Ngộ độc thủy ngân không chỉ từ nhiệt kế

06/03/2021 - 06:35

PNO - Vỡ nhiệt kế, nuốt thủy ngân là một trong những tai nạn được ghi nhận nhiều tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Theo các bác sĩ, nếu xử trí, sơ cứu sai cách, có thể gây ra hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm đang thăm khám cho một bệnh nhi nhiễm độc thủy ngân
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm đang thăm khám cho một bệnh nhi nhiễm độc thủy ngân

Bỗng dưng ngộ độc thủy ngân 

Bác sĩ (BS) Phạm Thị Thanh Tâm - Trung tâm Cấp cứu và chống độc Nhi khoa Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Nội - cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc cũng như gặp tai nạn với các vật dụng chứa thủy ngân. 

Mới nhất, bệnh viện ghi nhận hai anh em trong một gia đình ở Hà Nội cùng ngộ độc thủy ngân mạn tính. Theo đó, bệnh nhi 7 tuổi và em trai 2,5 tuổi được làm xét nghiệm định lượng thủy ngân. Kết quả cả hai bé đều có hàm lượng thủy ngân trong máu cao, dù chưa có các biểu hiện về mặt lâm sàng. Trước đó, ba của bệnh nhi thực hiện xét nghiệm và có kết quả ngộ độc thủy ngân nên lo lắng, đưa cả gia đình đi kiểm tra. Ngoài hai bệnh nhi này, có một trẻ là họ hàng, cùng sống trong khu vực cũng được xác định nhiễm độc thủy ngân.

BS Tâm phân tích, các bệnh nhi có thể đã hít phải thủy ngân trong không khí hay uống nước ô nhiễm chứa thủy ngân. Qua thời gian dài, chất này lắng đọng trong cơ thể. Trẻ sẽ mất khoảng một năm để điều trị đào thải chất độc này ra khỏi cơ thể.

Ngoài các trường hợp ngộ độc mạn tính, nhiều bệnh nhi tới cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu và chống độc Nhi khoa là do tai nạn vỡ nhiệt kế. “Phần lớn các bé trong lúc nghịch ngợm đã cắn vỡ đầu nhiệt kế và nuốt thủy ngân. Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh có nhiều chấm cản quang rải rác như những đốm sao trong bầu trời đêm. Đây là những hạt thủy ngân nằm trong cơ thể”, BS Tâm nói.

Các gia đình thường vô cùng hoảng loạn khi con gặp phải tai nạn nuốt thủy ngân từ nhiệt kế. Dù vậy, BS Tâm thông tin, đơn vị này chưa ghi nhận trường hợp nào để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân do thủy ngân trong nhiệt kế là thủy ngân nguyên tố, không hấp thu vào máu nếu đường tiêu hóa lành lặn. Khi phát hiện có các hạt thủy ngân trong đường tiêu hóa, BS sẽ cho trẻ uống thuốc nhuận tràng để đào thải ra khỏi cơ thể.

Cách đây vài ngày, BS Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bé gái 11 tuổi (quê ở Thái Bình) bị nhiễm độc thủy ngân. Trong lúc vẩy nhiệt kế, người thân vô tình đập vào tay cháu bé khiến nhiệt kế vỡ ra, thủy ngân nằm sâu trong phần mềm ngón trỏ. Do tình trạng phức tạp, bé gái được điều trị nhiễm trùng trước rồi mới phẫu thuật để lấy các hạt thủy ngân ra. 

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, việc phẫu thuật vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác để “vét” hết những hạt thủy ngân, ở cả những vị trí như sát khớp. Bên cạnh đó, không được dùng máy hút trong quá trình gom thủy ngân vì sẽ tạo hơi nóng khiến thủy ngân bay hơi, gây độc cho những người có mặt trong phòng mổ. Các BS Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai đã phải mất khoảng hơn một giờ, với kính lúp phẫu thuật để có thể nhìn rõ các hạt thủy ngân thâm nhiễm vào, mới lấy hết những hạt này ra khỏi cơ thể cháu bé.

Với tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ là  vỡ nhiệt kế, nếu gia đình không xử lý  đúng cách, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề
Với tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ là vỡ nhiệt kế, nếu gia đình không xử lý đúng cách, có thể dẫn đến hậu quả nặng nề

Cách sơ cứu sai lầm khi trẻ nuốt phải thủy ngân

Có ba con đường dẫn tới ngộ độc thủy ngân ở trẻ, bao gồm đường hô hấp, đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc qua da. Trong đó, nếu hít phải thủy ngân sẽ gây nguy cơ cao bởi hơi thủy ngân dễ dàng bị hấp thu ở phổi rồi vào máu và não trong quá trình hô hấp, dẫn tới hủy hoại hệ thần kinh trung ương. Từ đó, trẻ có thể bị tổn thương hàng rào máu não gây hội chứng não cấp, giảm tập trung, giảm trí nhớ, run chi, rối loạn thần kinh cảm giác… Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị suy dinh dưỡng mạn tính, viêm cầu thận, hoại tử ống thận cấp, đi tiểu ra máu, thiếu máu, xơ phổi…

Nhiều trường hợp ngộ độc thủy ngân qua đường tiêu hóa có thể do ăn phải hải sản nhiễm thủy ngân (hải sản ở vùng biển bị ô nhiễm thủy ngân), dùng ngũ cốc hay thuốc Đông y không rõ nguồn gốc được xử lý bằng chất trừ nấm có thủy ngân…

Các trường hợp ngộ độc thủy ngân qua da thường ít gặp hơn. Tại Việt Nam, một số trường hợp đã được ghi nhận do sử dụng các loại thuốc bôi từ Đông y không rõ nguồn gốc, có chứa thủy ngân dẫn tới hậu quả tổn thương da, da bị sừng hóa…

Để điều trị, BS Phạm Thị Thanh Tâm cho hay, phải căn cứ vào từng dạng tiếp xúc, đường lây nhiễm với mục tiêu đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân cần được định lượng nồng độ thủy ngân máu 1 lần/tháng trong các giai đoạn cấp. Sau đó, theo dõi nồng độ thủy ngân trong máu 3-6 tháng/lần cho đến khi nồng độ thủy ngân trong máu toàn phần xuống dưới 20µg/l.

BS Tâm lưu ý, với tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ là vỡ nhiệt kế, nếu gia đình không xử lý đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Theo đó, khi nhiệt kế vỡ, thủy ngân có thể bay hơi ở nhiệt độ phòng và gây ngộ độc qua đường hô hấp. Khi đó, phụ huynh cần nhanh chóng dùng giấy thu gom những mảnh vỡ, mở cửa phòng, tắt điều hòa để thông khí. Lưu ý, trong quá trình thu dọn phải đeo khẩu trang, sử dụng găng tay, đưa toàn bộ phần chất thải trên vào túi ni-lông, buộc chặt miệng túi trước khi đưa tới khu vực tiêu hủy.

Đặc biệt, trong trường hợp trẻ cắn, nuốt phải thủy ngân, gia đình cần giữ bình tĩnh để không sơ cứu sai cách. Cụ thể, cho trẻ súc miệng, nhổ bỏ toàn bộ phần vỡ của nhiệt kế. “Tuyệt đối không được móc họng, gây nôn dễ khiến cho trẻ sặc thủy ngân vào phổi hay nuốt phải các mảnh thủy tinh khiến hậu quả trầm trọng hơn”, BS Tâm nhấn mạnh và khuyến cáo các gia đình cần để nhiệt kế xa tầm với của trẻ, thận trọng khi sử dụng nhằm tránh dẫn tới tai nạn. 

Các dấu hiệu ngộ độc thủy ngân

Ngộ độc thủy ngân có triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, không điển hình, có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau.

Ngộ độc thủy ngân cấp tính qua đường hít có thể gây ho nhiều, cay sống mũi, khó thở, viêm phổi nặng và phù phổi, suy hô hấp. Ngoài ra còn gây rối loạn tiêu hóa, có cảm giác nôn nao, cháy rát ở miệng, thực quản, dạ dày, miệng có mùi kim loại. Trường hợp nặng gây đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa, hoại tử ruột ở trẻ nhỏ… Biểu hiện viêm lợi, hơi thở hôi, răng lung lay thường xuất hiện vào ngày thứ ba sau khi hít phải thủy ngân. 

Các trường hợp nặng còn có thể gây viêm não cấp, tổn thương thận, co giật, lơ mơ.

Trong trường hợp ăn, nuốt phải thủy ngân, bệnh nhân thường có biểu hiện ho, kích ứng phế quản, nôn, tiêu chảy, loét miệng, có đường viền xám ở lợi. Triệu chứng điển hình là run cả tay và chân, đi lại khó khăn, thậm chí gây thay đổi tính cách.

Thai nhi có nguy cơ tổn thương thần kinh nếu mẹ nhiễm độc thủy ngân

Hợp chất hữu cơ của thủy ngân là loại có độc tính cao nhất, đặc biệt là methyl thủy ngân. Chất này tan được trong mỡ, phần chất béo của các màng, trong não tủy và có thể ngấm qua nhau thai. Do đó, thai nhi cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì bộ não đang phát triển.

Nhiễm độc thủy ngân dẫn tới rối loạn chia nhiễm sắc thể. Khi người mẹ bị nhiễm độc, trẻ sinh ra thường chịu những tổn thương hệ thần kinh trung ương không hồi phục.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI