Nghiệt ngã án oan - Bài 4:Kỳ án Lucia De Berk

22/11/2013 - 07:10

PNO - PN - Không chỉ bị khép tội “giết người”, nữ y tá Lucia de Berk (bìa phải) còn phải chịu tai tiếng ghê rợn là “kẻ giết người hàng loạt khủng khiếp nhất trong lịch sử Hà Lan”. Cô bị kết án chung thân năm 2003, nhưng được minh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thành phố The Hague (hay Den Haag, theo tiếng Hà Lan) là nơi Tòa án tối cao của Hà Lan tọa lạc. Đó cũng là nơi mở đầu và kết thúc câu chuyện của Lucia De Berk.

Nghiet nga an oan - Bai 4:Ky an Lucia De Berk

Xác suất 1/342 triệu!

Nữ y tá De Berk (sinh ngày 22/9/1961) bị bắt giữ không lâu sau cái chết của một em bé tại Bệnh viện nhi Juliana ở The Hague vào ngày 4/9/2001. Trong quá trình điều tra, người ta tìm thấy hàng loạt trường hợp tử vong khác trong khoảng thời gian từ tháng 9/2000 đến tháng 9/2001, đều thuộc ca trực của De Berk. Bệnh viện trở thành nguyên cáo. Cảnh sát nhanh chóng mở cuộc điều tra. Ngày 24/3/2003, De Berk bị tòa án địa phương ở The Hague kết án chung thân với tội danh giết bốn bệnh nhân và cố sát ba bệnh nhân khác. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18/6/2004, De Berk lại bị kết tội giết bảy bệnh nhân và cố sát ba bệnh nhân khác, ở cả ba bệnh viện tại thành phố The Hague mà cô từng làm việc là Juliana, Red Cross và Leyenburg.

Đây là “tội ác” ghê rợn nhất từng được ghi nhận ở Hà Lan - đất nước không có mức án tử hình. Trớ trêu là các phiên tòa xử De Berk diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ tội phạm đang ngày càng giảm tại Hà Lan. Trong năm đó, nước này đã đóng cửa tám nhà tù vì... thiếu tù nhân. Đương nhiên, tòa phải kết tội De Berk dựa vào chứng cứ cụ thể và đó là dấu vết của việc đầu độc ở hai (trong 10) trường hợp. Tuy nhiên, việc kết tội De Berk còn bị tác động của một sự trùng hợp kỳ lạ khác, và đây mới là chi tiết đáng chú ý nhất. Khi bảy bệnh nhân qua đời và ba bệnh nhân khác phải cấp cứu đặc biệt, thì tất cả đều xảy ra trong ca trực của một y tá duy nhất. Có phải đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Các chuyên gia thống kê đã làm ngay một phép tính ra kết quả là: xác suất để có một sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế là 1/342 triệu!

Từ sự tận tụy của một nhà báo

Trong quá trình điều tra, cảnh sát thu được một quyển nhật ký của y tá De Berk, trong đó, De Berk có viết những câu như “tôi có một bí mật lớn” hoặc “tôi giải thoát cho bà ta” (câu này viết trong ngày qua đời của một bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối). Ngoài ra, còn có một nhân chứng, bị tạm giữ cùng phòng với De Berk, khai là đã nghe cô nói trong giờ thể dục: “Tôi đã giúp cho các nạn nhân chấm dứt sự đau đớn”.

Sức hút của sự việc đã khiến một nhà báo chuyên viết điều tra nổi tiếng của Hà Lan là Peter R. de Vries quyết theo đuổi vụ án đến cùng. Theo nhà báo này, trừ chi tiết “đầu độc” vốn hoàn toàn mang tính chuyên môn, cần sự kiểm chứng kỹ lưỡng, thì tất cả những bằng chứng chống lại y tá De Berk đều chỉ có giá trị tham khảo, kể cả cái xác suất 1/342 triệu kia!

Những ngày sau đó, đã xuất hiện vài chi tiết nhỏ khiến cái “tội ác tày trời” của y tá De Berk bắt đầu lung lay. Một phòng thí nghiệm độc lập ở Hà Lan, sau khi kiểm chứng bằng những phương pháp hiện đại, đã đưa ra giả thiết về việc cơ thể của bệnh nhân tự sản sinh chất digoxin (chất độc mà tòa án cho là De Berk đã sử dụng để đầu độc các nạn nhân). Một phòng thí nghiệm khác, từ Strasbourg (Pháp) cũng không ủng hộ giả thiết cho rằng bệnh nhân bị tiêm digoxin quá liều. Căn cứ vào các kết luận khoa học đó, nhà báo de Vries đưa ra lập luận: liệu có khả năng các bác sĩ đã sai lầm trong việc kê đơn thuốc?

Càng ngày, dư luận càng nghi ngờ tính khách quan của vụ án. Tháng 10/2008, vụ án được mở lại. De Berk được trả tự do vào tháng 4/2010 vì hoàn toàn không có chứng cứ đủ để kết tội cô.

Bài học kinh điển: khi cả thế giới nghi ngờ bạn, vẫn chưa có nghĩa là bạn có tội.

Nghiet nga an oan - Bai 4:Ky an Lucia De Berk

Lucia De Berk vui mừng vì được trả tự do vào tháng 4/2010

“Tội ác” bị gán ghép

Rõ ràng, quyển nhật ký không hề nói về việc De Berk đã giết người. Con gái của De Berk cho biết, mẹ mình hay viết nhiều điều không đúng sự thật trong nhật ký, thậm chí còn định dùng nhật ký như một bản nháp để viết truyện kinh dị sau này. Nhân chứng từng kể De Berk muốn giúp các bệnh nhân chấm dứt đau đớn sau đó đã rút lại lời khai và sự thật, nhân chứng này là một người có bệnh tâm thần. Cái xác suất thống kê 1/342 triệu cũng bị đánh đổ bởi lập luận: bạn không thể tin rằng mình trúng số độc đắc, đơn giản vì xác suất của việc đó thấp đến mức không thể tin được. Nhưng vẫn có người trúng độc đắc, và bạn không thể kết luận đó là một sự dàn xếp. Chỉ là ngẫu nhiên. Như De Berk hoàn toàn có thể ngẫu nhiên là y tá trực của quá nhiều ca tử vong.

Thật ra, trong 10 vụ án (bảy tội danh giết người và ba tội danh cố sát), chỉ có hai “ca” có cơ sở khoa học, là có dấu vết digoxin quá mức cho phép trong cơ thể nạn nhân, nhưng cũng không thể khẳng định đó là do sự đầu độc. Phương pháp làm việc thiếu khoa học của cả cảnh sát điều tra lẫn các công tố viên bị lật mặt. Từ hai “ca” có thể đưa tố tụng, người ta đã tìm thêm tám bệnh nhân khác tử vong khi De Berk là y tá trực. Những ca cô trực không có người tử vong thì không được tính đến. Những ca tử vong mà y tá trực là người khác cũng không nằm trong diện cần phải điều tra. Đã vậy, bảy nạn nhân trong phiên tòa sơ thẩm (De Berk mang bốn tội danh giết người, ba tội danh cố sát), lại không trùng khớp với 10 nạn nhân trong phiên tòa phúc thẩm. Nghĩa là, người ta đã cố ý bỏ đi những trường hợp không rõ ràng, chỉ “chọn” những trường hợp có lợi cho việc khép tội De Berk. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái xác suất trùng hợp ngẫu nhiên 1/342 triệu.

Các bác sĩ, cảnh sát, công tố viên liên quan đến vụ án này đều phải chính thức xin lỗi y tá De Berk. Bộ Tư pháp Hà Lan cũng thừa nhận sai lầm và đền bù cho cô một số tiền (không tiết lộ). Nữ đạo diễn nổi tiếng Paula Van der Oest đã thực hiện một bộ phim về câu chuyện này.

MỸ HẠNH

Bài 5: Kirk bloodsworth: Người tử tù đi vào lịch sử

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI