Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là cuộc cạnh tranh tích cực, sẽ thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cũng như nâng cao vị thế của các trường đại học lẫn giới khoa học Việt Nam.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Út, Trưởng Phòng Quản lý phát triển khoa học - Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), để làm rõ hơn về “cuộc chạy đua” này.
*Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng việc treo thưởng để khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) đăng trên tạp chí quốc tế là chạy đua thành tích?
TS. Lê Văn Út: Chuyện treo thưởng không chỉ có ở ĐH Kinh tế TP.HCM đâu mà một số trường ĐH khác cũng đang làm thế để khuyến khích giảng viên NCKH. Nhiều người bảo đó là bệnh thành tích, nhưng tôi cho rằng đó là bước đi tốt. Thậm chí nếu gọi là đua thành tích thì cũng chẳng sao cả. Đua thành tích mà theo chuẩn ISI (của Mỹ) và Scopus (Hà Lan) thì cũng nên… chạy theo. Trên thế giới, những đề tài, công trình NCKH được công bố trên các tạp chí khoa học đẳng cấp quốc tế sẽ được giới khoa học quốc tế đón nhận, ghi nhận chất lượng. Tại sao mình lại thích nghĩ và muốn làm khác người? Từ lâu, ĐH Tôn Đức Thắng chúng tôi cũng đã theo hướng chung của thế giới. Chỉ tính riêng trong hai năm, từ 2016-2017, chúng tôi đã có 569 bài báo quốc tế chuẩn ISI (đứng thứ nhất trong các trường ĐH) và có bảy bằng sáng chế của Hoa Kỳ.
Phát triển NCKH không chỉ tốt cho thành tích cá nhân của nhà khoa học mà còn cho trường và đất nước. Tất nhiên sẽ có cạnh tranh, nhưng là cạnh tranh để phát triển, không nên có ganh tỵ hay “dìm” nhau.
* Cạnh tranh chẳng phải chính là ganh đua giữa các trường sao?
- Trong quá trình quốc tế hóa hoạt động NCKH, chúng tôi cũng gặp một một số ý kiến trái chiều; cũng như khi ĐH Kinh tế TP.HCM treo thưởng để khuyến khích công bố quốc tế liền có ý kiến cho rằng trường chạy theo thành tích ảo. Tuy nhiên, việc TDTU làm, nay đã được các trường khác âm thầm học theo (Nhóm nghiên cứu, chính sách thu nhập và tài trợ cho nhiên cứu, thư viện mới, hợp tác với chuyên gia nước ngoài, nâng cao hiệu quả quản trị đại học...). Người học và xã hội rõ ràng được hưởng lợi từ việc các trường học tập TDTU và cạnh tranh với TDTU. Cạnh tranh về sáng tạo và chất lượng trong môi trường đại học Việt Nam sẽ giúp chúng ta tiến bộ thay vì đố kỵ với nhau. Đừng mong mọi chuyện sẽ tốt đẹp, đất nước sẽ có tương lai nếu “thấy người khác thành công thì mình không vui vẻ”.
* Ông có nghe thông tin TDTU “mua” công trình từ người bên ngoài, xài cầu thủ “đá thuê” không?
- Tất cả sản phẩm của TDTU là sản phẩm của viên chức TDTU làm ra, thuộc bản quyền của TDTU vì có hợp đồng lao động, hợp đồng nghiên cứu đàng hoàng. Không phải đứng tên ké hay đu dây, càng không có cơ sở nào để nói chúng tôi mua bài. Hoạt động NCKH là sân chơi theo thông lệ, luật lệ chứ không thể cảm tính. Tôi thông cảm cho dư luận, nhưng tôi nghĩ dư luận nghĩ theo hướng như vậy là không nên. Chúng tôi có Quỹ phát triển khoa học công nghệ (KHCN) dành cho các nhà khoa học (kể cả nước ngoài) có đam mê nghiên cứu. Bất cứ ai có đề tài phù hợp, muốn hợp tác thì trường sẵn sàng tài trợ, đặt hàng. Tất cả đều có hợp đồng làm việc, hợp đồng nghiên cứu, hợp đồng tài trợ. Thế giới họ vẫn làm như vậy. Khoa học không có giới hạn về vị trí địa lý hay quốc tịch.
|
TS Lê Văn Út |
Hiện nay, các nhà khoa học đang làm việc tại TDTU có quốc tịch khá đa dạng: Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Anh... Cộng đồng chuyên gia nước ngoài làm việc cho TDTU đến vài trăm người. Chúng tôi đăng tin tuyển dụng chuyên gia trên trang ResearchGate (Đức), và mở đối tượng tuyển dụng ở phạm vi toàn cầu nên đợt rồi có khoảng 600 hồ sơ của các nhà khoa học khắp nơi ứng cử. Chúng ta luôn phàn nàn chuyện chảy máu chất xám. Nay chúng tôi thu hút chất xám về với mình - vừa lợi cho trường vừa lợi cho nền KHCN của Việt Nam.
Nói người này giỏi người kia dở mà thiếu cơ sở xem xét là rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không phân biệt được vị thế của nhà khoa học dẫn đến chế độ đãi ngộ không phù hợp thì sẽ không công bằng. Chúng tôi chọn ứng viên dựa vào đẳng cấp của họ. Vậy đẳng cấp dựa vào đâu mà tính? Nếu sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học như ISI/Scopus, chỉ cần gõ tên nhà khoa học, ta sẽ có mọi thông tin về đẳng cấp khoa học của ứng viên: bao nhiêu bài báo được công bố quốc tế, đánh giá và xếp hạng hiệu quả của những công trình đó, chỉ số trích dẫn. Thậm chí dữ liệu này còn cho thấy được phong độ, năng lực nghiên cứu từng năm và cả quá trình của một nhà khoa học. Dữ liệu khoa học luôn minh bạch, không che giấu đi đâu được. Giỏi, dở, đẳng cấp ở đâu đều đươc đánh giá công bằng. Chúng tôi là trường công lập tự chủ, không thể xài tiền lãng phí. Mình mời họ về làm, trả lương bao nhiêu đều phải tính toán đến hiệu quả tương ứng. Cho nên người được chọn chắc chắn phải có năng lực, không đi cửa trước cửa sau.
* Nhiều người không tin vào chất lượng của các công trình, đề tài, bởi để đăng bài trên một số tạp chí khoa học trong nước đôi khi phải nhờ “quan hệ”. Liệu các tạp chí quốc tế có giống thế không?
- NCKH không giống bất kỳ sân chơi nào. Chúng ta không thể chỉ nghe những nhận xét qua loa, cảm tính mà phải lắng nghe các chuyên gia - những người nắm được xu hướng, thông lệ quốc tế. Có cả trăm ngàn tạp chí khoa học khắp thế giới, tất nhiên cũng có uy tín và bát nháo. Nhưng cơ sở dữ liệu ISI của Mỹ chỉ chọn khoảng 14.000 tạp chí khoa học, còn Scopus chọn khoảng 23.000 tạp chí, căn cứ vào ý kiến thẩm định và đề xuất của chuyên gia trong chuyên ngành. Đây chắc chắn là những tạp chí tiêu biểu nhất. Cho nên khi chúng ta được công bố trên các tạp chí uy tín, chuẩn mực như vậy sẽ nâng uy tín của chúng ta.
Chúng ta lo là lo những tạp chí cứ gửi bài là được đăng hoặc tạp chí có giá trị “ao làng” chứ thành tích và đẳng cấp như ISI hay Scopus thì tin cậy được. Muốn đua đến đó thực ra cũng không đơn giản, bởi ở đó không thể dựa vào gì khác ngoài kết quả nghiên cứu hiệu quả. Họ có thẩm định quốc tế - cực kỳ khó khăn mới được công bố. Khi đăng lên, cả giới chuyên ngành đọc và tái thẩm định, đánh giá liên tục. Chỉ cần nghiên cứu không bài bản, có sự nhập nhằng, ngụy tạo dữ liệu sẽ bị rút ngay.
Về tính khoa học, những công trình được công bố trên ISI, Scopus phải có tính mới nhất trong chuyên ngành. Độ mới, độ ảnh hưởng tùy thuộc vào đẳng cấp của từng tạp chí.
* Liệu phương thức thưởng “khủng” có mang lại hiệu quả thực chất hay chỉ là kiểu “chơi nổi”?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải cứ có chính sách tốt là sẽ có sản phẩm chất lượng. Nếu đội ngũ của ta quá “già nua”, không có tiếng Anh hoặc tiếng Anh yếu, không có nhiều người có kinh nghiệm viết “bài báo quốc tế” thì dù chế độ thu hút gấp 3 - 4 lần hơn thế; khả năng tạo ra sản phẩm cũng rất gian nan và chính sách rất dễ thất bại. Chính sách thu nhập phải đi đôi với con người có khả năng thực hiện thì mới khả thi.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn bắt đầu, mình tạm chấp nhận sự khuyến khích. Nhưng tôi thích suy nghĩ nghiên cứu là nhiệm vụ của nhà khoa học, của giảng viên đại học. Đó là công việc mà anh phải làm, được trả lương để làm. Chính sách này tốt hơn là chính sách khen thưởng khủng. Khen thưởng chỉ mang tính khích lệ - anh có được công trình thì khen, không có thì thôi, dễ mang tính phong trào hơn là hoạt động thường xuyên phải làm.
Ông có nghĩ NCKH là cuộc chơi của trường “nhà giàu”?
- Cuộc chơi khoa học không thể thiếu kinh phí. Nhưng tiền thôi chưa đủ mà phải có nguồn nhân lực và biết cách sử dụng nguồn nhân lực. Quan trọng nhất là những người đứng đầu phải am hiểu về thông lệ quốc tế, quyết tâm làm và biết cách quản trị đại học hiệu quả.
Tham gia cuộc chơi khoa học chắc chắn tốn kém. Chẳng hạn để có thể sử dụng dữ liệu trên Web of Science thuộc Clarivate (Mỹ) phải trả phí 650 triệu/năm. Đăng tuyển dụng chuyên gia cũng tốn phí không ít. Đầu tư hai tạp chí khoa học quốc tế, siêu máy tính, chúng tôi chấp nhận tốn tiền, thậm chí nhiều tiền nhưng hoạt động đầu tư đó phải mang lại hiệu quả rõ ràng, định lượng được chứ không nói chung chung. Như mới đây, một nhà khoa học muốn lấy tài trợ cho nghiên cứu bồn vệ sinh di động, kinh phí 350 triệu. Hội đồng thẩm định yêu cầu sản phẩm phải nổi bật hơn những thứ đang có trên thị trường. Nếu làm được và đủ sức cạnh tranh, chúng tôi sẵn sàng cấp nhiều tiền hơn con số đề nghị, còn không có gì trội hơn thì tốn tiền nghiên cứu để làm gì. Anh ấy thấy không đáp ứng được nên tự rút.
* Ông có tự tin quá không khi nói đầu tư cho khoa học có thể định lượng hiệu quả khi mà nhiều công trình, sau khi được xét duyệt, nghiệm thu xong rồi… trùm mền?
- Đấy là hiện trạng khá phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vấn đề nằm ở bộ phận quản lý KHCN. Phải có chuẩn đánh giá, có thước đo chứ không thể thẩm định nghiên cứu, đề tài, dự án theo kiểu dĩ hòa vi quý. Chúng tôi phân NCKH ra thành ba loại. Mỗi loại đều có lượng hóa cả số lượng và chất lượng. Ví dụ, anh nói anh nghiên cứu hàn lâm thì phải được công bố trên tạp chí khoa học hàng đầu và được giới học thuật quốc tế thẩm định, công nhận. Loại thứ hai là nghiên cứu ứng dụng, giải quyết vấn đề thực tế. Anh chỉ ra được nghiên cứu của anh ra sản phẩm thế này, được duyệt, anh phải làm hợp đồng cam kết. Loại thứ ba là nghiên cứu chuyển giao - phải đem về được hợp đồng với doanh nghiệp để chuyển giao sản phẩm công nghệ. Mọi thứ rất rõ ràng chứ không thể nghiên cứu để rồi bỏ vào ngăn kéo. Chúng tôi đã ngừng tài trợ các đề tài cấp trường từ lâu vì nó thực sự không hiệu quả.
* Đua NCKH phải chăng cũng là cuộc đua thăng hạng cho trường?
- Chúng tôi không chạy đua nghiên cứu chỉ vì thứ hạng. Nghiên cứu là chức năng của trường đại học, tốt cho cả thầy, trò và thương hiệu trường. Nếu được các tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá tốt dựa trên kết quả nghiên cứu thì càng tốt, sao phải từ chối. Nhưng phải tránh các tổ chức xếp hạng có yếu tố thương mại. Tôi nói vậy để thấy rằng chúng tôi là là nhà sáng lập và sở hữu hai tạp chí khoa học quốc tế: Thông tin và Viễn thông; Công nghệ tiên tiến và Kỹ thuật tính toán. Cả hai đều đặt mục tiêu từ 3-5 năm sẽ được vào cơ sở dữ liệu ISI hoặc Scopus. Tạp chí chúng tôi nhận bài trên toàn cầu và đến nay có một tạp chí mà chính TDTU cũng chưa có bài nào được đăng. Chạy đua nhưng thực chất, không có sự nhân nhượng.
* Tập trung đầu tư phát triển NCKH là tốt, song dường như TDTU đang “bên trọng - bên khinh” với chất lượng đào tạo?
- Vai trò trực tiếp của NCKH là tác động vào đào tạo. Một giảng viên có nghiên cứu và không nghiên cứu thì bài giảng sẽ khác nhau. Có nghiên cứu, bài giảng sẽ mới mẻ, có hồn; còn bên kia lạc hậu, sẽ như dạy phổ thông cấp 4. Đặc biệt ở bậc đào tạo sau đại học, nếu không nghiên cứu, không phát hiện ra điều gì mới mẻ thì hướng dẫn gì cho học viên, nghiên cứu sinh? Lợi ích lớn nhất của nghiên cứu hàn lâm là kết quả nghiên cứu phải thúc đẩy chất lượng đào tạo. Có phát triển NCKH mới tạo ra đội ngũ có chất lượng. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất, hiệu quả nhất.
"Giảng viên các trường ĐH, nếu có công trình, đề tài công bố theo chuẩn quốc tế, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho trường. Khi đánh giá công trình, xếp hạng trường, các chuyên gia và tổ chức kiểm định nước ngoài cũng dựa vào cơ sở khoa học dữ liệu ISI/Scopus. Đã đến lúc mình phải theo luật chơi chung của quốc tế chứ không thể cứ một mình một lối”.
TS Lê Văn Út
|
* Xin cảm ơn ông.
Tiêu Hà