Nghiệt ngã án oan - Bài 2: Định kiến và bất công

19/11/2013 - 07:20

PNO - PN - Mahmood Hussein Mattan lãnh án tử hình vào ngày 24/7/1952 vì bị kết tội đã giết chết Lily Volpert tại cửa hàng của cô ngày 6/3/1952. Chỉ hai tuần sau, người đàn ông gốc Somalia này đã bị treo cổ tại một nhà tù ở Cardiff. 46 năm sau,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mahmood Mattan là thủy thủ trên một chiếc tàu buôn hương liệu và hàng hóa từ Somalia đến bán tại Anh. Tàu của Mattan thường xuyên neo đậu tại vịnh Tiger ở Wales. Tại đó, anh làm quen với Laura Williams, lúc đó mới 17 tuổi, đang làm việc tại một xưởng giấy. Vịnh Tiger là nơi các thủy thủ người Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Ả Rập và các nước châu Phi phải làm việc quần quật mỗi khi tàu cập bến. Kỳ thị chủng tộc là điều mà các thủy thủ sống tha hương phải luôn gánh chịu.

Nghiet nga an oan - Bai 2: Dinh kien va bat cong

Trên bia mộ của Mahmood có dòng chữ “chết vì bất công”

Mối tình của số phận

Việc Mattan thân thiết với Laura, một người Anh chính gốc, là điều không thể chấp nhận được đối với những cư dân Anh tại bến cảng này. Họ đối xử rất kỳ thị và thô bạo với Laura. Mỗi khi thấy cô trên phố, họ ném chai lọ vào người cô và hét to: “Đồ điếm của đám mọi đen”. Cha mẹ Laura từ bỏ cô. Nhưng, những điều đó vẫn không thể ngăn cản Laura và Mattan đến với nhau. Sau ba tháng làm quen, họ cưới nhau. Laura rời bỏ gia đình để bắt đầu cuộc sống mới với người đàn ông của đời mình.

Khi có được hai đứa con, đều là trai, đôi vợ chồng trẻ rời Cardiff để đến sống ở Hull, nơi mà Mattan đã tìm được việc làm. Họ sống thầm lặng vì chẳng ai muốn giao du với người Somalia. Tuy nhiên, cho đến giờ, Laura vẫn xác định “đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất đời tôi”.

Chiều 3/6/1952, Lily Volbert, 41 tuổi, chủ một cửa hàng kiêm nghề cho vay, bị phát hiện chết trên vũng máu tại nhà mình với vết dao trên cuống họng. Chín ngày sau, Mattan bị bắt với cáo buộc cướp và giết bà Volbert. Cảnh sát lục soát nhà anh, tìm được một con dao cạo râu đã gãy, khẳng định đó là hung khí của vụ án, dù trên con dao này chẳng hề có vết máu nào và họ cũng chẳng tìm thấy vết máu nào trên toàn bộ quần áo Mattan, cũng như không có vết tích nào của số tiền 100 bảng mà người thân của bà Volbert cho là đã bị mất sau vụ án mạng.

Nghiet nga an oan - Bai 2: Dinh kien va bat cong

Mahmood Mattan trong những ngày chờ hành hình

Bản án định sẵn

Trong phiên tòa xét xử Mattan, dù anh đã trưng ra được các chứng cứ ngoại phạm và không ít nhân chứng xác nhận điều đó, nhưng quan tòa vẫn kết luận Mattan có tội, dựa vào một vết máu vương trên giày của Mattan cùng lời khai của Harold Cover, một người hàng xóm của bà Volbert, là “đã nhìn thấy Mattan rời nhà của bà Volbert sau khi vụ án xảy ra”. Khi xem xét các vật chứng, quan tòa không quan tâm đến các chi tiết quan trọng là đôi giày cảnh sát đưa ra làm bằng chứng kết tội Mattan thuộc loại “đã xài rồi”, Mattan mua lại của người khác. Cover là người từng có tiền án. Tòa cũng không quan tâm đến lời khai của một bé gái 12 tuổi là “thấy một người da đen rời khỏi cửa hàng của bà Volbert ngay sau thời điểm diễn ra vụ án” nhưng em khẳng định người đó không phải là Mattan. Trước đó, khi cảnh sát cho bốn nhân chứng nhận diện nghi can thì cũng chẳng ai xác định kẻ đó là Mattan.

Mọi chứng cứ có lợi cho Mattan đều bị quan tòa bác bỏ. Có vẻ như quan tòa đã quyết khép án tử cho Mattan bằng mọi giá. Đáng ngạc nhiên hơn, vị luật sư được chỉ định bào chữa cho Mattan chẳng những không muốn cứu thân chủ của mình mà còn nhiều lần đưa ra những nhận định đậm tính phân biệt chủng tộc đối với Mattan. Thành kiến về màu da đã đè nặng tâm trí những người có quyền quyết định việc Mattan sống hay chết.

Phiên tòa kết thúc với án tử dành cho Mattan. Khi đó, Laura mới 21 tuổi, đã sinh đứa con thứ ba. Sáng ngày 3/9, Laura đến nhà tù để xin gặp mặt chồng. Cô phải đứng chờ ngoài trời mưa một lúc lâu, sau đó một người lính gác đưa cô một tờ giấy, trong đó thông báo là Mahmood Hussein Mattan đã bị treo cổ lúc 8g sáng hôm đó. Người vợ trẻ ngơ ngác trong nỗi đau đến tột cùng. Hôm đó là ngày sinh nhật lần thứ tư của David, con trai lớn của hai người.

Từ đó, bốn mẹ con Laura sống trong cảnh cùng khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy vậy, Laura luôn bảo các con là bố của chúng vô tội, đã chết vì sự bất công của pháp luật. Khi các con của Mattan lớn lên và bắt đầu biết suy nghĩ, chúng đã cùng mẹ tiến hành cuộc chiến giành lại công lý cho cha mình.

Lần đầu tiên bà Laura Williams yêu cầu tòa xét xử lại vụ án là vào năm 1968 nhưng đã bị Bộ trưởng Nội vụ Anh lúc đó là ông James Callaghan bác bỏ. Không nản lòng, năm 1996, bà Laura lại cùng các con lại gửi đơn lần nữa. Lần này, đã có tín hiệu khả quan khi Bộ Nội vụ Anh cho phép cải táng ông Mattan từ nghĩa trang của nhà tù về nơi mẹ con bà Laura lựa chọn. Tuy nhiên những người có trách nhiệm buộc bà Laura phải chịu chi phí cải táng lên đến 1.400 bảng.Điều đó lại càng khiến mẹ con bà thêm quyết tâm trong việc đòi lại danh dự cho người đã mất. Đứa bé gái 12 tuổi từng làm chứng khi vụ án xảy ra giờ đã ở tuổi trung niên, một lần nữa khẳng định với luật sư của bà Laura là lời khai của mình trước tòa lúc ấy hoàn toàn chính xác. Cơ hội đến vào năm 1997, khi Ủy ban xem xét lại các vụ án hình sự được thành lập ở Anh và vụ án Mattan là vụ đầu tiên được ủy ban này xem xét thông qua Tòa kháng án Tối cao. Ngày 23/9/1997, phiên tòa bắt đầu, đến ngày 24/2/1998, Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán Rose, Holland và Penry-Davey ra phán quyết việc kết án Mahmood Hussein Mattan là sai trái vì mọi chứng cứ buộc tội ông đều không đáng tin cậy. Như vậy, Mattan đã bị kết án oan và chịu tử hình khi hoàn toàn vô tội.

Sau 46 năm, nỗi oan của Mattan mới được rửa sạch. Chính phủ Anh bồi thường cho bà Laura và các con 700.000 bảng (có thông tin cho rằng tiền bồi thường lên đến 1,4 triệu bảng), nhưng với bà Laura và các con thì tiền bạc không phải là quan trọng. Mervyn, con trai út của Mattan, nói: “Tôi không quan tâm là 50.000 hay hai triệu. Tiền bạc không thể trả lại cho chúng tôi người cha và cuộc sống hạnh phúc mà ông có thể đã có cùng chúng tôi trong suốt 46 năm qua”.

 THIỆN NGA 

Bài 3: bẻ cong công lý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI