không thì người ta cũng đẩy lên tận Tây Giang, Đông Giang dạy xóa mù chữ. Mình ở đây là đã rừng rú quê mùa hơn so với người ta rồi. Ông thử ra Đà Nẵng rồi mới biết là mình lạc hậu cỡ mô.
Dượng Năm ậm ừ bỏ dở câu chuyện. Dượng sợ Sang buồn nên không muốn tranh cãi nhiều về chuyện này. Má đâu có hiểu, Sang chọn sư phạm để đỡ cho má phải lo học phí. Chỉ có dượng là hay động viên, con hỷ, ráng học xong ra trường thi vô biên chế…
Im lặng kệ người lớn bàn chuyện, Sang ăn thiệt nhanh rồi buông đũa ra chái bếp phía sau nhà. Cô tiến lại ảng, múc một gáo nước đầy, đổ ra rửa tay, rửa miệng và cả mặt. Nước giếng dượng Năm vừa bơm lên lúc chiều lành lạnh. Mùa hè nóng nực mà tắm nước giếng thì mát còn chi bằng. Nhưng dượng dặn mới ăn xong không được tắm, sẽ đau bao tử. Sang đành lại võng nằm đưa, vừa đập muỗi vừa ngắm trăng lên.
***
Dượng Năm bảo cho Sang học đại học là nói rứa thôi, chớ thiệt tình ông nghĩ ngợi nhiều lắm. Con Sang mà đi, ở nhà còn mình ông răng quản nổi đàn gà với đứa con trai út hư hỏng kia. Trái gió trở trời cũng chẳng biết kêu ai. Mà quan trọng hơn, tiền đâu vừa nuôi thằng Phước, vừa lo cho con Sang ăn học hết bốn năm ở thành phố. Lại còn thuốc thang cho cái chân của ông.
Từ ngày dượng Năm bị tai nạn, thôi làm ông giáo làng để ra chợ buôn gà, má Sang cũng bắt đầu đi làm ăn xa. Má hay trách dượng răng bỏ ngang ở trường. Đi dạy lương ít nhưng cũng có đồng ra đồng vô ổn định. Bán gà làm chi, đến đợt dịch cúm là mất trắng tay. Về vườn rồi sinh tật, rượu chè đưa võng đọc ba câu văn thơ nhức cả đầu, đến nỗi má phải tha phương cầu thực.
Có năm má vào tận Buôn Mê đi hái cà phê thuê cho chú họ. Rồi má về lại Trà My lau dọn bàn bán tạp hóa giùm dì. Má qua Tây Giang trông coi nhà nghỉ cho cậu. Cuối cùng là má ra Đà Nẵng bán trái cây gánh. Ở nhà không có má, một tay Sang quán xuyến mọi việc. Từ đi chợ, nấu ăn, quét sân, cho gà ăn, đến phụ dượng xách lồng gà con gà mẹ ra chợ bán.
Thỉnh thoảng má về nhà như chiều nay, dượng Năm lại nhằn má: “Không mợ thì chợ cũng đông, mợ đi trong Quảng ai trông mợ về. Nhà ni không có đàn bà nhưng có con gái. Tui là tui chỉ cần con Sang thôi, bà là cái thứ bỏ đi”. Má nhìn Sang cười nhẹ không nói chi. Thằng Phước xen vào mỉa, giọng điệu y chang má. “Bả có phải con ba đâu mà ba cưng cho lắm vô. Bà nội bảo cà cưỡng nuôi con tu hú, có ngày tu hú bay...”.
***
Gà gáy thêm một hồi dài kéo mặt trời trồi ra khỏi màn mây trắng trên đỉnh Cà Tang trước nhà. Từng hạt sương li ti vẫn phủ đầy trên những ngọn cây, dưới lòng sông Thu Bồn phía xa đằng sau vườn đã bắt đầu một màu bàng bạc óng ánh. Sang luôn dậy thật sớm để quét mớ lá mít, lá khế rụng đầy sân.
Thường thì những nhát chổi đầu tiên của cô sẽ được quơ cùng lúc cái loa ở đầu xóm cất tiếng “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sau đó, cô sẽ nhóm bếp củi sắc ấm chè đen cho dượng Năm rồi vào cắm nồi cơm điện. Mâm cơm được bưng lên là khi dượng Năm dọn xong ổ gà đẻ, lựa trứng để ấp, trứng để dành ăn hoặc đem ra chợ bán.
Sang chưa kịp vào buồng kêu má dậy ăn sáng, má đã hớt hải chạy ra:
- Ê con Sang, khỏi ăn uống chi nữa, thay lẹ bộ đồ lịch sự rồi đi ra nội với má. Ba mi đột quỵ, mất rồi tề.
Sang khựng lại một chút rồi luýnh quýnh sửa soạn đi theo má, tai lùng bùng đến độ chẳng nghe thấy dượng Năm dặn cái chi. Hồi chừ Sang có khi mô về đó, tự dưng nay lại về để chịu tang. Cái ngày ba má ly hôn vì ba đi theo người đàn bà khác, ông nằng nặc đòi nuôi Sang. Chừng được hai năm, má đi bước nữa thì ba gọi má lên đón Sang. Lúc đó, má đang bế thằng Phước trên tay, liền từ chối. May mà còn có dượng, không thì Sang đã bị đá đến nhà cậu mợ. Mười mấy năm rồi Sang cũng sắp quên mất mặt mũi ba.
Hai má con bước vào nhà nội trong ánh mắt lạ lẫm của hầu hết mọi người. Hòa lẫn tiếng kèn đám là tiếng khóc lóc rên xiết. Má kéo tay Sang vào chào thưa ông bà nội và các cô chú. Lướt sơ qua một lượt, Sang lờ mờ nhận ra cái người mắt đỏ hoe mặt phờ phạc đeo tang trắng đứng cạnh quan tài là “người đàn bà đó”. Bất giác cô đưa tay che một bên mặt mình, cú cào rách má của bà ta hình như vẫn còn đau thì phải. Thằng nhóc đang nhìn Sang trân trối chắc là cậu em trai từng đẩy cô té trầy đầu gối khi xưa.
Ông nội ghé sát má Sang hỏi nhỏ, con bé tên chi để nội biết còn ghi vào bài sớ đọc. Sau đó nội đưa Sang bộ đồ trắng với những mép vải xơ ra một cách tự nhiên. Áo sô gai dài đến đầu gối, rộng thùng thình, tay thụng thắt lưng bên. Má lấy khăn tang cột qua trán cho Sang. Má không mặc đồ tang, chỉ chít khăn trắng ngang đầu. Nội thắp sáu cây nhang rồi chia đôi cho má con Sang mỗi người một nửa. Mọi người khóc lớn át cả tiếng nội khấn vái. Sang chỉ kịp nghe và nói theo, thưa ba con về đưa tiễn ba một đoạn.
Trong đầu Sang cứ chợn nghĩ đến dượng Năm. Bữa dượng gặp tai nạn vào bệnh xá huyện cấp cứu, Sang run lên vì sợ. Về sau dượng bình phục, cái chân đi phải mang nạng, đứng lên ngồi xuống khó khăn trông rất xót. Nhỡ chiều ni dượng lại say và cà nhắc ra bờ sông ngồi, rồi trúng gió thì biết mần răng. Thằng Phước hiếm khi có nhà. Nó mải theo đám bạn bắn chim câu cá đến khuya mới về. Tội dượng, đi đón Sang làm chi để bị người ta tông.
Má ghé sát tai Sang thì thầm, con ráng khóc một chút đi, mất công người ta lại lời ra tiếng vô. Sang thấy hơi buồn cười. Chừ ở đây, lòng Sang dửng dưng nhạt thếch, lại phải ép bản thân rơi nước mắt. Kể ra thì cô cũng bạc tình thiệt, cha ruột mình chết mà sao chẳng thấy động lòng. Nhưng không ở cùng sống chung, biểu mần răng cô có cảm xúc cho được. Sang nhìn mấy đứa em cùng cha khác mẹ gục xuống thảm thiết, mới rơm rớm theo. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, dù chi cũng là người sinh ra mình.
***
Xong ba ngày lễ, nội hỏi Sang có để tang cho ba thì lấy tang cài áo. Nếu không muốn mang bên người thì gởi trên bàn thờ rồi đến ngày nội đốt giùm cho. Má Sang cúi mặt, dạ thôi tụi con xin gởi. Về bên kia ba dượng nó lại nói. Thiệt ra Sang thừa biết, má là người không muốn liên quan phiền hà. Má đưa Sang về lần ni coi như để cắt đứt luôn với gia đình nhà họ. Chớ tính dượng Năm thì Sang lạ chi, ông có khi mô hơn thua tính toán kẻ trước người sau.
Trên xe đò, Sang uể oải tựa đầu vào cửa sổ, mắt lơ đãng nhìn hàng cây lướt nhanh bên đường. Bà già ngồi ở ghế đằng trước vừa nhai trầu vừa đọc thơ giống dượng Năm: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”. Bà nói chú nghe, bữa ni bà quay lại đây chắc lần cuối rồi, thăm mồ mả ông bà xưa để rồi về đoàn tụ với bên nhà chồng. Với Sang chắc cũng là lần cuối. Bên nội đâu ai thừa nhận Sang là con cháu. Cô chẳng thiết nhớ nhung điều chi ở căn nhà đó. Những mảnh ký ức cũ kỹ chỉ toàn là vết thương. Vả lại, Sang mà nặng lòng với cha ruột thì có lỗi với dượng Năm quá. Có khi dượng sẽ nghĩ như tiếng đời độc địa, cà cưỡng nuôi con tu hú rồi có ngày tu hú bay.
Chợt Sang nói như bâng quơ, mắt vẫn hướng ra những hàng cây hun hút bên đường:
- Má, về đến nhà con kêu dượng là ba được không má?
Má nhìn Sang hơi bất ngờ. Kêu chi là quyền của mi với ổng, má làm răng mà quyết được. Ổng nhận mi về, nuôi mi chăm mi đó chừ, chắc ổng cũng thương. Ba ruột mi thì mất rồi, kêu ổng bằng ba chắc ổng cũng vui.
Sang nghe má nói, thấy lâng lâng trong lòng. Cô từng nghe đâu đó, gia đình không hẳn phải là những người cùng chung huyết thống. Gia đình đơn giản là những người ở bên cạnh hoặc sống cùng nhau, yêu thương chăm sóc và không bao giờ bỏ rơi những khi cần. Dượng Năm mới là gia đình của Sang. Mặc dù không sinh ra Sang nhưng ông là người cha đã nuôi nấng dạy dỗ cô.
Từ nay Sang không còn lo phải ngược dòng Thu Bồn về thượng nguồn lần nữa. Cô cũng không cần ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng chi cho cực. Lát nữa về nhà Sang sẽ ra sau hè bắc ghế ngồi đưa võng cho dượng. Sẵn tiện mang sách ra nhờ dượng giảng bài. Rồi cũng sẵn tiện hỏi thử xem ý kiến dượng răng. Dượng Năm ơi, từ ni con gọi dượng bằng ba hỷ. Để con quạ không phải đứng bên sông nữa dượng ha...
Ny. An