Ngộ độc do bia dỏm, rượu pha cồn công nghiệp

10/02/2022 - 06:17

PNO - Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết, khi mới uống rượu pha cồn công nghiệp, bệnh nhân có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.

 

Sau khi uống hai lon bia trong dịp tết vừa qua, anh Phạm Văn Nh. (ngụ H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã phải nhập viện vì bị ngộ độc. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng lơ mơ, mệt mỏi. May mắn là bệnh nhân nhập viện sớm, tình trạng bệnh chưa nặng nên chỉ sau vài ngày chữa trị đã được xuất viện. Bệnh nhân cho biết, chỉ uống bia và không dùng thức ăn nên nhiều khả năng là do ngộ độc bia. Các bác sĩ cũng nhận định có khả năng bệnh nhân bị ngộ độc do uống phải bia giả, kém chất lượng.

So với các năm trước, năm nay tình trạng ngộ độc bia, rượu tại tỉnh Đồng Nai có giảm. Thời điểm căng thẳng nhất là vào khoảng giữa tháng 10/2021, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận chữa trị cho 10 trường hợp bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu, trong đó nhiều ca nặng phải thở máy, thậm chí có ca tử vong. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Cấp cứu tổng hợp của bệnh viện, cho hay, tất cả bệnh nhân đều có chung tình trạng là lơ mơ, hôn mê. Một nửa số bệnh nhân phải thở máy, tiên lượng rất xấu. Họ đều bị ngộ độc methanol, rượu pha cồn công nghiệp. 

Điển hình như ông Trần Văn Chi (62 tuổi, làm bảo vệ cho một công ty bao bì tại H.Nhơn Trạch) đã được đưa vào Trung tâm Y tế Nhơn Trạch cấp cứu trong tình trạng hôn mê, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn hai bên sau khi uống rượu vào ngày 12/10/2021. Tình trạng bệnh nhân nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp tục chữa trị. Ông Chi được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày tá tràng. Nguyên nhân từ ngộ độc rượu, nghi vấn là pha từ cồn công nghiệp methanol. Ngay khi nhập viện, ông đã được thở máy và chăm sóc đặc biệt.

Cũng bị ngộ độc rượu, bệnh nhân T.H.K. (21 tuổi, tạm trú tại H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cũng phải thở máy. Vào ngày 12/10/2021, bệnh nhân được chuyển từ một phòng khám ở H.Nhơn Trạch lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng rối loạn tri giác, nhiễm trùng huyết đường tiêu hóa và đã phải lọc máu. Dù vậy, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng và tổn thương não lan tỏa hai bên, không còn khả năng hồi phục. Dù được chữa trị tích cực, nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết thêm, khi mới uống rượu pha cồn công nghiệp, bệnh nhân có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Nhiều người chủ quan, không nghĩ đến khả năng ngộ độc rượu nên đến bệnh viện muộn, ảnh hưởng đến tính mạng. Khi đến viện, họ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia. Nhưng nếu uống mà xuất hiện các triệu chứng như mệt, đau đầu, khó thở thì cần phải nhập viện sớm. 

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI