Nghiệt ngã án oan - Bài cuối: Nỗi đau không thể tính bằng tiền

26/11/2013 - 11:15

PNO - PN - Tháng 9/2011, một phiên tòa ở Đài Loan đã chính thức minh oan cho binh nhì Chiang Kuo-Ching, công nhận anh hoàn toàn vô tội. Gia đình Chiang được bồi thường hơn ba triệu USD. Tổng thống Đài Loan và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chính thức...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nghiet nga an oan - Bai cuoi: Noi dau khong the tinh bang tien

Me Chiang Kuo-Ching bên di ảnh con trai chết oan. Ảnh: Want China Times

Cách điều tra kỳ lạ

Ngày 12/9/1996, bé gái năm tuổi Hsieh bị hãm hiếp và giết chết trong phòng vệ sinh của một nhà hàng trong khu vực quân sự gần Taipei. Chiang Kuo-Ching, 20 tuổi, là binh nhì của một đơn vị không quân đồn trú tại đấy. Sáu ngày sau khi phát hiện sự việc, người ta bắt giữ Chiang cùng hai nghi can khác để điều tra. Người ta đã dùng... máy phát hiện nói dối để rà soát bước đầu. Từ kết quả của máy, hai nghi can kia được thả, còn lại mỗi mình Chiang, coi như các điều tra viên đã xác định được thủ phạm, chỉ cần chờ Chiang nhận tội là xong. Để sớm xong việc, người ta đã tra tấn Chiang suốt 37 giờ liên tục, cho đến khi anh hoàn toàn sụp đổ, đành... nhận đại.

Không có bất kỳ nhân chứng nào nhìn thấy Chiang phạm tội. Bản thân anh cũng đã rút lại lời khai khi ra tòa, nói mình chỉ khai bừa để không bị tiếp tục tra tấn. Nhưng, bấy nhiêu không đủ. Phe luận tội đưa ra vật chứng là một chiếc khăn giấy tìm được tại hiện trường, với dấu vết bị cho là tinh dịch của Chiang. Tòa án quân sự kết tội tử hình Chiang và thi hành án ngày 13/8/1997.

Trước khi chết, Chiang gửi cho gia đình một bức thư, trong đó ghi tên những người đã tra tấn để buộc anh nhận tội. Gia đình Chiang đã không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để minh oan cho người đã khuất. Rút cuộc, vụ án được Tòa tối cao của Đài Loan mở lại vào năm 2010. Đến thời điểm này, khoa học kỹ thuật đã có những bước tiến lớn. Những dấu vân tay và vết tích lòng bàn tay dính máu tại hiện trường vẫn được lưu giữ. Thêm vào đó là một sợi lông dính vào đùi của nạn nhân, có giá trị quan trọng trong việc xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm cho thấy: Chiang không phải là thủ phạm. Còn mảnh khăn giấy có dấu vết “tinh dịch của Chiang” thì đúng là Chiang đã sử dụng thật, nhưng chỉ là để... hỉ mũi!

Cũng trong quá trình xét lại vụ án, người ta phát hiện các điều tra viên trước đây đã bỏ sót Hsu Jung-Chou, cũng là một quân nhân đồn trú tại nơi xảy ra án mạng hồi năm 1996. Jung-Chou đã phải ngồi tù vì nhiều vụ trọng án khác, được thả vào năm 2010. Chou lập tức bị bắt giữ vào ngày 12/1/2011 và sau ba tháng điều tra, mọi chuyện trở nên rõ ràng: Chou mới chính là thủ phạm đã hãm hiếp và giết hại bé gái Hsieh.

Chiang chết oan đã đành, nhưng bố anh cũng kém may mắn khi đã qua đời không lâu trước khi vụ án được đưa ra ánh sáng. Đó không phải là tình tiết bất công duy nhất đối với những người trực tiếp liên quan đến vụ án Chiang Kuo-Ching. Các điều tra viên đã tra tấn Chiang đều không phải chịu bất cứ hình phạt nào, do vụ án đã hơn 10 năm, họ được miễn trừ trách nhiệm theo luật định!

Nghiet nga an oan - Bai cuoi: Noi dau khong the tinh bang tien

Mẹ của Chiang Kuo-Ching thắp hương bên bàn thờ con - Ảnh: AP

Đài Loan tử hình quá nhiều?

Theo luật, mức bồi thường tối đa cho những người phải chịu tù oan ở Đài Loan là một triệu USD. Do vụ án của Chiang quá đặc biệt, được dư luận quan tâm và quan trọng là thiệt hại quá lớn (Chiang bị hành hình khi mới 21 tuổi) nên các nhà làm luật tại Đài Loan đã phải thông qua một sự điều chỉnh để nâng mức đền bù thiệt hại cho gia đình Chiang lên 3,43 triệu USD. Đó là tổng số tiền đền bù cho việc ngồi tù oan và thu nhập ước tính của Chiang từ 21 đến 77 tuổi (77 là tuổi thọ trung bình của đàn ông Đài Loan). Tất nhiên, chẳng có cách nào đền bù cho được cái chết oan uổng của một quân nhân hãy còn rất trẻ. Dù sao thì sự đã rồi, Đài Loan cũng là một trong số ít chính quyền trên thế giới can đảm thừa nhận sai lầm và xin lỗi về một án tử hình sai. Vấn đề đặt ra là họ có nên xét lại số lượng án tử hình quá nhiều?

Đài Loan quả là có chùn tay sau vụ Chiang Kuo-Ching. Trước năm 2000, số lượng án tử hình tại đây rất cao. Theo nhận định của giới quan sát, luật lệ quá hà khắc ở Đài Loan phần nào liên quan đến môi trường chính trị luôn căng thẳng tại đây. Năm 2005, Đài Loan chỉ thi hành ba bản án tử hình. Cũng không có tử tù nào bị hành quyết trong khoảng thời gian 2006-2009. Nhưng, từ năm 2010, án tử hình rộ lên ở Đài Loan, khiến các tổ chức kêu gọi hủy bỏ án tử hình trên thế giới phải lên tiếng. Chỉ trong năm nay, đã có tình huống hành quyết sáu tử tù chỉ trong một ngày, và đó là lần thứ hai trong vòng sáu tháng, Đài Loan thi hành cùng lúc sáu bản án tử hình.

Mức án tử hình đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt tại Đài Loan, đến mức người ta phải tổ chức trưng cầu dân ý (số đông vẫn tán thành sự tồn tại của án tử hình, nhưng muốn hạn chế số lượng). Từng có một nữ bộ trưởng tư pháp tại Đài Loan từ chức đơn giản chỉ vì đức tin về mặt tôn giáo, bà không được phép ký vào những mệnh lệnh hành quyết.

 MỸ HẠNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI