Nghiện mạng, ngày càng nhiều người trẻ rối loạn nhân cách khép kín

14/09/2016 - 07:10

PNO - Những người mắc bệnh này thường bị rối loạn nhân cách khép kín, nghĩa là sống co rút lại trong một thế giới riêng, không giao tiếp, không quan hệ xã hội. Không ai biết những người này đang nghĩ gì, muốn gì.

Ngày 13/9, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM (Bộ Y tế) cho biết, bệnh “ẩn sĩ” đang rộ thành trào lưu ở giới trẻ Nhật Bản thực ra không phải mới lạ.

Ở Việt Nam, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều trường hợp tương tự nhưng định danh bệnh với cái tên khác. Đây thực ra là một trong những biểu hiện ở giai đoạn đầu của bệnh trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt.

Nghien mang, ngay cang nhieu nguoi tre roi loan nhan cach khep kin
Ảnh minh họa: Internet

Những người mắc bệnh này thường bị rối loạn nhân cách khép kín, nghĩa là sống co rút lại trong một thế giới riêng, không giao tiếp, không quan hệ xã hội. Không ai biết những người này đang nghĩ gì, muốn gì. Cuộc sống của họ là một ốc đảo bất khả xâm phạm.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách khép kín nhưng với lớp trẻ ngày nay, không thể bỏ qua các yếu tố như: stress, cú sốc tinh thần, tác động của nghiện game, trò chơi trong thế giới ảo…

Khi quá sa đà vào các trò chơi, vào thế giới ảo, con người ta sẽ bị lệ thuộc, kém năng động, ngủ ít, đờ đẫn, quên mất cuộc sống thực tế đang diễn ra mỗi ngày. Nếu không phát hiện, khám tâm lý - tâm thần và điều trị sớm, bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng, bệnh nhân có nguy cơ tự tử cao. “Tại Việt Nam, tôi chưa thấy một khảo sát hay thống kê rõ ràng về bệnh này, nhưng điều đáng báo động là số lượng người trẻ mắc bệnh này ngày càng nhiều”, BS Quang nói.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI