Gần đây, khi lên TikTok để chia sẻ trải nghiệm mua sắm tại Sephora, nữ sinh viên Chloe Grace đã vô tình tạo nên một hiện tượng lan truyền có tên “Sephora Kids”. Chloe đã hỏi hàng ngàn người theo dõi rằng liệu họ có nhận thấy các cửa hàng Sephora ở địa phương mình tràn ngập các cô gái tuổi teen hay không.
Hashtag “Sephora Kids” đã có hàng trăm triệu lượt xem trên TikTok. Hầu hết những video đó đều mang nội dung người lớn phàn nàn về việc trẻ em lãng phí hàng mẫu, thô lỗ với nhân viên và chi nhiều tiền mua các sản phẩm dành cho người lớn.
|
Mạng xã hội và ngành công nghiệp làm đẹp thường thể hiện những hình mẫu phụ nữ lý tưởng, khiến các cô gái trẻ muốn trông trưởng thành và sành điệu hơn - Nguồn ảnh: Internet |
“Sephora Kids” dùng để chỉ trẻ em và thanh thiếu niên mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ sản phẩm làm đẹp, đôi khi đăng video về quy trình chăm sóc da của mình lên mạng, giống như những người có ảnh hưởng mà trẻ theo dõi.
Trẻ em có bản chất tò mò và có xu hướng bắt chước những hành vi quan sát được ở người lớn. Xu hướng “Sephora Kids” có thể được coi là sự mở rộng của quá trình phát triển này. Giống như trẻ em chơi với búp bê hoặc tham gia các trò chơi nhập vai, giờ đây, chúng có thể khám phá thế giới làm đẹp và chăm sóc da cho trẻ như một cách để thể hiện bản thân và bắt chước người lớn xung quanh. Tuy nhiên, mối lo ngại nảy sinh khi trẻ tiếp xúc với các sản phẩm có thể quá khắc nghiệt đối với làn da non nớt và nhạy cảm.
Cả thế hệ phụ nữ lớn tuổi và các nhà lão khoa xã hội đều lưu ý đến những tác động mà mạng xã hội và áp lực xã hội đang gây ra đối với các cô gái trẻ cũng như thái độ của trẻ đối với sự già đi.
Sự phổ biến của tiếp thị sắc đẹp
Nicholette Leanza - cố vấn lâm sàng chuyên nghiệp được cấp phép của LifeStance Health - cho biết: “Phương tiện truyền thông xã hội khuếch đại cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở giới trẻ bằng cách tấn công vào thanh thiếu niên bằng những tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế và các bộ lọc do AI tạo ra làm trầm trọng thêm vấn đề bằng cách khiến trẻ có cảm giác sai lệch về vẻ đẹp và sự trưởng thành. Mạng xã hội và ngành công nghiệp làm đẹp thường thể hiện những hình mẫu phụ nữ lý tưởng, khiến các cô gái trẻ muốn trông trưởng thành và sành điệu hơn”.
|
Hiện tượng “Sephora Kids” được cho là mang đến cho người lớn cơ hội kiểm tra thái độ của chính mình về sự lão hóa - Nguồn ảnh: Getty Images |
Kathy Peiss - nhà sử học Kathy Peiss, tác giả cuốn Hope in a Jar: The Making of America's Beauty Culture (tạm dịch: Hy vọng trong chai: Sự hình thành văn hóa sắc đẹp của nước Mỹ) - chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là các bé gái, bị cuốn vào cơn thịnh nộ tiếp thị của thế kỷ XX như thế nào. Trước Thế chiến thứ hai, đồ trang điểm chủ yếu được tiếp thị cho phụ nữ độ tuổi từ 20 trở lên và nhiều người đã dựa vào các công thức pha chế tự chế để hoàn thiện làn da của mình. Nhưng từ những năm 1940, các công ty mỹ phẩm bắt đầu tập trung vào phân khúc thị trường và thiết kế quảng cáo dành riêng cho thanh thiếu niên và trẻ em.
Cả 2 nhóm đều có những sản phẩm nổi bật riêng: sản phẩm trị mụn và các mặt hàng theo xu hướng dành cho thanh thiếu niên, bộ đồ chơi trang điểm dành cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, các sản phẩm chống lão hóa là mong muốn duy nhất của phụ nữ lớn tuổi để giữ gìn vẻ ngoài của mình. Đó có lẽ là lý do thanh thiếu niên chưa bao giờ nghĩ đến việc mua chúng.
Hiện tại, phương tiện truyền thông xã hội giúp trẻ tiếp xúc với những người có ảnh hưởng về sắc đẹp lớn tuổi hơn - những nhân vật của công chúng thường nói về việc họ sử dụng dịch vụ chăm sóc da chống lão hóa, botox và các quy trình thẩm mỹ khác. Những sản phẩm đó hiện diện khắp nơi và thanh thiếu niên ngày nay có nhiều khả năng mua chúng hơn. Hiện tượng ấy phổ biến đến mức các hãng mỹ phẩm lớn đang phải tránh xa. Unilever thậm chí còn phát động một chiến dịch “nhằm bảo vệ lòng tự trọng của các cô gái khỏi áp lực chăm sóc da chống lão hóa”.
90% người dùng chỉnh sửa ảnh tự chụp trước khi đăng
Các ứng dụng như Facetune và các công cụ chỉnh sửa ảnh dễ sử dụng trên điện thoại đã giúp việc có được khuôn mặt không tì vết trong những bức ảnh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Sự phổ biến của các bộ lọc thậm chí còn thúc đẩy phong trào phản đối của chính nó - #nofilter - trong đó mọi người tuyên bố sẽ đăng những bức ảnh “mộc” về khuôn mặt chưa được “lọc” của họ. Nhưng xu hướng #nofilter ít phổ biến hơn. Các nghiên cứu cho thấy có tới 90% người dùng chỉnh sửa ảnh tự chụp của mình trước khi đăng.
Điều đó gây ra hậu quả trong thế giới thực. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2023, những người tham gia chỉnh sửa ảnh của bản thân có nhiều khả năng nhận thấy mình kém hấp dẫn. Họ cũng tham gia cái mà các nhà lý thuyết gọi là sự tự khách quan hóa: tiếp thu những gì người bên ngoài có thể nghĩ về ngoại hình họ thay vì ưu tiên hình ảnh bản thân. Sự tự khách quan hóa có liên quan đến sự xấu hổ về cơ thể, rối loạn ăn uống và rối loạn tâm trạng như trầm cảm.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em, thanh thiếu niên đôi khi sử dụng ảnh tự chụp để tìm kiếm sự chấp thuận từ bạn bè cũng như để kiểm soát chứng rối loạn cơ thể - một căn bệnh tâm thần tập trung một cách ám ảnh vào những “khuyết điểm” về ngoại hình của ai đó. Và mạng xã hội có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Trong một cuộc khảo sát vào năm 2022, cha mẹ của những đứa trẻ từ 8 đến 18 tuổi tự ti về ngoại hình cho biết rằng hình ảnh bản thân của con họ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội nhiều hơn so với đời thực.
Khi người lớn sợ lão hóa
Có một câu hỏi là liệu làn da nhạy cảm (và không có nếp nhăn) của trẻ có thể chịu được các thành phần được thiết kế để làm mờ nếp nhăn hay không. Người ta cũng chưa rõ xu hướng tiêm botox phòng ngừa - được thiết kế để ngăn chặn nếp nhăn xuất hiện ngay từ đầu - có ý nghĩa gì đối với làn da trẻ.
Chứng kiến những hiện tượng này, nhà báo Erin Blakemore thêm lo lắng về việc ngày càng có ít khuôn mặt già đi trên mạng sẽ ảnh hưởng thế nào đến cảm giác thực tế và sự tự nhận thức của trẻ khi chúng bắt đầu già đi.
Nhà xã hội học và giáo sư Đại học British Columbia Laura Hurd chỉ ra rằng nỗi sợ lão hóa dẫn đến những hậu quả thực sự đối với người lớn tuổi, từ chủ nghĩa phân biệt tuổi tác đến các thực hành thể chế và loại trừ xã hội, sự mất nhân tính và gây nguy hiểm cho người lớn tuổi. Nghiên cứu của Hurd cho thấy sự kỳ thị của xã hội gây tổn hại đến lòng tự trọng của người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác thậm chí có thể thúc đẩy việc lạm dụng người cao tuổi. Hiện tượng “Sephora Kids” được cho là mang đến cho người lớn cơ hội kiểm tra thái độ của chính mình về sự lão hóa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tập trung vào các đặc điểm chưa hoàn thiện trên gương mặt, chúng ta cân nhắc xem việc có nhiều nếp nhăn, chảy xệ và sẹo sẽ là một đặc ân của tuổi tác như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dạy bọn trẻ cách nhận biết bộ lọc, phát hiện deepfake - một kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật - hoặc xác định các dấu hiệu nhận biết về việc chỉnh sửa ảnh nặng nề?
Nghe có vẻ khó tin nhưng như Hurd đã chỉ ra, có nhiều cách để chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác: ủng hộ các chính sách hỗ trợ người lớn tuổi, gần gũi, giúp đỡ họ và tìm cách hòa nhập vào đời sống xã hội của họ...
Hà Thụy