edf40wrjww2tblPage:Content
Kirk Bloodsworth được thả nhờ kết quả xét nghiệm ADN
Năm nay, Maryland vừa trở thành bang thứ 18 ở Mỹ bãi bỏ án tử hình. Kirk Bloodsworth là một trong những người đã đấu tranh không mệt mỏi cho vấn đề này. Khẩu hiệu của Bloodsworth: “Bạn có thể thả một người trong tù, chứ không thể thả một người dưới mồ”. Hơn ai hết, Bloodsworth hiểu rõ: luôn có một xác suất oan nhất định trong các bản án tử hình. Những trường hợp như thế, một khi đã lỡ thi hành án, thì không còn cứu vãn được.
Tội ác tày trời
Ngày 25/7/1984, người ta phát hiện xác chết của cô bé chín tuổi Dawn Hamilton trong một khu rừng ở ngoại ô Baltimore. Cô bé bị hãm hiếp trước khi bị giết một cách man rợ. Bloodsworth cư ngụ gần đó và có dáng vẻ bên ngoài phù hợp với lời khai của các nhân chứng, về một người đàn ông đã xuất hiện ở khu rừng vào thời điểm xảy ra án mạng. Khi xảy ra vụ án, Bloodsworth lại bỗng nhiên mất tích. Cũng có nhân chứng kể, Bloodsworth thú thật là vừa làm một điều không phải với vợ mình.
Về sau, trong quá trình xét xử, Bloodsworth giải thích “việc làm không phải với vợ” là ông đã không mua một món ăn theo yêu cầu của vợ trong ngày hôm ấy. Vì nghĩ không nên đôi co với vợ trong hoàn cảnh ấy, Bloodsworth đã bỏ đi bù khú với bạn bè. Ông còn nói với mẹ vợ là mình sẽ trở về nhà bố mẹ ruột trong vài ngày. Chính mẹ vợ của Bloodsworth đã khai báo với cảnh sát về sự vắng mặt của con rể trong ngày hôm ấy.
Những chi tiết như thế đã dẫn cảnh sát điều tra và các quan tòa ở Baltimore đến kết luận: Bloodsworth chính là thủ phạm của vụ giết người. Không thể thoát khỏi án tử hình với một vụ giết người dã man như thế.
Kirk Bloodsworth tiếp tục đấu tranh để ngăn chặn án oan
Bị dọa giết trong tù
Bloodsworth tiếp tục kêu oan tại tòa án cao nhất ở Maryland. Các luật sư của ông nêu ra việc còn có vài người khác nằm trong diện nghi ngờ, nhưng cảnh sát đã bỏ qua. Phải chăng, vì tính chất quá dã man của vụ án mà dư luận căm phẫn, gây áp lực buộc các điều tra viên phải nhanh chóng xác định thủ phạm? Tại phiên tòa này, Bloodsworth có một chiến thắng nho nhỏ, đủ để ông duy trì cuộc chiến đòi lại lẽ phải: thay cho hình phạt tử hình là mức án chung thân.
Trong tù, Bloodsworth còn bị các tù nhân khác kỳ thị ra mặt. Tất nhiên, một kẻ mang tội danh hãm hiếp và giết man rợ một bé gái chín tuổi là rất đáng bị khinh bỉ, dù những kẻ khinh bỉ Bloodsworth cũng chỉ là thành phần đầu trộm đuôi cướp. Đã nhiều lần Bloodsworth bị các tù nhân khác dọa giết.
Ông gửi thư cầu cứu khắp nơi, nhưng ai quan tâm đến thư của một con người như thế? Rồi ông đọc sách. Đọc hàng ngàn cuốn cho đến khi gặp cuốn sách có tựa đề The Blooding của Joseph Wambaugh. Trong sách, một viên cảnh sát ở Los Angeles đã kể về chuyện người Anh dùng ADN để xác định hung thủ. Bloodsworth tỉnh táo hẳn ra. Đã có ánh sáng cuối đường hầm.
Kết quả xét nghiệm lịch sử
Bloodsworth nói với luật sư về ý tưởng xét nghiệm ADN. Ban đầu, luật sư Robert Morin buồn bã nhắc lại: FBI đã xem xét kỹ dấu vết tinh dịch đọng trên quần lót của nạn nhân trong quá trình điều tra, nhưng không phát hiện điều gì. Dù sao, còn nước còn tát, luật sư Morin gửi chiếc quần lót đến California cho Ed Blake - cha đẻ của ngành xét nghiệm ADN ở Mỹ. Điều may mắn đối với Bloodsworth là giới hữu trách thời ấy giữ gìn các vật chứng rất kỹ. Chiếc quần lót đã không bị bỏ đi sau khi FBI kết luận không có chi tiết gì đáng kể. Bản thân Morin cũng có chút hy vọng vì ông biết: ADN vẫn có thể hiện diện trong mẫu tinh dịch đã khô suốt nhiều năm. Sau một năm hồi hộp chờ đợi và bỏ ra khoảng 10.000 USD để trang trải chi phí, rốt cuộc luật sư Morin cũng nhận được kết quả tuyệt vời từ phòng thí nghiệm tư nhân của Ed Blake: tinh dịch trên chiếc quần lót không phải là của Bloodsworth!
Trước đó, các công tố viên cùng cảnh sát, quan tòa và luật sư Morin đã thỏa thuận: họ phải công nhận kết quả xét nghiệm khách quan của Ed Blake. Phần còn lại của câu chuyện cũng là một con đường dài nhưng không khó đoán kết cục. Ngày 28/6/1993, Bloodsworth ngẩng cao đầu bước ra khỏi nhà tù. Ông trở thành người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã bị kết án tử hình nhưng lại thoát tội nhờ phương pháp xét nghiệm ADN.
Ra tù chứ không minh oan!
Vụ án xảy ra năm 1984. Bloodsworth bị tống giam năm 1985 và ra tù vào năm 1993. Người ta tính ra thiệt hại là khoảng thời gian lẽ ra đi làm và lĩnh lương thì ông phải ngồi tù, rồi “đền” cho Bloodsworth 300.000 USD. Đó là một sự khôi hài. Luật sư Morin khuyến cáo Bloodsworth không nên chấp nhận sự bồi thường rẻ mạt như thế. Làm sao bồi thường cho chuyện khủng hoảng tinh thần, bị mọi người xung quanh ghẻ lạnh, gia đình tan nát? Nhưng, Bloodsworth chấp nhận. Ông ký ngay vào văn bản cam đoan không kiện cáo, khiếu nại gì nữa. Ông đã quá mệt mỏi! Mặt khác, điều quan trọng là ông lại được trở về với xã hội và sẽ thực hiện kế hoạch lớn đã ấp ủ lâu nay, là đấu tranh để buộc người ta phải bãi bỏ án tử hình.
Từ đó đến nay, Bloodsworth kể mãi câu chuyện của mình không hề chán. Ông xuất hiện ở các hội nghị, các trường đại học, trên sách báo, phim ảnh. Ông đấu tranh không mệt mỏi, chỉ với mục đích ngăn chặn những cái chết oan do án tử hình gây ra. Từ vụ án mang tính cột mốc của Bloodsworth, việc xét nghiệm ADN dần trở thành phương pháp thông dụng trong các vụ án hình sự.
Có một điều Bloodsworth ít khi nói đến là ông chỉ “được thả” vào năm 1993. “Được thả” vì ông có chứng cứ ngoại phạm, nghĩa là không đủ bằng chứng để kết tội ông. Vẫn có những kẻ cứng đầu nghĩ Bloodsworth chỉ may mắn thoát tội. Công tố viên Robert Lazzaro nói: “Tôi không bao giờ kết án một người khi tôi chưa tin chắc người ấy phạm tội”. Rồi Lazzaro vẽ ra hàng loạt kịch bản tưởng tượng: “Biết đâu, có đến hai kẻ hãm hiếp cô bé, dấu vết đọng lại là tinh dịch của kẻ kia. Biết đâu, chỉ vì một sự ngẫu nhiên nào đó mà trên quần lót nạn nhân lại có tinh dịch...”.
Câu chuyện chỉ hoàn toàn sáng tỏ khi người ta xác định được hung thủ thật sự hãm hiếp bé gái Dawn Hamilton là Kimberly Shay Ruffner. Một tháng sau khi gây án vào năm 1984, Ruffner bị kết án... 45 năm tù vì một vụ án khác. Ruffner cũng bị giam chung một chỗ với Bloodsworth! Năm 2004, hắn thừa nhận chính mình là thủ phạm của vụ án Dawn Hamilton.
MỸ HẠNH
Bài cuối: Nỗi đau không thể tính bằng tiền