Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong trường phổ thông tại TP. HCM quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài cái tên như THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT chuyên Trần Khai nguyên, PTDL Đinh Thiện Lý. Hầu hết các trường phổ thông không màng tới việc tổ chức hoạt động này cho học sinh (HS) vì không được tính điểm, mất thời gian và tốn kém, khiến HS dù có đam mê NCKH cũng không có đất... dụng võ.
|
Ảnh minh họa |
Không được ủng hộ
H., đang học một trường THPT tại Q.5, vừa nghỉ học một buổi học chính thức và một buổi phụ đạo môn hóa để kịp hoàn thành thời hạn nộp báo cáo đề tài NCKH lên Sở GD-ĐT. Dù được ban giám hiệu (BGH) “bật đèn xanh” nhưng khi đến tiết chính kế tiếp, H. bị thầy gọi lên trách mắng trước cả lớp vì “tội” tập trung NCKH ảnh hưởng đến việc học tập. Chưa hết, H. còn bị bạn bè “chọc quê” trên facebook về sự nhiệt tình và đam mê hoạt động NCKH.
Mới đây, A., học sinh một trường THPT. đến lớp với gương mặt buồn xo. Hỏi ra mới biết A. vừa bị cha đánh đòn. “Cha không tin em tham gia NCKH mà nghĩ em đi chơi. Em giải thích thì cha em nói tham gia việc này không có ích gì cho việc học cả. Cha không cho em đi xe máy như trước, em phải đi học bằng xe buýt nhưng sợ nhất là cha không cho tham gia vào nhóm nghiên cứu nữa”, A. kể.
Đó là hai trong số rất nhiều trường hợp HS bị “định kiến” khi say mê NCKH. Hoạt động NCKH trong trường phổ thông vốn được xem nhẹ hơn cả… môn phụ. “Nhiều lúc tôi cảm thấy rất cô đơn, là một giáo viên (GV) chỉ biết đứng lớp, khi bắt tay vào hướng dẫn HS NCKH, phải tự bơi từ đầu tới cuối. Vừa mày mò cách viết báo cáo khoa học, học cách làm thí nghiệm để hướng dẫn HS, vừa phải tìm chuyên gia để hỗ trợ các em về chuyên môn, tìm phòng thí nghiệm để HS thực hành… Khó khăn về chuyên môn chẳng là gì so với việc BGH đánh tiếng kêu bỏ đi hoạt động không ích lợi, đồng nghiệp không hỗ trợ, phụ huynh phản đối”, một GV tâm sự.
Nhiều GV THPT khi dấn thân hướng dẫn HS NCKH đều phải tự thân vận động. Hoạt động NCKH không được xem là một môn học nên không có tiết dạy theo quy định. Là hoạt động không được tính điểm (trừ khi đoạt giải cấp TP, quốc gia) nên việc GV, HS “chọn việc nhẹ nhàng”, không tham gia cũng chẳng ảnh hưởng đến kết quả học tập của HS, cũng như kết quả thi đua của GV.
Vì vậy, hầu hết các trường, GV không mặn mà với việc thúc đẩy HS đam mê hoạt động sáng tạo. “Với lịch học dày đặc, đa phần các trường, GV, phụ huynh lẫn HS đều hướng đến mục đích thực dụng hơn, đó là học những gì có thi, chuẩn bị thi đại học hơn là dành thời gian nghiên cứu. Phụ huynh bây giờ chỉ thích con giỏi toán, lý, hóa, cụ thể là những môn có thi có điểm, có thể giúp đậu đại học. Tôi may mắn được BGH ủng hộ để làm nhưng nhiều đồng nghiệp phải tự lo tất cả”, cô Hoàng Thị Hiền, tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Trần Khai Nguyên cho biết.
“Ôn luyện cho HS giỏi, HS dự thi Olympic đều được bồi dưỡng, nhưng hướng dẫn HS làm NCKH vừa không được trường hỗ trợ kinh phí thực hiện vừa không có bồi dưỡng. Đến khi nào đoạt giải cấp TP, cấp quốc gia… đem vinh dự về cho trường thì mới được thưởng tượng trưng. Nhưng quan trọng hơn là việc thúc đẩy HS sáng tạo luôn bị xem nhẹ. Trong khi đó, dù không đoạt giải, việc HS được rèn luyện các kỹ năng thực hành, nghiên cứu ngay từ trên ghế nhà trường phổ thông sẽ có lợi cho các em khi lên bậc học đòi hỏi tự nghiên cứu”, GV một trường THPT ở Q.1 chia sẻ.
Phải "máu" mới "chơi" tốt
Chương trình học nặng, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm ở nhiều trường chưa đáp ứng nhu cầu NCKH nên việc giúp các em nuôi dưỡng đam mê không dễ. Một thực tế khác, nhiều phụ huynh cũng chưa ủng hộ con em mình NCKH, trường chỉ muốn HS dồn sức cho thi cử.