Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em lấy chồng cách nay tám năm, đã có hai con, vợ chồng cùng đi làm, cuộc sống gia đình chỉ vừa đủ nếu biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý. Vậy mà đầu năm nay bỗng dưng gia đình em phải gánh thêm một gánh nợ từ cô em chồng của em.
Cô này không cưới chồng nhưng đã có hai con, mỗi đứa con một cha. Bình thường cổ ở nhà cha mẹ cổ, tức là cha mẹ chồng của em. Cô ta nghiện hút, chơi bời trai gái, cặp bồ với chồng người ta để người ta tới nhà đánh ghen… Hai đứa con cô ta coi như ông bà nuôi, chứ mẹ không hề chăm sóc.
Tết rồi cổ bỏ nhà đi đâu không ai biết, tới giờ vẫn chưa về. Em đoán chắc lại có bồ mới, đi theo trai chớ đi đâu. Cha mẹ chồng em phải lo hết cho hai đứa cháu ngoại.
Sau tết, mẹ chồng em phát bệnh, phải nằm viện. Em nghĩ bệnh của bà chắc vì buồn, lo lắng cho tương lai hai đứa nhỏ, bởi ông bà đâu thể nuôi như vậy hoài. Nhà chồng chỉ có hai anh em, giờ má chồng bệnh, ba chồng không lo được, chồng em đón hai đứa cháu về nhà ở chung.
Một mình em lo cho ba cha con đã đuối, phần việc nhà, phần việc công ty, tiền bạc các thứ… Tự nhiên giờ thêm hai đứa nhỏ, em mệt mỏi vô cùng. Vợ chồng em cả tuần nay gây gổ hoài vì em thấy mình quá tải.
Đứa cháu sau quá nhỏ, mới hơn hai tuổi, không thể nhờ ai coi nên phải tìm chỗ giữ trẻ, ngày hai lượt đưa đón. Đó là chưa kể chuyện một hai ngày em còn phải vô ra bệnh viện thăm má chồng.
Em thực sự không biết phải giải quyết cách nào. Mẹ của mấy đứa nhỏ này không biết khi nào mới về, mà biết đâu lần này về lại vác thêm cái bụng bầu nữa? Thật là nghiệp chướng, ai tạo ra đâu đâu giờ tự nhiên em phải gánh…
Minh Hân (TP.HCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Em Minh Hân thân mến,
Chia sẻ với em về chuyện tự nhiên phải gánh một gánh nặng quá lớn từ người em vốn không mấy gắn bó, yêu thương. Đối với em, đây rõ ràng là việc quá sức, cả về tinh thần lẫn vật chất. Vì vậy, nếu không bình tĩnh tìm cách tháo gỡ, mình sẽ căng thẳng lắm và sự căng thẳng của mình có thể gây hậu quả xấu sau này khó sửa chữa.
Em thử cân nhắc xem, ngoài vợ chồng em, bây giờ cha mẹ chồng em có thể gửi hai đứa cháu cho ai nữa? Hai đứa cháu đó có thể sống với ai nữa? Có lẽ em cũng thấy câu trả lời: chỉ có thể trông cậy vào vợ chồng em mà thôi. Vậy thì thay vì gây gổ với chồng, em hãy kéo chồng vào cuộc, để anh ấy cùng gánh vác. Chia việc ra làm em ạ: người lo chăm sóc má ở bệnh viện, người lo việc nhà, lo con cháu. Tìm thêm người giúp việc.
Em có thể nói chuyện với hai con em nữa, đừng đặt hai đứa nhỏ vào tâm thế giận dữ, coi đó không phải là việc của mình. Hãy để các con giúp em trông chừng mấy đứa nhỏ. Đến lúc mọi việc giãn ra một chút, má bình phục về nhà rồi, lúc đó hãy ngồi lại bàn bạc trong gia đình. Lúc này ngặt nghèo, mình cố gắng một chút, chứ chẳng lẽ để mấy đứa nhỏ ra đường?
Chuyện cô em chồng có lẽ là nguồn cơn sâu xa của nỗi giận dữ trong lòng em. Thật dễ dàng để phán xét một con người, nói rằng họ tự tạo nghiệp, rằng ai làm tự chịu, mình không phải là người đi dọn hậu quả cho một kẻ sống bê tha, suy đồi, vô trách nhiệm. Có thể em đúng hết, nhưng cũng có thể có nhiều cái mình chưa biết tận cùng.
Thôi thì hãy nghĩ về những đứa trẻ, chúng vô tội, còn người mẹ năm dài tháng rộng sẽ có lúc mình ngồi lại suy xét. Chuyện cần kíp trước mắt là giữ gia đình mình, đừng vì áp lực này mà gây gổ với chồng con. Gia đình em mà chao đảo thì chỗ dựa của cả gia đình lớn cũng không còn. Mọi chuyện gần như phụ thuộc vào em đó. Cố gắng nha em. Người ta vẫn nói trời không phụ lòng người.
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Nguyễn Thị Ánh (Tây Ninh): Xem như đang gieo duyên lành
Hiện tại có lẽ hai đứa trẻ vẫn đang ở nhà chị. Tôi nghĩ thế, vì thực ra chẳng có quyết định nào sáng suốt hơn. Hãy xem như mình đang gieo duyên lành. Biết bao người dẫu chỉ là người dưng nước lã mà vẫn nuôi mấy chục đứa trẻ đó thôi. Có lẽ họ cũng không cầu mong điều gì khác khi làm vậy đâu.
Dù có bực, có ghét, có coi thường em chồng đến mấy, trong hoàn cảnh này, tạm thời bạn vẫn phải nuôi hai đứa trẻ, còn dài hơi hơn thì tính cách khác.
Tôi có người bạn có hoàn cảnh tương tự bạn: phải nhận nuôi ba đứa cháu. Thế nhưng, vì hoàn cảnh kinh tế, chị đành gửi hai đứa cháu nhỏ vào một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, chỉ nuôi cháu lớn. Rồi cậu bé kia vào đại học, tự lập bằng cách đi dạy kèm, chị lại đón các cháu nhỏ về.
Cứ thế, ba đứa trẻ đã lớn lên, được học hành tử tế và luôn biết ơn dì mình. Đó cũng là một cách. Còn hiện giờ, giải pháp tức thì chồng bạn đưa ra là hợp lý. Mong bạn suy nghĩ, vì tình thương nên được trao đi. Đây cũng là cách để bạn dạy các con về lòng biết ơn.
Diễm An (Đà Nẵng): Hãy chăm với tấm lòng người tốt
Không thể tưởng tượng được trên đời lại có người mẹ vô tâm đến thế. Song, bình tĩnh suy xét có lẽ bạn sẽ thấy cô ấy cũng là nạn nhân, cũng đáng thương.
Tôi nghĩ rằng cùng phận đàn bà, chúng ta nên thông cảm cho nhau. Hai đứa bé thật đáng thương. Chắc lòng chúng cũng mang nhiều tổn thương. Cảnh nhà đã bộn bề, giờ chị nghĩ ngợi nhiều chỉ tổ rối rắm thêm. Chắc chắn việc chăm bốn đứa trẻ sẽ tốn kém và mệt mỏi gấp đôi so với khi chỉ chăm hai đứa. Trong khi đó, lòng chị lại đang bực bội và đầy phiền muộn.
Thôi thì chị cố gắng thu xếp, xem thử hai đứa trẻ nhà mình có giúp gì được không. Chị hãy thử phân công cho các con. Tôi tin rằng trời chẳng phụ lòng người tốt.
Trong hoàn cảnh này, trước sau gì chị cũng là nhân vật chính chăm sóc cho hai đứa trẻ vắng mẹ. Hy vọng chị sẽ chăm các cháu của mình với tấm lòng của một người tốt, như thể chị đang làm việc thiện. Ta có thể làm việc tốt đối với người xa lạ thì với cháu mình, chẳng lẽ lại không thể, phải không chị?
|
HẠNH DUNG
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.