Trong buổi đối thoại với lãnh đạo Hội LHPN và Liên đoàn Lao động Q.6 mới đây, chị Tuyết Anh, một người có thâm niên hơn 10 năm làm nghề giúp việc nhà đã đặt ra một vấn đề lớn: “Chúng tôi cần một chỗ dựa vững chắc hơn để bảo vệ nghề nghiệp, nồi cơm và thậm chí là danh dự, phẩm giá của mình”.
Gian truân nghề giúp việc nhà!
Chị Tuyết Anh cho rằng mình có thể theo nghề giúp việc nhà được đến bây giờ là nhờ gặp được người chủ tử tế. Trước đó, như nhiều người bạn cùng nghề, chị từng phải chịu trăm đắng ngàn cay: “Giúp việc theo giờ, nhưng có khi phải làm suốt buổi 4 tiếng mà không được nghỉ, dừng tay uống nước là bị chủ hỏi “đểu” ngay: “cô thong thả nhỉ”. Có lần, lau sắp xong cái phòng khách thì cô chủ đi vào, trượt chân. Thế là cô hất đổ cả xô nước bẩn ra sàn. Mình phải nuốt giận mà lau lại từ đầu”.
|
Trải qua 10 chỗ làm, chị Trần Thị Hiệp mới được một gia đình chấp nhận mua bảo hiểm y tế hằng năm cho chị |
Cũng thế, chị Lê Hà, ở Q.12, thì luôn bị chèn ép tiền công. Dù thù lao của nghề giúp việc nhà hiện từ 50.000-70.000đ/giờ, nhưng chủ nhà luôn ép giá, làm việc cả buổi 5 tiếng nhưng chủ chỉ trả 150.000-200.000đ. Chị Hà ngậm ngùi kể: “Mấy bà chủ khéo ăn nói lắm. Họ nói cho tôi ve chai bán kiếm tiền thêm. Nhưng làm cả buổi, xong việc, họ ra tận xe xem ve chai nhiều hay ít rồi móc túi đưa 100.000đ. Thiệt lúc đó không biết mở miệng như thế nào!”.
18 tuổi, từ Bắc Ninh vào Sài Gòn lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Huệ, Q.Tân Phú, đã trải qua rất nhiều nghề. Những ngày Chủ nhật được nghỉ, chị tranh thủ nhận thêm việc lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo cho một số gia đình. Nhờ nhanh nhẹn, tháo vát, thật thà nên chị Huệ được lòng gia đình ông T. Sau đó, vợ con ông T. đi định cư và nhờ chị hằng tuần qua dọn dẹp nhà cửa giúp gia đình. Do quen biết đã lâu nên chị Huệ không để ý đến những cử chỉ của ông T. Tuy nhiên khi ông T. cố tình tiếp xúc, sờ soạng thì chị Huệ đã phản kháng và quyết định không làm nữa.
Còn chị Lê Thị Vân, ở Q.Tân Phú, cho biết: “Tôi sợ nhất là lau chùi cửa sổ, ban-công. Sơ ý, té ngã có khi phải nằm cả tuần”. Kinh nghiệm đau thương này chị Vân đúc rút được sau 20 năm theo nghề giúp việc nhà. Những tai nạn như đụng đầu, ngã do trơn trượt, có khi để lại thương tích… thì người làm thuê phải tự chịu chứ không ai “bảo hiểm” hay “bảo trợ”.
Chỗ dựa từ Hội
Chị Nguyễn Thị Huệ giờ là Tổ phó Tổ Giúp việc gia đình của P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, phụ trách điều phối công việc.
Nhận điện thoại xong chị Huệ gọi chia sẻ thông tin việc làm lại cho các thành viên trong tổ ngay. Công việc của chị là tiếp nhận thông tin từ người cần LĐ giúp việc rồi điều phối công việc cho các thành viên trong tổ để ai cũng có thu nhập đồng đều và ổn định.
Như chị Vân, trước đây làm việc độc lập, nhiều khi cả tuần chỉ được 500.000-700.000đ, nhưng từ ngày vào tổ, với mức tiền công 50.000đ/giờ, mỗi tuần chị làm 8-10 ca, mỗi ca 1-2 giờ, mỗi tháng có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng.
Lau chùi, dọn dẹp nhà cửa là công việc thường ngày của nghề giúp việc gia đình |
|
“Công việc quan trọng là chủ động được thời gian. Các dì, các chị lớn tuổi chịu khó thì vẫn làm được. Nhờ cần mẫn, thật thà, dễ thương nên đi làm ở đâu các dì, các chị cũng được chủ nhà gửi lời khen và giới thiệu thêm chỗ làm khác” - chị Thu, Phó chủ tịch Hội LHPN P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú - cho biết.
Tham gia Hội Phụ nữ, các dì, các chị còn được tập huấn về nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng tự bảo vệ mình. Những trường hợp bị ngược đãi, bị bóc lột, các chị sẽ được Hội lên tiếng bảo vệ. Gia đình có chuyện vui buồn đều có chị em trong tổ chia sẻ. Chị Vân xúc động: “Lần đầu tiên trong đời, ở tuổi 55, tôi được thổi nến, hát mừng sinh nhật, vui lắm. Tham gia tổ mới đôi ba tháng, vậy mà chị em thân thiết và nhớ cả ngày sinh nhật của mình”.
Tổ Giúp việc gia đình P.Sơn Kỳ chính thức thành lập cuối tháng 5/2019 với 7 thành viên, nay phát triển lên 9 thành viên, hầu hết đã ngoài 50 tuổi, hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự quản, dân chủ, thống nhất, mỗi quý sinh hoạt định kỳ một lần. Bước đầu, tổ đã tạo thêm nhiều việc làm cho các dì, các chị, nhất là các chị có tuổi, có con nhỏ, khó khăn, ở nhà đưa đón con đi học… san sẻ phần nào gánh nặng kinh tế gia đình.
Để có đầu việc ổn định, Hội Phụ nữ phường đăng thông tin giới thiệu về dịch vụ giúp việc nhà trên các trang Facebook của mình. Các thành viên trong tổ khi có đầu việc cũng chia sẻ cho nhau, giúp nhau cùng vượt khó… Nhờ vậy mà công việc và đồng lương khá đảm bảo.
Rất cần những nghiệp đoàn cho lao động nữ giúp việc nhà!
Tổng kết các mô hình và cách làm hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, Hội LHPN TP.HCM nhận thấy, mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm, giúp việc nhà, chăm sóc người già của các cấp Hội đang có thuận lợi bởi nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề này luôn cao. Các mô hình này hầu hết đều do Hội Phụ nữ các cấp cơ sở thành lập và tự quản, tạo được lòng tin cho gia chủ.
Tuy nhiên, Hội cũng nhìn thấy những khó khăn vì việc cung ứng lao động giúp việc nhà hiện đang có sự cạnh tranh khá gay gắt khi các website và app công nghệ cùng lĩnh vực ngày càng phát triển. Mặt khác, các thành viên của các câu lạc bộ, tổ, nhóm thuộc Hội thường lớn tuổi, quá tuổi lao động, hoặc trước giờ chỉ làm công việc nội trợ đơn thuần trong gia đình, nên nhiều chị chưa có tay nghề. Ngoài tiền công, rất hiếm người giúp việc nhà được chủ mua bảo hiểm y tế (chưa nói gì đến bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội), trong khi lực lượng lao động này không hề nhỏ.
|
Bàn giải pháp lập nghiệp đoàn lao động nữ giúp việc nhà tại Hội LHPN Q.6 |
Trong buổi đối thoại với lao động nữ giúp việc nhà do Hội LHPN Q.6 tổ chức tháng Chín vừa qua, nhiều chị đã kiến nghị cần lập một nghiệp đoàn lao động nữ giúp việc nhà để bảo vệ quyền của chị em chứ không chỉ xây dựng tổ nhóm hoạt động như hiện tại.
Bà Lương Thị Kim Vân - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Q.6 - đã đồng tình với đề xuất này, bởi đây sẽ là tổ chức có thể tập hợp chị em vào các loại hình hoạt động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi của giới.
Ông Ngô Thanh Bắc - Quận ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Q.6 - cũng cho rằng, nghiệp đoàn lao động nữ giúp việc nhà không chỉ để thống nhất về đồng phục mà còn để đảm bảo chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chị em làm công việc đặc biệt này.
Đã đến lúc lao động nữ giúp việc nhà, chăm sóc người già cần một chỗ dựa vững chắc hơn.
Sự ra đời các nghiệp đoàn lao động nữ giúp việc gia đình là tín hiệu đáng mừng Giúp việc gia đình là một loại lao động đặc thù, chiếm tỷ lệ đáng kể trong nhóm lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, lao động này thường bị đối xử bất công, bị người sử dụng lao động vi phạm các quyền lợi, xâm hại… Nhận thấy vị trí, vai trò của nhóm lao động này cũng như những khiếm khuyết của luật, từ năm 2012, khi ban hành Bộ luật Lao động mới, các nhà làm luật đã đưa “lao động là người giúp việc gia đình” vào những quy định riêng, giống như lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật, trong đó có quy định việc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng bằng văn bản, thỏa thuận về thời hạn, mức lương, hình thức, kỳ hạn trả lương, thời gian làm việc, chỗ ở; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm; tôn trọng danh dự, nhân phẩm; tạo điều kiện cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề; trả tiền tàu xe đi đường khi thôi việc về quê… Đặc biệt, nghiêm cấm người sử dụng lao động ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với người giúp việc gia đình; giao việc không đúng hợp đồng lao động; giữ giấy tờ tùy thân của người lao động. Các quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, không phải ai cũng biết và chấp hành. Do vậy, thời gian gần đây, một vài quận, huyện đã thành lập và cho ra đời các nghiệp đoàn lao động giúp việc nhà. Tôi cho rằng đây là tín hiệu tốt, đáng mừng. Mong rằng các mô hình này cần được duy trì, hoạt động hiệu quả và nhân rộng để góp phần bảo vệ hiệu quả cho lao động là người giúp việc gia đình. Luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) |
Thiên Ân - Tinh Châu