Nghiên cứu đeo vòng điện tử cho người có nguy cơ mắc COVID-19

18/08/2020 - 18:41

PNO - Đây là đề xuất của các chuyên gia tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 18/8.

 

Lo COVID-19 tấn công vào cơ quan công quyền, trường học

Tại cuộc họp, các chuyên gia bày tỏ quan ngại khi nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là.

Các chuyên gia đề xuất Chính phủ có chỉ thị mới, để triển khai các biện pháp thống nhất, nghiêm ngặt, siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, các tuyến giao thông công cộng; đặc biệt là các bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, các cơ sở bảo trợ xã hội…

Việc đeo vòng điẹn tử để truy vết người mắc COVID-19 đã được áp dụng tại Hàn Quốc (ảnh) và một số nước khác
Việc đeo vòng điện tử để truy vết người mắc COVID-19 đã được áp dụng tại Hàn Quốc (ảnh) và một số nước khác

Nhận định tình hình dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những giải pháp chung sống an toàn với dịch bệnh. Tất cả các cơ quan phải có văn bản hướng dẫn, quán triệt lại và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài… vào Việt Nam làm việc; tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm trang thiết bị, máy móc, sinh phẩm, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết... đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Sẽ bắt buộc cài đặt Bluezone, NCOVI… trên điện thoại?

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thực hiện mạnh hơn một số giải pháp kỹ thuật nhằm xác định, định vị người có nguy cơ nhiễm để phục vụ việc truy vết.

Các chuyên gia kiến nghị Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone trên điện thoại thông minh, với lộ trình phù hợp.

Bên cạnh các biện pháp "định vị mềm" nêu trên, để nâng cao hiệu quả truy vết những trường hợp nghi ngờ, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp “định vị cứng” mà một số nước tiên tiến đã áp dụng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như đeo vòng điện tử.

Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành, địa phương triển khai ngay các biện pháp để bảo vệ an toàn cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, như bác sĩ, công an, quân đội…

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh lại tính quyết định của thành công trong phòng, chống dịch bệnh là sự vào cuộc của mọi người dân.

“Một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là chúng ta đã thực hiện tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt; đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc, chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội.

Trên thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh dài ngày cho nên hiện có tâm lý lơi lỏng ở một số người. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất 1 năm nữa vắc-xin mới có thể đến với mọi người, chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI