edf40wrjww2tblPage:Content
Căn nhà rách nát mà Trần Văn Trung đòi bán, chia đôi
“GIÀU” NÊN SINH TẬT?
Chị Nguyễn Thanh Phượng trước kia ở Q.8, TP.HCM. Năm 2002, chị gặp Trần Văn Trung và chung sống như vợ chồng với người đàn ông trẻ hơn mình đến bảy tuổi này. Dù cả hai nghề nghiệp không ổn định, lại phải ở chung căn nhà chật chội với ba mẹ chị Phượng, nhưng họ lần lượt có đến bốn đứa con. Ban đầu anh Trung cũng chịu khó kiếm sống, ai thuê gì cũng làm, từ phụ hồ, giăng lưới đến chăm người bệnh...
Cách đây bốn năm, khu nhà của mẹ chị Phượng bị giải tỏa, cùng lúc chị có cơ may: được người mua vé số (trúng giải đặc biệt) tặng hơn 60 triệu đồng. Vợ chồng con cái chị bồng bế nhau đi mua căn nhà nhỏ, vách tôn ở xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Chị Phượng kể: “Có nhà rồi thì mấy tháng sau, bỗng nhiên chồng sinh tật, tối ngày nhậu nhẹt và về đánh vợ con. Ban đầu tôi nín nhịn, nhưng đi làm về mệt mỏi, lại thấy chồng say xỉn, tôi chửi lại khi bị đòn roi của chồng”. Đó là thời điểm năm 2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền của xã Phước Lý phải vào cuộc, hòa giải giúp họ.
Nhờ Hội Phụ nữ xã tư vấn, hỗ trợ, chị Phượng gom tiền mua chiếc xe gắn máy cũ, hai vợ chồng vừa chạy xe ôm, vừa bán cá viên chiên. Cuộc sống có vẻ ổn định. Nhưng chỉ hai năm sau, Trung lại sa vào bài bạc, rượu chè. Mỗi lần anh ta thua bạc là vợ và các con phải chạy trốn. Bi kịch hơn, trong những lần chạy trốn này, chị Phượng phát hiện cậu con trai Trần Trung Bảo (sinh năm 2008) bị rối loạn cảm xúc, thường kích động đến run người, có khi còn nhào vào đánh người khác, đập phá đồ đạc.
Đưa con đi BV nhi đồng khám, các bác sĩ yêu cầu chuyển cháu qua BV tâm thần vì não có dấu hiệu bị tổn thương và rối loạn chức năng. Dù uống thuốc đều đặn, Bảo vẫn tăng động, dữ dằn. Cuối cùng, chị Phượng đành phải xích con trên giường để đi kiếm tiền.
Chị Phượng bên đứa con trai bị xích suốt ngày
BỊ ĐÒN VÌ KHÔNG CHIA TÀI SẢN
Chị Phượng nói: “Mấy năm trước, chồng tôi chỉ đi nhậu, nhưng sau này còn thêm tật bài bạc, gái gú. Có khi anh ấy “đi chơi” đâu đó, về khoe “chiến tích” trước mặt con cái, láng giềng, tôi vô cùng xấu hổ. Tôi nhắc thì anh ấy chửi bới, sau đó đòi bán nhà chia tài sản. Chơi bài, thắng, có tiền thì chồng đi đâu không biết, khi thua sạch túi về nhà lại mắng vợ, chửi con. Tôi kêu cứu hoài, công an không thèm vào cuộc nữa”.
Đêm 29/11 vừa qua, một lần nữa, chị Phượng gọi điện cho phóng viên đến giải cứu khỏi trận bạo hành của chồng. Qua điện thoại, phóng viên hướng dẫn chị Phượng trình báo chính quyền địa phương, gọi công an. Do chị Phượng mở loa điện thoại, Trung nghe được và thách thức: “Có giỏi thì xuống đây, kêu công an đi, nó kêu từ chiều tới giờ có ai xuống đâu. Chừng công an về hết rồi, tao đánh tiếp…”. Sau đó, chị Phượng kể rằng Trung tháo bugi chiếc xe gắn máy để chị không chạy kêu cứu đâu được.
Cuối cùng, do quá sợ hãi người chồng đang bị “ma men nhập”, chị Phượng cùng ba đứa con lớn trốn khỏi nhà. Nào ngờ giận vợ, Trung quay qua… cắn bầm tím tay và vai đứa con tâm thần đang bị xích trên giường.
Theo ông Phan Minh Kha, Trưởng công an xã Phước Lý, chuyện gia đình chị Phượng lộn xộn, xích mích là nỗi "đau đầu" của chính quyền địa phương. Ông nói: “Họ gọi công an suốt, y như phải có công an viên túc trực bên họ vậy. Ngày 1/10/2013, hai vợ chồng lại đánh chửi nhau. Khi chúng tôi mời lên công an xã, Trần Văn Trung lý giải đánh vợ là vì bị vợ chửi. Chị Phượng không tin tưởng sự chung thủy của chồng nên Trung cũng chán nản. Anh ta tỏ vẻ sợ khi đối diện với công an. Chúng tôi đề nghị hai vợ chồng cam kết không gây rối, mắng chửi nhau nữa. Thật tình, chúng tôi chưa xử phạt, vì nếu phạt hành vi này, mỗi người phải đóng đến 750.000đ, tiền đâu họ đóng?”.
Cánh tay bé Bảo bị cha cắn bầm tím đêm 29/11/2013 (ảnh chụp ngày 3/12/2013)
Quả thật, cuộc sống của gia đình nhỏ này cực kỳ khốn khó. Suốt 10 tháng qua, hai vợ chồng không có tiền để mua thuốc cho cháu Bảo. Tiền học phí của hai cháu lớn cũng phải khất nợ nhà trường. Tuy nhiên, công an xã không trả lời được tại sao khi bị chồng đe dọa, hành hung đêm 29/11, chị Phượng kêu cứu mà công an viên trực ban làm ngơ.
Bà Ngô Thị Quyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Lý cho biết: “Chính quyền xã, ấp rất quan tâm đến trường hợp này. Dù họ chỉ về đây tạm trú ở khu vực nhà tự phát, nhưng thấy hoàn cảnh anh chị quá khó khăn, chính quyền đã hỗ trợ, giảm bớt thủ tục để chị Phượng và bốn cháu nhỏ nhập hộ khẩu. Công an xã cũng đề xuất cho cháu Bảo hưởng chế độ tàn tật để được khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Với tình trạng hôn nhân của anh Trung và chị Phượng, chúng tôi không còn cách nào khác là kiên trì hòa giải. Bản thân chị Phượng cũng không dứt khoát, mà chỉ muốn dằn mặt anh Trung là chính!”.
Chị Phượng kêu trời: “Tôi đâu muốn hòa giải nữa mà chỉ muốn dứt khoát với anh ta. Làm sao trục xuất anh ta khỏi nhà để mẹ con tôi không phải chịu đòn roi của anh ta nữa”.
Cả lãnh đạo công an lẫn Hội Phụ nữ xã đều cho biết sẽ sớm đề xuất đưa ra khu dân cư để giải quyết mâu thuẫn của đôi vợ chồng này. Tuy nhiên, qua ghi nhận của phóng viên, nếu chính quyền Phước Lý không mạnh tay xử phạt, răn đe, thì những đứa trẻ trong ngôi nhà này mãi sẽ phải còn sống trong cảnh bạo lực gia đình.
NGHI ANH
CHÍNH QUYỀN PHẢI MẠNH TAY Theo tôi, vì anh Trung và chị Phượng không đăng ký kết hôn, nên cuộc hôn nhân này không được pháp luật công nhận, theo điều 11 và 14 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ). Vì thế, chị Phượng không phải chia đôi bất cứ tài sản gì với anh Trung, nhất là khi những tài sản đó chị sắm được từ tiền do người trúng vé số tặng. Trường hợp muốn chính thức hủy cuộc hôn nhân này, chị có thể gửi đơn đến tòa án huyện nơi cư trú, xin không công nhận là vợ chồng. Tuy nhiên, dù hôn nhân của chị không được luật pháp công nhận, nhưng trên khai sinh của bốn đứa trẻ, anh Trung đều đứng tên cha, nên anh có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng con của mình. Vì vậy, khi anh gây bạo lực với con, bỏ bê không chăm sóc con, chị có thể thay mặt các con tố cáo hành vi này đến công an và chính quyền nơi cư ngụ (điều 34 và 107 Luật HN&GĐ và Luật Phòng chống bạo lực gia đình), thậm chí có thể kiện đòi anh phải cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật. Riêng việc chị Phượng bị anh Trung hành hạ, đánh đập vì không chịu bán nhà, chia đôi tài sản, chị cần kiên quyết tố cáo sự việc này ra công an. Cơ quan công an sẽ lập biên bản (như lần vi phạm ngày 1/10/2013). Trường hợp thương tích không đủ nặng để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sau đó, nếu anh Trung tái phạm, và có sự trình báo của chị, công an xã buộc phải áp dụng Nghị định 163, xử phạt và đưa ra giáo dục anh tại cộng đồng dân cư. Trường hợp tái phạm lần nữa, chính quyền cần lập hồ sơ, đưa anh Trung đi giáo dục lao động. Tôi cũng không đồng tình với cách lý giải của Hội Phụ nữ, viện cớ chị Phượng “không muốn dứt khoát mà chỉ muốn dằn mặt anh Trung là chính”, nên không có biện pháp giải quyết cho chị Phượng thoát nạn bạo hành. Luật sư Trịnh Thị Bích (Đoàn luật sư TP.HCM) |