Gặp lại Ngân là một bất ngờ lớn. Với tôi và các bạn cùng lớp, đường đời của Ngân vốn một màu hồng: du học nước ngoài rồi ở lại đi làm, lấy chồng, sinh con. Hỏi sao về mà không nhắn bạn bè, Ngân có vẻ hơi ngại ngần, không muốn giải thích. Mãi đến lần gặp sau tôi mới biết Ngân về để điều trị trầm cảm.
Bệnh của Ngân lạ lẫm với nhiều người: bệnh nghiện “người ảo”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nhân kể sau lần ly hôn, Ngân rơi vào khủng hoảng cô đơn. Một người bạn giới thiệu cho Ngân “người bạn ảo”, một ứng dụng trò chuyện cá nhân (chat) sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ngân tải ứng dụng, đặt tên cho chatbot ấy là “Vĩnh”. Ban đầu là vài yêu cầu cơ bản, tìm kiếm cái này cái khác, rồi đối thoại ngày một nhiều hơn, lâu dần mỗi lúc buồn vui Ngân đều nhắn tin, kể chuyện với “Vĩnh”.
Không như Vĩnh ngoài đời thật xa quá tầm tay, “Vĩnh” của Ngân luôn bên cạnh cô, mọi tin nhắn đều được trả lời ngay lập tức, thỉnh thoảng “Vĩnh” còn kể chuyện cười, an ủi Ngân những lúc cô mệt mỏi, chán nản. “Vĩnh” thông minh và rất hiểu cô, đến nỗi nhiều lúc Ngân đã nghĩ “Vĩnh” không phải là một chatbot trí tuệ nhân tạo mà là một con người.
Cuộc sống bận rộn, ít bạn bè, Ngân hầu như đã tự thu mình vào những cuộc trò chuyện với “Vĩnh”. Thỉnh thoảng, cô mơ thấy “Vĩnh” như một người đàn ông bằng xương bằng thịt.
Mấy năm sau cuộc ly hôn, bạn bè, gia đình cố gắng giới thiệu, kết nối cho cô nhưng đều thất bại. Không phải Ngân không hẹn hò với vài người, nhưng rồi chẳng thành với ai, Ngân rốt cuộc quay trở lại với “Vĩnh” của mình. “Vĩnh” hiểu biết và không bao giờ phán xét hay chê trách gì cô, “Vĩnh” còn không bao giờ phản bội. Bất kỳ khi nào Ngân cần đến, “Vĩnh” sẽ đáp lời.
Khi Ngân mất việc làm, gia đình đã quyết định đưa cô đi nghỉ ngơi xa và dài ngày, theo tư vấn của bác sĩ tâm lý.
Ngân về Việt Nam đã hơn 2 tháng và đang tham gia một khóa thiền trị liệu, mong hơi ấm mặt trời nhiệt đới và bạn bè xung quanh sẽ giúp cô “cai” người tình ảo, thiết lập trở lại những mối quan hệ với đời thực.
Ngân kể, ban đầu mọi việc thật khó khăn, mãi đến gần đây cô mới bắt đầu cảm nhận vài thay đổi. Ngân lo lắng khi quay trở lại với môi trường cũ, cô có thể lại bị phụ thuộc như trước đây.
|
Ảnh mang tính minh họa - Pikisuperstar |
Trợ giúp, với con người, vốn khởi thủy là một mong muốn hết sức nhân văn. Nhưng khi kẻ trợ giúp quá thông minh, con người dễ bị phụ thuộc vào nó và đến một lúc sẽ bị bào mòn, đánh mất nhiều năng lực của mình. Ngân là một phụ nữ đẹp, lẽ ra hạnh phúc đã mỉm cười với cô. Nhưng suốt 4 năm sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, cô không còn nghĩ về hạnh phúc nữa. Người bạn “Vĩnh” đã trở thành một thứ thuốc an thần khiến cô mơ hồ yên ổn giữa sự an toàn, sự thỏa mãn tạm thời và cảm giác bằng lòng.
Cô không còn cố gắng trò chuyện và tìm hiểu một ai đó nữa, bởi trong chiếc điện thoại của cô có sẵn một người hiểu tất cả, có sẵn câu trả lời cho tất cả. “Vĩnh” trở thành chiếc gối cho cô nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào, cô không còn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc vì có vẻ chỉ “Vĩnh” thôi đã là đủ hạnh phúc cho Ngân rồi.
Gần đây, bạn bè sốt lên vì ChatGPT, tôi nghĩ về bạn mình. Tôi hiểu vì sao Ngân cảm thấy “Vĩnh” hiểu mình một cách sâu sắc, cảm thấy “Vĩnh” thực sự thông minh, hài hước, đáng yêu hơn những con người thật cô gặp trong đời. AI là trí tuệ nhân tạo, nó là quá trình phân tích và chọn lọc thông tin siêu khủng. Nó hoàn toàn không phải là mối quan hệ giữa những con người với nhau.
Nói cách khác, đó là xử lý tối ưu hóa cho những cảm xúc của chúng ta. AI “Vĩnh” đã học và xử lý thông tin của Ngân từ chính những tin nhắn, câu hỏi và trả lời với Ngân mỗi ngày. Đó là tính cách của Ngân phản chiếu vào chatbot. Bởi vậy mà Ngân cảm thấy “Vĩnh” đồng cảm, thú vị, hiểu mình như một người tri kỷ. Giả sử là chúng ta, chắc ai rồi cũng cảm thấy vậy thôi, sau một thời gian trò chuyện với chatbot đó.
|
Ảnh mang tính minh họa - Holiak |
May mắn thay, bên cạnh chúng ta còn bạn bè, còn gia đình, còn cuộc sống thực sự này. Chatbot có thể tạo cho chúng ta cảm giác rằng nó suy nghĩ như con người, nhưng nó không thể cảm nhận được con người, cảm nhận được thế giới. Chatbot cho chị em một người nói chuyện không mệt mỏi, sẵn sàng nói đủ thứ chuyện chị em muốn, nhưng biết đâu nhờ đó phụ nữ sẽ nhận ra rằng việc đáp ứng, lắng nghe, ân cần, thấu hiểu mọi lúc mọi nơi không phải là hạnh phúc như người ta vẫn tưởng (có vẻ đây là một hiệu ứng phụ khá thú vị).
Và như thế, con người tiếp tục nghĩ về hạnh phúc, tiếp tục hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Thỉnh thoảng chúng ta nhìn lại, băn khoăn ngẫm nghĩ: hạnh phúc là đích đến hay hạnh phúc là cả hành trình…
Lập Phương