Nghiện điện thoại là một dạng... bạo lực gia đình

18/03/2022 - 17:33

PNO - Khi một người dành toàn bộ thời gian cho điện thoại di động, và bỏ bê bạn đời cũng như các nhiệm vụ gia đình.

 

Hai vợ chồng ngồi cạnh nhau, nhưng hai người đều dán mắt vào điện thoại cá nhân, thỉnh thoảng lại cười một mình, có khi cười nhẹ vu vơ, có khi cười phá lên, thiếu điều muốn “té ghế”, chẳng ai nói với ai câu nào. Lại có khi mặt mày “sưng sỉa” như đang cãi nhau mà rõ ràng họ không cãi nhau.

Mỗi người đang mải chìm đắm vào thế giới mạng riêng của mình, cảm xúc thể hiện theo những dòng chữ, hình ảnh, clip… trên màn hình điện thoại. Gặp chuyện vui vẻ, họ cười, tiện tay like, bình luận. Gặp chuyện bực mình, họ đổ quạu, bấm phím chửi nhau trên điện thoại mà có khi còn không biết người mình chửi là ai, làm gì, ở đâu. Mải mê với “việc riêng”, chẳng ai còn nghĩ đến “chuyện chung hai đứa mình”.

Đó là một cảnh rất quen không chỉ ở ngoài hàng quán, mà còn cả trong phòng khách, phòng ăn, thậm chí phòng ngủ gia đình thời nay.

Cô cháu tôi vừa tuyên bố chấm dứt mối tình kéo dài ba năm vì chàng người yêu suốt ngày dán mắt vào điện thoại với lý do là công việc toàn phải xử lý trên điện thoại. Ban đầu cô thông cảm, vì công việc cô cũng vậy. Thế rồi cô cảm giác anh như nghiện điện thoại, không có chiếc điện thoại kè kè là  anh không chịu được.

Cô cháu tôi kết luận, chứng nghiện điện thoại rất khó bỏ, không thể bảo đảm cưới nhau về, có con, anh  sẽ cai được điện thoại để sống thực với đời sống gia đình như: chơi với con, dạy con học… Làm việc gì cũng phiên phiến qua loa cho xong để còn online. Hình mẫu gia đình mà cô mơ ước như cuối tuần chồng chở vợ con đi picnic, ăn uống ngoài trời xem ra khó!

Cô cháu tôi quá lo xa chăng? 

Không thể phủ nhận thế giới ảo bây giờ đã là thế giới thật mà con người đang phải thở cùng với nó. Nhiều người đã đặt câu hỏi về mối quan hệ của con người trong tương lai khi mà mọi sự việc trong hiện tại đều qua màn hình vi tính, điện thoại. Con người không cần nhìn nhau, ngay cả khi ngồi cùng với nhau.

Quan sát bọn trẻ đang chơi game online, chúng chỉ nhìn vào màn hình, đâu cần nhìn vào người chơi. Ba năm dịch COVID-19 đã khẳng định thế giới mạng quan trọng đến chừng nào. Nếu không có mạng làm sao kết nối toàn cầu, học online, họp trực tuyến… khi mà quốc gia cách ly với quốc gia, trong các quốc gia lại có những quy định nghiêm ngặt về phòng dịch, tránh tiếp xúc gần. 

Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt. Thử xem chứng nghiện online như thế nào?

Nhiều người cho là “nghiện” chỉ là một thói quen, thay đổi thói quen sẽ cắt được cơn nghiện. Các chuyên gia giáo dục đúc kết, tuổi thơ gắn liền với những thiết bị điện tử chính là thử thách khó khăn trong việc cha me nuôi nấng con cái: game máy tính rất dễ nghiện!

Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng, chơi game là nhằm đạt tới một sự thoả mãn. Game đã được lập trình nhằm tìm kiếm sự khác thường. Khi chơi những game tương tác với mức cao và đòi hỏi phải khám phá liên tục những vùng mới, thôi thúc người chơi mong  muốn tìm kiếm, khó ngừng lại. 

Câu chuyện khó quên về hai vợ chồng nghiện game online, lo nuôi gà ảo mà bỏ quên đứa con thật của mình bị đói cho đến chết chắc nhiều người vẫn còn nhớ. 

Nhiều cha mẹ than thở qua hai năm học online vì dịch, con cái họ giờ đây rất nhiều em bị nghiện máy tính. Máy tính mang đến khá nhiều lợi ích và không phải đứa trẻ nào ngồi vào máy tính đều nghiện. Tuy nhiên, không thể chối cãi một điều rằng ngày càng nhiều người lớn và trẻ con chìm đắm vào nó như một lối thoát cho vấn đề: không biết làm gì, đi đâu… 

Trẻ con đã vậy, người lớn cũng thế. Không chỉ đôi vợ chồng ở trên mà cảnh thường thấy trong một gia đình “êm ấm” là mỗi người một điện thoại, không ai làm phiền ai, không ai nói với ai câu nào lấy gì không “êm ấm”.

Ông chồng thì đủ thứ thú vui trên mạng: trò chơi, phim, thể thao, thời sự, cãi nhau. Bà vợ có đủ các trang từ làm đẹp cho đến nấu ăn, kể cả việc cạnh khóe, nói xấu nhau về một cái áo, bức ảnh, chuyến du lịch. Con trai, con gái cũng quá nhiều hạng mục để giải trí.

Vậy thì, khuôn mẫu chung cho gia đình là thế nào? Các chị em họ tôi ở bên Mỹ cũng hay than thở rằng bọn trẻ con ngồi đâu là chết dí một chỗ với điện thoại. Nghiện điện thoại gần như là nỗi lo toàn cầu. 

Đã đến lúc công nghệ phát triển, thật sự là một thử thách cho con người muốn duy trì một mẫu hình gia đình “lành mạnh” kiểu xưa: kéo con cái tham gia vào các hoạt động ngoài trời, đọc sách, vẽ tranh, lao động tay chân, chơi thể thao…

Một bà mẹ có lần bực mình vì đứa con trai 15 tuổi ngồi chết gí trước màn hình vi tính quá lâu, bà bèn kéo cầu dao công tơ điện. Coi như cúp điện! Có thế bà mới lôi được đứa con lên sân thượng cùng bà chăm sóc cây cảnh!

Một đứa trẻ khác hỏi mẹ rằng: "Tại sao lúc nào cũng thấy mẹ cầm điện thoại? Mẹ cũng chat, cũng lướt net, con còn thấy mẹ chơi game nữa!".

Vậy đấy, cho nên một bản tin dịch trên Phụ Nữ Online cho biết, “nghiện” điện thoại di động là nguyên nhân của 30% các cuộc hôn nhân thất bại ở Trung Quốc. Một chuyên gia hòa giải các vấn đề mâu thuẫn gia đình ở Vũ Hán cho rằng nghiện điện thoại di động như một dạng bạo lực gia đình, cô gọi đó là “bạo lực lạnh”.

Vậy thì, nỗi lo của cô cháu gái tôi với anh người yêu có quá xa hay không?

Kim Duy (Nha Trang)

Khi một người dành tâm sức cho việc lên mạng, họ có bỏ bê bạn đời cũng như các nhiệm vụ gia đình?

Ý kiến của bạn về việc này thế nào? Thế giới mạng giúp đời sống con người vui vẻ, thú vị, hay đó chính là vũ khí huỷ diệt hôn nhân qua từng ngày?

Mời bạn gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

                                          

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI