Nghiện khám bệnh

27/04/2019 - 12:00

PNO - Bản thân không bệnh nhưng nếu không được vào bệnh viện và nói chuyện với bác sĩ thì họ luôn bất an. Đó là những người mắc hội chứng nghiện khám bệnh.

Chịu khó kiểm tra sức khỏe định kỳ, lập tức tới bệnh viện khi cơ thể có triệu chứng bất thường là điều tốt, các bác sĩ vẫn khuyến khích người dân quan tâm tới sức khỏe của mình như vậy. Tuy nhiên, trong số bệnh nhân có ý thức cao về sức khỏe kể trên, có một nhóm mắc hội chứng nghiện khám bệnh. Bản thân không bệnh nhưng nếu không được vào bệnh viện và nói chuyện với bác sĩ thì họ luôn bất an.

Ám ảnh ung thư 

Thạc sĩ - bác sĩ Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết: trong số những bệnh nhân mà mình tiếp nhận điều trị có tới 10% bị hội chứng nghiện khám bệnh do tâm thể.

Nghien kham benh
Nhiều người mắc phải hội chứng nghiện đi khám do bệnh tâm thể - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa khác nhưng khi tiếp xúc và kiểm tra, các bác sĩ nghi ngờ bệnh của họ xuất phát từ vấn đề tâm lý, tâm thần nên đã chuyển qua Khoa Nội thần kinh để cùng phối hợp điều trị và thuyết phục bệnh nhân.

Điển hình nhất là trường hợp của chị P.T.T. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Chị T. bị ám ảnh về bệnh ung thư, vì bố của chị mất do căn bệnh nan y này. Chị T. tới bệnh viện đề nghị được nội soi dạ dày bởi cảm thấy hơi đau bụng và nói với bác sĩ rằng có lẽ mình bị ung thư dạ dày. Các xét nghiệm của chị hoàn toàn bình thường. Lúc này, bệnh nhân có vẻ yên tâm hơn. Nhưng chỉ vài ngày sau, chị lại vào bệnh viện vì cảm thấy nhức đầu, nghĩ rằng mình có khối u trong não. Sau khi thăm khám và xem xét các triệu chứng, chị được giới thiệu qua chuyên khoa Nội thần kinh.

Bác sĩ Võ Văn Tân đã mất cả tiếng đồng hồ để trấn an và thuyết phục rằng bệnh nhân không bị bệnh gì cả. Thế nhưng, chị T. vừa đi ra cửa chưa được 15 phút đã vòng trở lại và yêu cầu bác sĩ cho mình khám thêm lần nữa. Khám không ra bệnh, chị kết luận: bác sĩ không giỏi, mình tìm chưa đúng thầy đúng thuốc. Chị cho biết sẽ đến các bệnh viện khác để khám, tìm cho ra bệnh mới thôi. 

Bác sĩ Tân xác định nữ bệnh nhân bị rối loạn lo âu. Bởi trong gia đình đã có người thân mất vì bệnh ung thư nên bệnh nhân bị ám ảnh thái quá, nếu không được điều trị kịp thời rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, có nguy cơ mất kiểm soát dẫn đến tự tử.

Đối với những trường hợp như thế, nếu bác sĩ không tinh ý mà chỉ xác định không có bệnh rồi yêu cầu bệnh nhân ra về, bệnh nhân sẽ tự rơi vào vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra. Bác sĩ Tân thường khéo léo thuyết phục, nương theo bệnh nhân để khuyên. Với trường hợp này, bác sĩ đã kê thuốc điều trị rối loạn lo âu, gợi ý chị T. tập thể dục, đi du lịch và hẹn ba tháng sau tái khám. “Nếu tôi không hẹn tái khám mà chỉ nói ngắn gọn rằng chị không bị bệnh gì cả thì cô ấy chẳng những sẽ không tin mà còn phản ứng tiêu cực”, bác sĩ Tân nói.

Coi bệnh viện là... nhà

Tại Bệnh viện Quận 2, các bác sĩ vẫn thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nghiện khám bệnh do vấn đề tâm thể. Đa số ở độ tuổi trung niên trở lên.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện quận 2 - cho biết, những bệnh nhân kể trên tuy không có biểu hiện bệnh lý bất thường nhưng lại có nhu cầu được nằm viện và giao tiếp với bác sĩ bởi cho rằng mình đang mắc một chứng bệnh nào đó. Bà T.T.D. là một trong những trường hợp như thế.

Từ nhiều năm qua, bà D. là bệnh nhân quen thuộc của khoa Nội. Thậm chí bà còn tự “xí” chiếc giường bà hay nằm trong bệnh viện. Các con của bà D. kể, tháng nào bà cũng đòi đi khám bệnh. Mặc dù khám không ra bệnh, bà cũng đòi nằm viện. Không chiều theo, về nhà bà sẽ ủ rũ bỏ ăn, lo lắng đến mức ốm thật. “Chỉ cần được vào bệnh viện khám, gặp bác sĩ nói chuyện chứ chưa hề thuốc men can thiệp gì, bệnh nhân nói thấy bệnh giảm đi một nửa. Được nằm viện một ngày thôi là bà khỏe như chưa có chuyện gì xảy ra”, bác sĩ Thuận kể.

Những trường hợp nghiện bệnh viện như bà D. không hiếm. Gần như ngày nào bác sĩ Thuận cũng tiếp nhận để trị liệu tâm lý cho 2-3 ca.

Xét về mặt chuyên môn, những trường hợp nghiện khám bệnh là do mắc phải chứng rối loạn lo âu và nhu cầu lợi ích thứ phát. Họ bị lệ thuộc vào mặt tiếp xúc (với bác sĩ, bệnh viện), mất phương hướng và chỉ đặt niềm tin tuyệt đối vào một bác sĩ mà họ chọn lựa, bệnh gì cũng chỉ đến khám ở bác sĩ đó. Thậm chí chỉ cần gặp và được vị bác sĩ đó hỏi han vài câu, họ đã cảm thấy bệnh tự khỏi.

Những người có những biểu hiện kể trên cần sự quan tâm của cả bác sĩ và gia đình để tránh rơi vào cảm giác bị bỏ rơi, lạc lõng rồi bế tắc khiến tình trạng thêm trầm trọng.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI