Nghiện điện thoại thông minh: Một “đại dịch” khác ở châu Á

25/03/2022 - 07:22

PNO - Sử dụng thái quá dẫn đến chứng nghiện điện thoại thông minh đang trở thành mối quan tâm ngày càng lớn trên toàn thế giới. Đặc biệt tại châu Á, vấn nạn này đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Bạo lực “lạnh” trong các gia đình

Ngày 24/3, Bộ Khoa học công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết, 37% người từ 10 - 19 tuổi của quốc gia này đang lệ thuộc vào điện thoại thông minh (ĐTTM), tăng 1,2% so với năm ngoái. Có đến 23,3% người lứa tuổi từ 20 - 29 lệ thuộc quá mức và 17,5% người già từ 60 tuổi cũng lệ thuộc nhiều. Gần 1/4 người dân Hàn Quốc có dấu hiệu lệ thuộc một cách nguy hiểm. Cũng theo khảo sát của bộ này, trên toàn quốc, cứ 10.000 hộ gia đình thì có 2.420 hộ rơi vào tình trạng lệ thuộc vào ĐTTM, tăng 0,9% so với năm ngoái.

Nghiện điện thoại thông minh đang trở thành vấn nạn thật sự, làm rạn nứt nhiều gia đình ở châu Á
Nghiện điện thoại thông minh đang trở thành vấn nạn thật sự, làm rạn nứt nhiều gia đình ở châu Á

Đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn đến nhu cầu giải trí như phim ảnh, truyền hình, video trực tuyến, trò chơi điện tử tăng cao và làm tăng tổng thể các kết quả khảo sát liên quan đến việc sử dụng ĐTTM.

Tại Saudi Arabia, Đại học Umm Al-Qura đã công bố nghiên cứu về chứng nghiện ĐTTM và tác động của nó đối với sinh viên. Theo đó, trong số 545 người được khảo sát, có hơn một nửa sở hữu một chiếc ĐTTM trong 5 - 8 năm qua và phần lớn sử dụng 6 - 11 giờ/ngày. Tỷ lệ truy cập vào các mạng xã hội chiếm cao nhất với 82,6%, chương trình giải trí 66,2% và lướt web 59,6%.

Nghiên cứu cũng xác định có đến 67% người tham gia nghiện ĐTTM. Những người này có kết quả học tập kém, không hoạt động thể chất, giấc ngủ kém, thừa cân, béo phì. Có 62 - 68% người nghiện ĐTTM mắc các bệnh lý về mắt, cổ; 39,2% mắc chứng đau vai và 30,7% có dấu hiệu tâm thần. Kết quả nghiên cứu cảnh báo truyền thông, giáo dục cần tập trung vào hậu quả sức khỏe thể chất và tinh thần của việc nghiện ĐTTM.

Tỷ lệ ly hôn tính trên 1.000 dân ở Trung Quốc đã tăng từ hai vụ năm 2010 lên 3,4 vụ vào năm 2019. Năm 2020, giảm xuống 3,1 vụ/1.000 người. Tuy nhiên, dư luận đang tranh luận về sự liên quan giữa việc sử dụng ĐTTM quá mức và các vụ ly hôn.

“ĐTTM đã chiếm hết thời gian của mọi người. Đáng lẽ chúng ta nên dành thời gian để giao tiếp, thực hiện các nhiệm vụ trong gia đình hoặc dạy dỗ con cái. Nhưng việc cứ dán mắt vào điện thoại đã khiến nhiều cặp vợ chồng nảy sinh xung đột”, Kang Lanying - nhà hòa giải hôn nhân ở Vũ Hán (Hồ Bắc) - nói với nhật báo Yangtze.

Một hòa giải viên khác tại Vũ Hán là Cao Hongling cho biết 30% các vụ hôn nhân tan vỡ xuất phát từ nguyên nhân nghiện điện thoại. “Nghiện ĐTTM đã dẫn đến việc vợ và chồng không nói chuyện được với nhau. Người này dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, nên đã không chia sẻ công việc nhà, không quan tâm đến người kia. Cuối cùng đưa họ đến kết cục ly hôn”, bà Cao nói.

Theo bà, đây là bạo lực “lạnh”, một dạng bạo lực gia đình khi một người dành toàn bộ thời gian cho điện thoại, bỏ bê vợ hoặc chồng và con cái, cũng như rũ bỏ trách nhiệm gia đình. 

Một căn bệnh thật sự

Bà Cao kể bà đã từng giúp một phụ nữ nộp đơn ly hôn vì chỉ cảm thấy “ngột ngạt” khi ở nhà. “Anh ấy không quan tâm đến tôi. Con cái hay chuyện nhà cửa mặc mình tôi lo toan. Đi làm về là anh cắm mặt vào điện thoại. Khi tôi yêu cầu phụ làm việc nhà, anh ấy không đáp lại một lời”, người vợ kể. Người chồng thì cho rằng anh không làm gì sai vì ngày nào anh cũng về nhà sau giờ làm việc. Anh chỉ lướt internet xem mạng xã hội, đọc tin tức và chơi trò chơi trên điện thoại. Anh này cũng từ chối đề nghị của hòa giải viên giảm thời gian dùng ĐTTM.

Trên Douban - một mạng xã hội Trung Quốc - xuất hiện nhóm “Tránh xa màn hình” vào năm 2020 và hiện có hơn 30.000 thành viên đang nỗ lực “cai nghiện” điện thoại. Để hỗ trợ loại bỏ thói quen này, nhiều doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ giúp “cai” điện thoại. Liu Yang - chủ sở hữu Công ty Shiguang Box - đưa ra sản phẩm “hộp cách ly điện thoại”. Chiếc hộp cung cấp bốn bước đơn giản để tách điện thoại khỏi chủ nhân. Mở hộp, tắt nguồn, đặt điện thoại vào bên trong và hẹn giờ khóa trên hộp. Bạn chỉ có thể dùng điện thoại sau khi bộ hẹn giờ này kết thúc. Theo Liu, mỗi ngày anh nhận được 800 đơn hàng sản phẩm và mỗi tháng có thể bán được tới 2.000 chủng loại hộp khác nhau trên Taobao. 

Ngoài hộp cách ly, người nghiện ĐTTM còn có chọn lựa khác mang tính “chiến thuật” hơn để hạn chế thời lượng lướt điện thoại. Các mẫu điện thoại cũ, trong đó có BlackBerry, vốn bị đánh giá không theo kịp xu hướng và có nhiều hạn chế trong các ứng dụng hiện đại giờ đây lại tìm thấy thị trường mới từ những người muốn “cai” điện thoại. Để chuẩn bị cho kỳ thi cao học, Bi Andi đã sắm chiếc BlackBerry 9000 sản xuất lần đầu năm 2008 với giá chưa đến 400 nhân dân tệ (khoảng 63 USD) để thay thế cho iPhone 4S phiên bản năm 2015 của cô. Theo cô, việc cắt bỏ “cơn nghiện” điện thoại thật khó khi bản thân cô vẫn cần sử dụng một số ứng dụng cho công việc và cuộc sống hằng ngày.

Để giảm số người phải vật lộn với tình trạng phụ thuộc vào ĐTTM, Bộ Khoa học công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc đang cho vận hành 18 Trung tâm Phòng chống nghiện internet trên cả nước, giáo dục và hỗ trợ 500.000 người “nghiện” điện thoại mỗi năm. Mục tiêu là giúp họ sử dụng ĐTTM một cách hiệu quả và tránh lạm dụng. 

 Nam Anh 
(theo SCMP, TKH, MDPI)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI