Nghiệt ngã án oan - Bài 1: Chờ chết khổ hơn chết

17/11/2013 - 07:35

PNO - PN - Ông Sakae Menda (ảnh), năm nay 88 tuổi, là tử tù đầu tiên ở Nhật Bản được minh oan sau 34 năm biệt giam trong một vụ án giết người mà ông không phải là thủ phạm, nhưng lại bị bức cung để nhận tội và lãnh án tử hình. Hiện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng sớm ngày 30/12/1948, một tên vô lại đột nhập vào nhà vị tu sĩ ở gần nhà Menda để ăn trộm. Bị phát hiện, hắn dùng dao và rìu giết chết vợ chồng ông tu sĩ. Menda là một nông dân nghèo rớt mồng tơi, từng bị bắt vì tội ăn trộm gạo. Trong mắt cảnh sát, bỗng dưng anh trở thành nghi can số một.

Menda bị bắt giam và lấy cung ba tuần, không được ăn, cũng không được ngủ. Anh bị treo ngược lên trần nhà, bị tra khảo bằng roi tre. Anh kêu oan nhưng không ai chấp nhận. Sau đó, người ta dọa nạt, ép anh ký vào bản thú tội.

Phiên tòa xử Sakae Menda vào cuối tháng 3/1950 không có nhân chứng hay bằng chứng buộc tội, chỉ vỏn vẹn bản thú tội do ép cung, nhưng chánh án Haruo Kinoshita vẫn tuyên án tử hình với một nụ cười thoáng qua, theo lời Menda, lúc đó mới 25 tuổi. Anh nhờ luật sư kháng án kêu oan. Ngày 25/12/1951, tòa án tối cao Nhật hoãn án tử hình. Menda bị tống vào phòng biệt giam ở Trung tâm cải huấn Fukuoka.

Nghiet nga an oan - Bai 1: Cho chet kho hon chet

Ông Sakae Menda (thứ hai, từ trái sang) trong một cuộc biểu tình chống án tử hình năm 2007

12.410 ngày của tử tù oan sai

Đó là một căn phòng rộng 5m2, ngày đêm sáng choang, mùa hè nóng cháy da, mùa đông lạnh cóng. Ngày cũng như đêm, người tù bị giám sát 24/24 bằng camera và giám ngục. Ngày đầu, lần đầu tiên trong đời Menda nghe tiếng bạn tù bị lôi đến giá treo cổ. Anh ta chỉ có vài phút để giải quyết việc riêng. Đó là nỗi ám ảnh hãi hùng mà sau này nhớ lại Menda chỉ có thể thốt lên: “nó làm tôi muốn điên”. Anh bắt đầu la hét dữ dội đến mức được “thưởng” chobatsu (hình phạt): bị cột tay hai tháng liền, “ăn cơm phải úp mặt vào chén như con chó”. Trong thời gian làm tử tù, Menda đã tiễn đưa 56 bạn tù đi về cõi chết.

Cho đến ngày được xử lại và trắng án, ông Sakae Menda đã trải qua 12.410 ngày mà ngày nào cũng lên “ruột” không biết chừng nào đến lượt mình vì không bao giờ được báo trước. Đó là 12.410 ngày ngóng đợi từ sáng sớm tiếng giày bốt của giám ngục, tiếng lách cách mở cái lỗ be bé để nhìn vào phòng giam. Đó cũng là 12.410 ngày căng thẳng cực điểm, thoi thóp sống và chờ đợi câu nói định mệnh: “Tới giờ rồi”.

12.410 ngày sống trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt, sống dở, chết dở vì bị ngược đãi một cách vô nhân đạo. Tử tù không có quyền thức dậy hay đi ngủ nếu không được giám ngục cho phép. Không được tiếp xúc với tù nhân bên ngoài. Thỉnh thoảng cũng được vài phút tiếp thân nhân (rất hiếm) hoặc nhận một vài lá thư đã bị kiểm duyệt trước.

Sống biệt lập trong tĩnh lặng hoàn toàn, theo giới hữu trách là có lợi vì nó “bảo đảm sự yên bình cho tâm hồn người tử tù”. Tuy nhiên, theo ông Menda, cách đối xử đó đã giết chết tâm hồn trước khi giết chết thân xác. Nhiều bạn tử tù đã chết trong tù hoặc trở thành người điên.

Tha bổng

Ông Sakae Menda sống sót nhờ đức tin (ông cải đạo Cơ đốc, nghiên cứu Thánh kinh) và lao động miệt mài (dịch sách ra chữ Braille cho người mù). Ông còn khám phá ra những lỗ hổng trong quy trình tố tụng hình sự máy móc dẫn tới những án oan sai mà ông là một ví dụ điển hình.

Ở trong tù, ông Sakae Menda không chịu ngồi yên chờ chết. Không có luật sư, ông vẫn làm đơn xin xử lại tất cả sáu lần. Sau đó ông được một luật sư - nhà sư Phật giáo giúp đỡ về mặt pháp lý. Không thể làm ngơ, ngày 27/9/1979, tòa thượng thẩm hạt Fukuoka mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Sakae Menda. Lần này tòa chịu nghe tường trình của các nhân chứng cho thấy Menda có chứng cứ ngoại phạm. Đặc biệt có một nhân chứng nữ thú nhận đã khai man do bị ép buộc.

Ngày 15/7/1983, một phiên tòa nữa, với sự tham dự của 80 thẩm phán, tuyên bố bị cáo Sakae Menda trắng án dựa trên cơ sở bị cáo bị ép cung nhận tội, cơ quan điều tra che giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo mà phía luật sư đưa ra trước khi xử án. Tòa án cũng thừa nhận cảnh sát giấu giếm bằng chứng ngoại phạm của bị cáo. Như vậy ông Menda là tử tù oan sai suốt 34 năm, và chỉ được minh oan khi ông đã 54 tuổi. Ông trở thành tử tù đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được minh oan. Sau ông, đã có thêm ba trường hợp tương tự.

Nghiet nga an oan - Bai 1: Cho chet kho hon chet

Đấu tranh chống án tử hình

Chính phủ Nhật Bản đền bù cho ông Menda một ngày làm tử tù 7.000 yen. Ông nhận được tổng cộng 90 triệu yen (gần một triệu USD năm 2009). Ông trích một nửa tặng cho nhóm đấu tranh xóa án tử hình ở Nhật.

Điều gì khiến ông Sakae Menda dành cuộc đời còn lại dấn thân vào con đường đấu tranh đòi xóa bỏ án tử hình? Sau khi được thả, ông Menda quay trở lại gặp những cảnh sát và những người tống ông vào trại tử tù để hỏi họ nghĩ gì về trường hợp của ông. “Họ trả lời rằng chỉ làm nhiệm vụ của mình. Tôi rất thất vọng” - ông Menda bức xúc.

“Tôi đã bắt tay và lắng nghe những lời cuối cùng của những tử tù bị treo cổ mà tôi biết có nhiều người bị oan hoặc chí ít không tâm phục khẩu phục. Từ đó tôi tin rằng cần phải xóa bỏ án tử hình thì mới mong chấm dứt được nguy cơ bị oan sai” - ông Menda giải thích.

Năm 2001, ông Menda dẫn đầu phái đoàn Nhật tham dự Hội nghị thế giới lần thứ nhất chống án tử hình diễn ra tại thành phố Strasbourg (Pháp) do Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu tổ chức. Ông Menda đã được báo giới và hội nghị đón tiếp trọng thể. Ông cũng đến dự Hội nghị Thế giới chống án tử hình năm 2007, vận động các thành viên Liên Hiệp Quốc xóa bỏ án tử hình toàn cầu.

Với tấm danh thiếp “Chiến sĩ đấu tranh vì công lý, tín ngưỡng và dân chủ hóa nhân quyền”, ông liên tục đi thuyết giảng tại các trường học, hội nghị, đấu tranh chống hệ thống pháp lý thiếu minh bạch. Thông qua trải nghiệm cá nhân, ông Menda hy vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân về pháp lý mà ông cho rằng thiếu thông tin và bảo thủ.

Sau xì-căng-đan Sakae Menda, chính quyền tiến hành cải tổ hệ thống tòa án và quy trình tố tụng. Tuy nhiên, sau hơn ba thập niên đấu tranh không mệt mỏi, ông Menda nhận định có quá ít chuyển biến. Người dân thông cảm với ông nhưng thiếu thông tin. Một cuộc thăm dò ý kiến năm 2005 cho kết quả hơn 80% người Nhật ủng hộ án tử hình, tăng 23% so với thập niên 1970. Năm 2006, cụ ông Masaru Okunishi, một tử tù 83 tuổi kêu oan trong vụ án đầu độc năm người, vẫn bị treo cổ. Ông này bị biệt giam hơn 40 năm.

TRỌNG NGHĨA

Bài 2: Định kiến và bất công

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI