“Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…”

07/01/2020 - 07:40

PNO - Nguyễn Thành Luân giờ đây đã hội ngộ với nguyên mẫu - đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, với tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý, với đạo diễn Lê Hoàng Hoa… những người đã từng làm nên tuyệt phẩm Ván bài lật ngửa để đời

 

Khoảng giữa năm 1982, khi bộ phim Ván bài lật ngửa quay được hơn một nửa tập đầu (trong tổng số tám tập) thì bị ngưng đột ngột, đoàn phim phải tạm nghỉ để chờ tìm người thay diễn viên nam chính. Vì sau khi xem bản nháp, Ban giám đốc Xưởng phim Giải phóng (tiền thân Hãng phim Giải phóng) thấy chưa ra… Nguyễn Thành Luân, một nhân vật đại tá tình báo cách mạng, mặc dù người đảm nhận vai này vốn là một sĩ quan tình báo thật ngoài đời. 

Đạo diễn Lê Hoàng Hoa thở dài, anh nói, khó quá, tìm đâu ra một người vừa đóng phim hay vừa có… lý lịch “sạch” như yêu cầu bây giờ? Khoảng hơn một tháng sau, nghe nói đoàn phim đã tìm được người và phải quay lại từ đầu, tôi đến làm bài phỏng vấn, thì vị đạo diễn cố tình giữ bí mật cho đến phút chót. Không phải ông khó khăn gì, chỉ là ông sợ nói trước bước không qua, lỡ mà “phút 89” lại gặp trục trặc.

Thì ra người ấy là Nguyễn Chánh Tín, một gương mặt tài tử trẻ vốn đã nổi tiếng ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1970 với giọng ca ngọt ngào và dáng vẻ đẹp trai, hào hoa. Mới chỉ quay được một ít phân đoạn, song đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã thở phào nhẹ nhõm. Ông cười báo tin: “Ai cũng đồng ý đây đích thị là Nguyễn Thành Luân!”.

Ván bài lật ngửa được quay theo kiểu cuốn chiếu, phải đến 5 năm mới xong. Nhưng khi tập một vừa ra mắt, bộ phim đã tạo ra một cơn “địa chấn” về phát hành. Bởi đây là lần đầu tiên, một phim Việt Nam có số doanh thu “đè bẹp” các phim ngoại vốn đang rất ăn khách của Liên Xô, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức… Điều đó càng trở thành động lực, khiến tập sau hay hơn tập trước.

Năm nào Ván bài lật ngửa cũng dẫn đầu doanh số phòng vé, trở thành hiện tượng có một không hai trong điện ảnh Việt Nam. Và nhân vật Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín cũng đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà, như một hình tượng người chiến sĩ tình báo cách mạng có sức hấp dẫn và được yêu mến nhất cho đến nay, sau gần bốn thập niên. 

Cuộc gặp gỡ giữa đạo diễn Lê Hoàng Hoa và Nguyễn Chánh Tín, tuy là sự sắp đặt tình cờ của duyên định, song họ đã khá hợp nhau trong cách làm việc chỉn chu, nghiêm túc cũng như trong định hướng thẩm mỹ cho nhân vật. Hình ảnh đầy quyến rũ của Nguyễn Thành Luân hiện ra ở đầu mỗi tập phim với chiếc mũ phớt, áo pardessus, dáng cao ráo, bước xuống từ chiếc xe Traction Citroen đen, bước đi cô đơn trong rừng cao su giữa bốn bề gió xào xạc… phần nào gợi nhớ đến nam tài tử lừng danh của Pháp mà cả hai đều say mê: Alain Delon. Cũng với phong thái đĩnh đạc, lịch lãm, đẹp từ ngoại hình đến giọng nói trầm ấm, khoan thai, truyền cảm, Nguyễn Chánh Tín trên sân khấu đoàn kịch Bông Hồng thuở ấy đã cùng Thẩm Thúy Hằng hợp thành một cặp đào kép có sức hút mạnh mẽ trong các vở kịch như Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong vai  đại tá Nguyễn Thành Luân phim Ván bài lật ngửa
Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong vai đại tá Nguyễn Thành Luân phim Ván bài lật ngửa

Có được vẻ đẹp ngoại hình trời phú, cùng giọng hát hay thiên bẩm, Nguyễn Chánh Tín đã sớm thành danh. Anh được phòng trà Queen Bee mời về hát khi chưa đầy 20 tuổi. Rồi, từ phòng trà, anh được đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đưa vào phim Đời chưa trang điểm. Từ thành công của phim Đời chưa trang điểm với giải nghệ sĩ mới, anh lại được đạo diễn Lê Mộng Hoàng trao vai trong phim Vĩnh biệt tình hè

Nhưng rồi, cuộc đời anh tiếp nối khá nhiều thăng trầm, có lúc anh và vợ, ca sĩ Bích Trâm phải đi bán thơm, bán rau muống kiếm sống. Ngay cả thời gian đóng phim Ván bài lật ngửa, để “trụ” được với Nguyễn Thành Luân trong thời gian 5 năm trên phim trường, Nguyễn Chánh Tín đã phải lấy giọng ca nuôi vai diễn, vì cát-sê đóng một tập phim trong sáu tháng chỉ bằng một đêm đi hát. Vậy mà, vì mê diễn, hễ có phim là anh sẵn sàng bỏ sô, khăn gói lên đường.

Gần nửa thế kỷ theo điện ảnh, với nhiều vị trí, từ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, đến chủ hãng phim… anh đều làm với tất cả nhiệt huyết, sự quyết tâm và đầy tự tin. Thế nhưng, điều đọng lại sâu đậm nhất, rực rỡ nhất trong lòng công chúng khi nhớ đến anh, vẫn là hình ảnh gần như không có đối thủ: Nguyễn Thành Luân. Và có lẽ, với một nghệ sĩ, chỉ cần như vậy, đã là quá đủ!

Sau 26 năm ngừng ca hát, những năm gần đây, anh quyết định trở lại sân khấu âm nhạc với ước mong tìm lại cảm giác của những ngày xưa cũ, như tham gia chương trình Tình khúc vượt thời gian, live show Quê hương biển gọi… Anh còn dự định sẽ biểu diễn hằng tuần ở phòng trà; tổ chức các chương trình Chánh Tín và bạn hữu, từ âm nhạc, kịch nghệ cho đến điện ảnh… anh muốn đem sức lực cuối đời để cống hiến… Thế nhưng, những lo âu phiền muộn từ sự thất bại trong kinh doanh, những tai nạn, trắc trở trong làm nghề đã làm sức khỏe anh bị bào mòn mà dường như anh cố tình quên đi, cho dù anh đã từng nói: “Tôi muốn ngày đầu tiên tham gia nghệ thuật bằng ca hát thì cuối đời cũng trở lại với nghiệp hát ca để ra đi cho thanh thản”.

Ngày đầu tiên ra mắt con đường ca sĩ chuyên nghiệp, ở phòng trà Queen Bee 50 năm trước, Nguyễn Chánh Tín đã thành công ngay với ca khúc Nghìn trùng xa cách (Phạm Duy) và sau đó, cũng chính nhạc sĩ Phạm Duy đã đỡ đầu cho anh trong nghề ca hát. Và giờ đây, sau khi trở lại nghiệp ca hát chưa lâu để “rồi mình ra đi thanh thản”, anh đã thật sự “… nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi…”. Nguyễn Thành Luân giờ đây đã hội ngộ với nguyên mẫu - đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, với tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý, với đạo diễn Lê Hoàng Hoa… những người đã từng làm nên tuyệt phẩm Ván bài lật ngửa để đời.

Anh đi bình an nhé, Nguyễn Thành Luân - Chánh Tín! 

Cát Vũ

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI