Nghìn trùng xa cách: Bản phối chưa trọn

04/03/2013 - 19:12

PNO - PN - Nhìn vào danh sách tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ trong đêm nhạc Nghìn trùng xa cách tối 2/3, người ta có thể khẳng định ngay đó là một chương trình “năm sao”.

Ba tác giả Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy là những tên tuổi lớn của tân nhạc Việt Nam. Các ca khúc như Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Lá đổ muôn chiều, Gửi người em gái, Mùa thu chết, Ngậm ngùi... đều in dấu trong lòng khán giả mộ điệu nhiều thế hệ. Quyền Văn Minh, Phú Quang, Trần Mạnh Tuấn, dàn nhạc dây của Nhà hát giao hưởng TP.HCM, Hải Phượng, Đinh Hà Linh... là những nhạc sĩ, nhạc công, nghệ sĩ đủ khiến người khác nghiêng mình khi nghe nhắc đến tên. Cũng không ai có thể chê được các giọng ca như Ánh Tuyết, Thanh Lam, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Tùng Dương - những danh ca nhạc Việt đương thời. Không ngạc nhiên vì sao khán giả đã tìm đến, lấp đầy sân khấu Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Những ai đến với Nghìn trùng xa cách để nghe hát, nghe nhạc, xem cuộc trình diễn ánh sáng, âm thanh từ bán cổ điển đến jazz, new wave, ca trù... có lẽ đã thỏa lòng. Nhưng, nếu đến với hy vọng sẽ được chứng kiến sự thăng hoa của âm nhạc, sẽ khó tránh cảm giác thất vọng.

Chuỗi ca khúc mở màn của Ánh Tuyết đã không thành công như lẽ ra phải thế. Chị đã không thể kiểm soát được giọng hát của mình qua những tác phẩm hết sức quen thuộc. Ngay cả bản Trương Chi - bài hát xem như đã thuộc về Ánh Tuyết, không ai có thể hát tốt hơn, chị vẫn bỏ mất một câu vì sự chuệch choạc với nhạc. Ánh mắt ngỡ ngàng, động tác ngừng lắc vai đột ngột của Hải Phượng ở đoạn giang tấu, khi chị đang say sưa dõi theo dàn nhạc dây đã báo động cho những gì diễn ra tiếp theo. Lưu Hiền Trinh bỏ một câu bản Mùa xuân đầu tiên, Thanh Lam hát sai lời Buồn tàn thu. Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone với “phần đệm” là tiếng nổ, rột rẹt khó chịu của dàn loa công suất lớn... Cứ thế, những nhạc sĩ, nhạc công tài năng và các ca sĩ ngôi sao đã phải vận dụng kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu, năng lực chuyên môn để đuổi bắt nhau, cố gắng hòa điệu thay vì cùng nhau tỏa sáng.

Nghin trung xa cach: Ban phoi chua tron
Một đêm nhạc với nhiều tài năng lại thiếu hẳn vị chỉ huy đủ tầm kết hợp,
không thể thành công như mong đợi - Ảnh: P.T.N.

Không thể phủ nhận nỗ lực cách tân của các nghệ sĩ khi họ quyết định làm mới những ca khúc cũ. Những ai từng nghe Văn Cao theo cách thông thường sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị qua những bản phối mới mang màu sắc new wave. Không gian âm nhạc Đoàn Chuẩn khi được chuyển hóa qua jazz đã bay bổng hơn. Nhưng phải chăng khi bị tách ra khỏi những cái kiến tạo nên mình mà tinh thần của nhiều tác phẩm đã trở nên sai lệch? Nghe Thanh Lam, Tùng Dương phô diễn kỹ thuật với Kiếp nào có yêu nhau, đôi tình nhân ngồi ngay hàng ghế VIP quay sang, lắc đầu: “Hát thế này thì em chẳng mong kiếp sau lại yêu nhau”. Nỗi buồn sâu thẳm nhưng thanh thoát, bi nhưng không lụy của cô gái trong ca khúc Văn Cao, nỗi nhớ xé lòng đến tàn cả một mùa thu đã trở nên quằn quại, rũ rượi, nhiều oán thán khi được Thanh Lam thể hiện...

Nếu xem Nghìn trùng xa cách là một tác phẩm, tác phẩm ấy có đầy đủ mọi yếu tố để trở thành tuyệt phẩm. Nhưng khi những yếu tố tưởng chừng hoàn mỹ ấy được kết hợp lại tạo ra một tổng thể rời rạc không thể hòa quyện. Trên sân khấu Nhà hát Hòa Bình, trước mặt dàn nhạc nhẹ, dàn dây và dàn nhạc cổ là một Phú Quang lồng lộng trong vai trò nhạc trưởng. Nhưng bản giao hưởng mang tên Nghìn trùng xa cách tối 2/3 lại thiếu hẳn một chỉ huy đủ tầm điều phối bản tổng phổ nhiều cá tính.

HOÀNG HƯNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI