Nghiên cứu sinh quốc tế ở Anh phải ngủ lều và chật vật mưu sinh

01/11/2021 - 19:32

PNO - Ít ai có thể hình dung được cảnh một nghiên cứu sinh đã phải ngủ trong lều suốt 2 năm trời vì không có đủ tiền thuê nhà ở một nơi đắt đỏ như nước Anh.

Cũng như nhiều nghiên cứu sinh khác, cô Aimée Lê đã phải làm gia sư cho một nhóm học sinh trung học để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở xứ sở sương mù nước Anh.

Thế nhưng, học viên của cô không hề biết rằng, trong suốt 2 năm vừa qua, cô giáo của mình đã phải sống trong một túp lều nhỏ dựng bên ngoài khu học xá của trường đại học.

Cô Aimée Lê đã phải sống trong chiếc lều nhỏ này suốt 2 năm theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh Tiến sĩ của mình - Ảnh: Milan Svanderlik
Cô Aimée Lê đã phải sống trong chiếc lều nhỏ này suốt 2 năm theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh - Ảnh: Milan Svanderlik/Guardian

Cô Lê quyết định phải sống kiểu “du mục” như thế này như là một giải pháp để đối phó với giá thuê nhà tăng cao và nhanh với tốc độ phi mã khi cô bắt đầu năm thứ 3 của chương trình tiến sĩ ở Đại học London. Lúc đó, cô nhận ra rằng, bản thân sẽ không thể nào gánh nổi chi phí thuê một căn hộ cũng như hàng loạt các khoản phải chi khác mà chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ khoản hỗ trợ nghiên cứu và dạy thêm của mình.

“Thời tiết ở London rất lạnh và tôi đã phải ở trong một chiếc lều nhỏ chỉ đủ chỗ cho một người mà thôi”, cô Lê nhớ lại, “Có những ngày tôi thức dậy và nhận ra chiếc lều đã bị phủ đầy tuyết. Những lúc ấy, tôi phải đi chặt củi để đốt và sưởi ấm”.

Cô cất tất cả sách vở của mình ở văn phòng trường cũng như tranh thủ tắm ngay tại nhà tắm của trường. Và để bố mẹ không phải lo lắng cho mình, cô nói dối là đang sống tại một khu trại sinh thái nơi mọi người dựng lều và ngủ trong đó.

Cô Lê cho biết đã phải che giấu tình trạng vô gia cư của bản thân bởi lo sợ rằng nó sẽ khiến cho danh tiếng của mình bị ảnh hưởng.

“Tôi nhận được những phản hồi rất tích cực từ học viên của mình nhờ sự tận tâm và khả năng làm việc một cách chuyên nghiệp. Vì vậy, tôi không muốn tình cảnh bi đát của mình bị mọi người biết đến”, cô Lê nói.

Liên đoàn các trường cao đẳng và đại học (UCU) cho biết, hoàn cảnh khó khăn của những tri thức trẻ khi mới bắt đầu đặt chân vào cánh cửa nghề nghiệp đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Họ luôn phải làm những công việc với đòi hỏi cao nhưng lại nhận được mức thù lao không hề tương xứng.

“Các học viên của tôi cho rằng tôi có mức lương như mong đợi khi đang làm nghiên cứu sinh. Tôi giải thích cho các em rằng, không phải ai cũng được như vậy. Tuy nhiên, nói cho các em biết việc mình phải sống trong lều vì quá khó khăn thiếu thốn là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến”.

Cô Lê được cấp học bổng nghiên cứu sinh trong vòng 3 năm với mức 18.000 bảng Anh (khoảng 500 triệu đồng) cho mỗi năm từ Đại học London để theo đuổi chương trình tiến sĩ. Thế nhưng cô phải mất 8.000 bảng Anh cho khoản học phí mà một sinh viên quốc tế phải trả. Và cô đã phải làm công việc phụ đạo cho học sinh, nhận ít tiền thù lao để có thể sống tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Cô Lê cho biết, trước đó tình hình vẫn tạm ổn cho đến khi khu ký túc xá nơi cô ở với mức giá phải chăng phải đóng cửa để sửa chữa lúc cô bắt đầu năm thứ 2 của chương trình nghiên cứu sinh. Để có thể sống trong một căn hộ nhỏ, cô sẽ phải chi 3.000 bảng mỗi năm để trả tiền thuê. Đây là điều mà cô không thể kham nổi. Với quyết tâm không bỏ dở con đường học hành, cô quyết định mượn một chiếc lều của người bạn và bắt đầu cuộc sống du mục ngay trong lòng thủ đô London.

“Lúc đầu tôi cảm thấy rất sợ. Rồi tôi nhìn thấy một căn lều của ai đó dựng bên ngoài khu học xá nên đến gặp và đề nghị được đặt lều của mình bên cạnh để không cảm thấy cô đơn. Và tôi bắt đầu cuộc sống 2 năm trong lều của mình như vậy”, cô Lê kể.

Giờ đây, cô Lê đã hoàn thành chương trình tiến sĩ. Thế nhưng cuộc sống của cô vẫn đang trong tình trạng bấp bênh với công việc phụ đạo cho học sinh trung học và làm thêm ở khu công viên để kiếm tiền sống qua ngày với mong đợi sẽ tìm được một công việc ổn định hơn. Tuy nhiên, cũng đã vài lần cô cảm thấy nghi ngờ chính bản thân bởi “sự nghiệp tìm việc” của mình vẫn đang mù mịt ở phía trước.

Một cuộc biểu tình do UCU tổ chức nhằm kêu gọi đảm bảo công việc cho các giảng viên trẻ - Ảnh: Andrew Teebay/Liverpool Echo
Một cuộc biểu tình do UCU tổ chức nhằm kêu gọi đảm bảo công việc cho các giảng viên trẻ - Ảnh: Andrew Teebay/Liverpool Echo

Vicky Blake, chủ tịch UCU cho biết, nhiều người cảm thấy sốc khi nhận ra rằng, học hành cao không hề là một điều được ưu tiên trong nền kinh tế của nước Anh. Hiện đang có ít nhất 75.000 nhân viên thuộc nhóm đối tượng này phải chấp nhận làm những công việc không được trả công xứng đáng, bị bóc lột, và phải sống trong sự lo lắng bất an.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chỉ 1/3 giảng viên đại học trẻ có được hợp đồng cố định, trong khi có tới 41% giảng viên chỉ được trả tiền công theo giờ làm việc. Và phần lớn những người thiệt thòi là phụ nữ”, cô Vicky Blake nói.

Nguyễn Thuận (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI