Nghiên cứu khoa học của thầy = copy và 'vay mượn' khóa luận sinh viên

08/06/2017 - 11:09

PNO - Không chỉ copy, các tác giả đã “nhân bản vô tính” thành những thứ gọi là đề tài nghiên khoa học để lấy tiền của Nhà nước.

Ngày 7/6, báo điện tử Phụ nữ đăng bài Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Hai tiến sĩ phải sửa lại luận văn thạc sĩ, phản chuyện đạo văn, sao chép gian lận các sách, luận văn, luận án của người khác vào luận văn của mình.

Nhưng chưa hết. Từ những luận văn thạc sĩ đầy tai tiếng này, các tác giả đã “nhân bản vô tính” thành những thứ gọi là đề tài nghiên khoa học (NCKH) để lấy tiền của Nhà nước.

Nghien cuu khoa hoc cua thay = copy va 'vay muon' khoa luan sinh vien

Đề tài của TS Tâm copy từ khóa luận của sinh viên 

 

Trong số này có các ông Phạm Nguyễn Thành Vinh (tiến sĩ, trợ lý NCKH của khoa Vật lý) và Trịnh Hoài Vinh (tiến sĩ, giảng viên của khoa). Ngoài ra, chuyện coppy luận văn thạc sĩ thành… đề tài NCKH còn có cả ông Hoàng Đức Tâm (tiến sĩ, hiện là Phó trưởng khoa).

Riêng ông Tâm còn “vay mượn” nhiều phần trong luận văn tốt nghiệp ĐH của sinh viên (SV) Nguyễn Thùy Dung do chính ông hướng dẫn vào một đề tài NCKH khác. Qua kiểm tra, Tổ xác minh Trường ĐH Sư phạm đã chỉ ra rất nhiều phần giống nhau giữa đề tài NCKH của ông Tâm và luận văn tốt nghiệp của SV mà ông Tâm không ghi chú nguồn trích dẫn.

Với đề tài mà ông Tâm đã “nhân bản” từ luận văn thạc sĩ Vật lý của mình để lấy 26 triệu đồng ngân sách, trường kết luận: “Giữa công trình NCKH của ông Hoàng Đức Tâm và luận văn thạc sĩ của ông là hoàn toàn giống nhau” và “vi phạm quyết định 113/QĐ-ĐHSP-KHCN&SĐH ngày 19/2/2008 của trường” (quy định nhằm chống sao chép, đạo văn), nên sẽ thành lập hội đồng xem xét, đánh giá để buộc ông bồi hoàn kinh phí. Trường hợp copy “nguyên con” từ luận văn thạc sĩ thành đề tài khoa học của ông Phạm Nguyễn Thành Vinh cũng bị xử lý tương tự. Tuy nhiên, hai ông Hoàng Đức Tâm và Phạm Nguyễn Thành Vinh bị “không xem xét xử lý kỷ luật” vì đã quá “thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật”.  

Nghien cuu khoa hoc cua thay = copy va 'vay muon' khoa luan sinh vien

Những bản luận văn, khóa luận và những đề tài nghiên cứu khoa học được “nhân bản vô tính”

 

Với đề tài mà ông Hoàng Đức Tâm “vay mượn” nhiều phần trong luận văn tốt nghiệp ĐH của SV Nguyễn Thùy Dung, Trường ĐH Sư phạm yêu cầu ông Tâm “cần bảo đảm quyền tác giả của SV Nguyễn Thùy Dung và các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc sử dụng tác phẩm đã công bố tại điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ”, đồng thời yêu cầu ông Tâm “bổ sung thêm tên khóa luận tốt nghiệp ĐH của SV vào nguồn tài liệu tham khảo của đề tài”.

Với đề tài NCKH của ông Trịnh Hoài Vinh, trường ĐH Sư phạm cho rằng “không vi phạm quy định” và không có yêu cầu gì.

Nhưng với nội dung kết luận này, Trường ĐH Sư phạm đã mâu thuẫn với chính mình. Bởi, cùng một nội dung tố cáo, nhưng trong kết luận của trường về luận văn thạc sĩ của ông Trịnh Hoài Vinh thì “một số nội dung, bao gồm cả hình vẽ, bảng biểu, công thức có sự trùng lắp với luận án của một số tác giả khác; thiếu sót trong trích dẫn tài liệu tham khảo” và bắt buộc phải “sửa chữa” trong khi kết luận về đề tài NCKH thì lại “không vi phạm quy định” và không có yêu cầu gì. Thật lạ!

Không thẩm định nội dung và kết quả nghiên cứu là một thiếu sót

Việc xác minh đơn tố cáo của trường mới chỉ dừng lại ở hình thức mà không đi vào nội dung đề tài. Trong đề tài mà ông Hoàng Đức Tâm “vay mượn” khóa luận của SV, ông Tâm đã chép thừa cả những phần không cần thiết. Ví dụ, tại điểm thứ hai phần nhận xét tại trang 33, ông Tâm đã chép nguyên văn điểm 2 phần nhận xét ở trang 80 của khóa luận SV - phần nội dung mà ông không thực hiện…

Do “vay mượn” cơ học nhiều nội dung nên đã dẫn đến các nhận xét và kết luận trong đề tài bị sai, mâu thuẫn với chính nội dung và kết quả nghiên cứu của đề tài. Một sản phẩm như vậy khó có thể được xem là đạt chất lượng nên không cần phải lưu giữ.

Cho nên, nếu kết luận chỉ yêu cầu ông Tâm “bổ sung thêm khóa luận tốt nghiệp ĐH của sinh viên vào nguồn tài liệu tham khảo của đề tài” mà không thẩm định nội dung và kết quả nghiên cứu là một thiếu sót.

(theo một TS Vật lý chuyên ngành nguyên tử hạt nhân)


Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI