Không ít “ngôi sao mạng” vụt tắt do quá đà hoặc vi phạm pháp luật trong phát biểu, hành động. Có ý kiến cho rằng căn bệnh nghiện tung hô này có phần tương đồng với chứng bệnh tâm lý khó chữa mang tên rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD).
Khen... cho chết!
“Hôm nay mẹ cho Facebook ăn gì?” - 3 cha con cười ồ sau câu hỏi còn chị Mai Huệ (quận 8, TPHCM) ngúng nguẩy bỏ đi. Có lần, con gái chị kể với bà nội: “Mẹ con hằng ngày đều cho “phây” ăn. Có ngày, mẹ sản xuất 4-5 “tút”. Trộm nào vào nhà mình chắc cũng nhàn vì tất cả các góc trong nhà, mẹ đều đã khoe. Có khi người ta cũng có thể biết bóp tiền mẹ hay để ở đâu”.
Mẹ chồng chị Mai Huệ bị chạm trúng nỗi niềm, “xả”: “Mẹ con chỉ lao tâm khổ tứ suy nghĩ ngày mai cho “phây” ăn gì, chứ đời nào quan tâm chồng con ăn gì!”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Mẹ chồng chị Huệ không chơi Facebook, cả nhà chồng cũng đã bị chị Huệ chặn nhưng ai cũng biết chị nghiện Facebook ở mức… khó chữa. Mỗi ngày, chị đều dành rất nhiều thời gian chăm chút hình ảnh. Mỗi tháng, chị mất rất nhiều tiền mua quần áo mới để chụp hình. Nghe ai nói tới điểm sống ảo nào, từ quán cà phê trong thành phố cho tới những cánh đồng, những khu rừng xa xôi, chị đều lên kế hoạch để tới check-in. Chị hơn 40 tuổi, đời sống còn thiếu thốn nhưng độ ham chơi “phây” và “chơi có tâm” không khác gì những đứa trẻ vô lo.
Có lần, chị và nhóm bạn thuê áo sơ mi trắng, trang điểm đậm và chụp hình kiểu “chỉ mặc áo không mặc quần” trong studio. Nhìn các chị trẻ đẹp, quyến rũ thật nhưng chẳng khác gì một nhóm “gái hư”. Bà sếp công ty chị rất tức mắt nhưng không thể phê bình vì điều này hoàn toàn không vi phạm nội quy cơ quan mà thuộc phạm trù quan điểm sống. Vả lại làm sao có thể nhắc nhở khi dưới bài đăng của chị là hàng trăm cái “còm” khen đẹp, trẻ, thậm chí khen… sang trọng?
“Facebook khác gì nơi công cộng, không hề giống chị đóng cửa hát trong nhà. Em đang mệt với hậu quả của chị đây này” - có lần tôi phải nhắn tin nhắc riêng chị gái như vậy. Lý do, “giọng hát vàng” của chị tôi trên Facebook từng khiến anh chị em nhà tôi phải họp online vì anh rể tôi đã bất lực khi yêu cầu vợ ngừng hát và để ý đến 2 đứa con hơn.
Anh rể kể, chị tra tấn cha con anh bằng âm thanh khiến chúng không thể tập trung học bài. Chị không hề biết mình hát kém. Có lẽ bệnh ảo tưởng của chị thêm nặng do lời bình luận “khen xã giao” của 500 anh em cõi mạng như: hay quá, trẻ quá, giỏi quá, hấp dẫn quá, có hồn quá…
Ba tôi ở quê cũng phiền vì nghe đồn thổi không hay về chị. Ông bà cũng phải gánh chịu trận càm ràm gần xa của ông bà thông gia. Ba nhắc chị gái tôi nhiều lần không được thì giận dữ đổ lỗi mẹ tôi không biết dạy con, đổ lỗi do từ nhỏ bà hay khen con hát hay, khiến con ảo tưởng. Mẹ tôi khuyên chị không được, lại quay sang đổ lỗi chồng chuyện khác, việc khác. Cứ thế, ông bà U80 còn đau đầu với đứa con hơn 40 tuổi mà chưa lớn.
|
Ảnh mang tính minh họa - benzoix |
Bệnh dễ mắc khó chữa
Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng nhắc một người bạn “biến chất” vì mạng xã hội (MXH). Tôi có người bạn gái thân, trước đây ai cũng quý vì bạn dễ thương, giản dị. Sau khi chơi MXH một thời gian thì bạn trang điểm, ăn mặc bóng bẩy… không giống ai. Bạn hay diện đầm hở ngực và vai, khập khiễng trên đôi giày cao 10cm tới các buổi gặp gỡ bạn bè. Ngồi đâu bạn cũng giơ điện thoại chụp hình tự sướng, đi đâu cũng bắt chúng tôi bấm cho “500 kiểu để chọn 1 kiểu”. Chúng tôi rất sợ những buổi tụ tập có bạn vì ngại thình lình phải xuất hiện trên Facebook bạn và làm nền trong tình trạng “phây ai người đó đẹp”, chưa kể phiền toái vì các câu nội dung vô duyên đi kèm.
Một bạn gái khác của tôi là giáo viên dạy văn cấp II thì chăm khoe hình tắm biển còn hơn các người mẫu nội y (tất nhiên toàn bộ hình ảnh đã được bạn dùng app chỉnh sửa sao cho… “chân dài tới nách”). Vì những lời tung hô của bạn bè, áo quần bạn tôi mỗi ngày thêm thiếu vải. Đứa con gái tuổi teen của bạn rất sợ bạn bè phát hiện ra nick của mẹ nên bé tuyệt đối không kết bạn với mẹ trên Facebook.
Ở phòng kế toán nơi tôi làm việc cũng có chuyện kỳ khôi. Hôm ấy, cô Y. nhắn tin xin nghỉ vì bà nội qua đời. Cô cũng gửi định vị ở quê cho trưởng phòng, rồi than thở nỗi buồn mất người thân, sự vất vả khi phải lo toan cho đám hiếu.
Thế nhưng, chỉ vài phút sau, trưởng phòng của chúng tôi lại thấy Y. “lên tút” Facebook khoe ăn khoe chơi với các dòng viết vui vẻ. Cả buổi sáng “nghỉ việc để lo đám ma”, cô tích cực “châm còm” - trả lời từng lời bình luận như thể một phụ nữ vui vẻ vô lo không liên quan gì đến tang gia bối rối ở quê.
Rất nhiều người sống 2 mặt, thậm chí nhiều mặt trên MXH, xin được loại trừ để không phán xét những người vì công việc, vì muốn giấu đời sống thực, suy nghĩ thực cho mục đích nào đó. Tuy nhiên, chúng ta có cần thiết phải tạo dựng hình ảnh khác đến mức xa lạ với người thân của mình hay không? Mới đây, bà mẹ già của chị hàng xóm nhà tôi gào lên nhắc đứa con gái ham sống ảo: “Khi mày thiếu tiền hay nhập viện, liệu những đứa mày bỏ thời gian chăm chút từng câu còm kia sẽ an ủi, giúp đỡ mày chứ? Trong khi người thân kề đây thì mày xẵng giọng gắt gỏng”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz |
Nhầm lẫn các giá trị
Tâm lý con người thông thường sẽ trở nên phấn chấn khi được động viên, khen ngợi. Sẽ thật buồn nếu cuộc sống thiếu lời khen. Song, người nghiện lời khen thì không tỉnh táo để nhận ra đâu là lời khen thật lòng và “có cơ sở”. Luôn có những kiểu “khen cho chết”, khen lấy lòng, đưa người ngộ nhận vào mê cung.
Người bị ảo tưởng bởi sự tung hô trên MXH thường có đặc điểm khá giống nhau. Họ buồn vui theo những lời khen chê trên MXH, dễ lệch lạc trong việc xác định giá trị bản thân. Lạc trong sương mù của nhận thức, họ dễ bị lừa, dễ tin các thông tin sai lệch để rồi bị dẫn dắt, thao túng.
Họ dễ vui nhưng cũng nhạy cảm, dễ tổn thương nếu mọi việc không như mong muốn; ví dụ bị chê quần áo xấu, hát kém, làm thơ không hay. Sự ngộ nhận và ảo tưởng luôn đưa người ta tới chỗ cực đoan. Rất nhiều người hung hăng chặn những ai “dám” nhận xét trái chiều hoặc nói lời mình không muốn nghe.
Sự lệ thuộc bất kỳ thứ gì cũng đáng sợ. Nhưng khi bạn lệ thuộc cảm xúc vào những người xa lạ, bạn hoàn toàn không thể kiểm soát được đời sống của mình. Người quen sống cùng sự tung hô và quan tâm của người khác thường khó tìm thấy hạnh phúc và sự tự tin. Cô đồng nghiệp nói dối bà nội mất luôn tin rằng mỗi ngày có rất nhiều người chờ đón nội dung cô viết, rằng cô là vitamin tưới tắm tâm hồn khô cằn của người đọc.
Thực tế, khi cô tập trung nói đạo lý để “tưới tắm tâm hồn người khác” trên Facebook thì nhà cửa cô nhếch nhác, con phải ăn mì gói, chồng phải mua cơm hộp. Chúng tôi đang bàn nhau khuyên cô thay vì “biểu diễn” trên Facebook thì hãy tập trung tìm việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Những phù hoa tung hô trên mạng ảo chưa từng giúp gì cho cô trong đời sống thực.
Châu Giang