“A lô, em tới rồi hả? Chị xuống liền”.
Mỗi ngày, gia đình thời bốn chấm không phải nghe câu đó không dưới một lần, và thường là hai, ba, bốn lần. Đó chính là những cuộc điện thoại với shipper của những bà vợ chốt đơn. Thời đại số hóa, mọi thứ đều bán online, “chốt đơn” đã trở thành một thuật ngữ gọi tên việc chốt mua một đơn hàng nào đó.
Ngoài việc chốt cho những đơn hàng theo nhu cầu chính đáng, thì chốt đơn còn trở thành một thú vui, một trò giải trí khá hại túi tiền, thậm chí có thể là một thứ gây nghiện làm tội làm tình bao nhiêu đàn ông lẫn phụ nữ thời đại này.
Câu “a lô” ở đầu bài là câu thoại duy nhất tôi nghe từ hàng xóm khi dọn về chung cư này. Ở đây, mọi căn hộ đều cách âm khá tốt nên trừ khi chủ động gõ cửa chào nhau, hầu như không ai phải nghe tiếng chuyện trò từ hàng xóm.
Thế nhưng, hễ mỗi lần phải nghe điện thoại của shipper, chị hàng xóm lại phải chạy ra hành lang, đứng sát phía nhà tôi để nói chuyện, mỗi ngày 4-5 bận như thế. Có lần gặp tôi ngay hành lang sau khi chốt hẹn với shipper, chị hất cằm về phía nhà chị, giải thích: “Ổng mà nghe nhận hàng thì lại tới công chuyện nữa!”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Đã đành, ai cũng có… quyền tự do mua hàng. Nhưng nếu cứ mua mỗi ngày, mua mà không biết bao giờ mới dùng, rồi mua cái cũ chưa kịp đụng đến đã… chốt thêm đơn, thì hoạt động chốt đơn buộc phải rút vào vùng bí mật.
Nhưng, bí mật và lén lút không làm lay chuyển ý chí người chốt đơn. Có bao nhiêu lý do để phải chốt, nào là hàng ăn uống màu sắc mỡ màng được đăng ngay vào giờ đói bụng, nào là livestream hấp dẫn, vừa có người ngồi chém gió như thần, vừa có hình ảnh trải nghiệm sản phẩm ngay trước mắt.
Chưa kể, Facebook thỉnh thoảng còn gợi ý “Cô A chị B gì đó thích trang này”, kèm theo những hình ảnh sống động. “Chốt cho chị đơn ABC em nhé!” chắc là bình luận phổ biến nhất thời bốn chấm không, không phân biệt độ tuổi, xuất thân, công việc và điều kiện sống. Từ trẻ đến già, từ chị hưu trí đến cô em văn phòng, đều thi nhau chốt.
Chốt đơn trong vùng bí mật, nhưng đến đoạn nhận hàng mới thật cam go. Hiếm có ông chồng nào thờ ơ nổi khi thấy cảnh bà vợ đến quạu vì… nghe điện thoại của shipper.
Nếu mặc kệ được những cú điện thoại, các ông cũng có lúc va vào những món hàng bị bỏ xó, những nỗi thất vọng của bạn đời vì “hàng thật không giống như trên ảnh”, rồi cả những gói hàng bị vứt lăn lóc vì “chốt xong thì hết hứng”.
Có chị nhận được hàng cũng thờ ơ không thèm bóc. Rồi phận làm chồng, nhẹ thì cũng cảnh tỉnh “mua ít ít thôi”, “cái gì chắc chắn dùng hẵng mua”, nặng thì cũng mặt ụ mày chau, chỉ trích việc mua hàng vô tội vạ.
Nhận được sự bất thuận từ bạn đời, các chị hoặc lẳng lặng dạ/vâng rồi “tem tém bớt”. Nhưng số này hơi… hiếm.
Phần đông là phải nói cho chồng về sự cân nhắc của vợ trước khi chọn mua hàng, rồi cả sự cần thiết “về lâu về dài” của từng món hàng đang bị bỏ xó. Nhưng “chốt đơn” đã trở thành nhu cầu thời đại, dù có gặp trục trặc trong sự đồng thuận vợ chồng thì đơn vẫn phải chốt, rồi… tính sau.
Dần dà, không ai hiểu và tâm lý với chị em như mấy anh shipper. Có mấy anh làm việc lâu năm, nắm địa bàn ổn định thì còn biết cả gu mua hàng của từng chị. Để hễ có đồ ăn vặt đóng hộp là biết ngay của chị X ở hẻm Y, có đồ nhà bếp của Nhật Bản là biết ngay của chị G ở chung cư H…
Các anh nắm cả chị nào hay trả tiền khi nhận hàng, chị nào hay… bom đơn (đặt hàng mà không nhận). Các anh biết luôn “quan điểm gia đình” của các chị với việc nhận hàng.
Thế nên mới có mấy anh shipper đứng ngoài đường dáo dác nói vào điện thoại: “Có đơn hàng không đồng (đã thanh toán từ trước nên không cần thanh toán khi nhận hàng), em quăng… vào bụi chuối bên nhà rồi hồi nào tiện thì chị ra lượm nhé!”.
Hoặc “em gửi vào tạp hóa gần nhà chị rồi đấy, chị về thì ghé lấy nhé!”. Không ai chiều chuộng và không bao giờ phán xét chị em như các anh shipper.
|
Ảnh minh họa |
Nhờ “chốt đơn”, đời sống của chị em trở nên nhàn nhã hơn so với thời hễ cần gì cũng phải chạy ra chợ. Chốt đơn online khiến chị em có điều kiện chọn nguồn hàng giá tốt nhất, chọn dịch vụ được “review” ổn nhất.
Nhưng đó là khi các chị còn chốt đơn trong tỉnh táo. Còn khi việc chốt đơn đã trở thành một chứng nghiện, thì từ chỗ nhàn nhã, nó khiến chị em bận não với những lần rón rén đi nhận hàng, rồi khổ tâm vì không biết phải làm gì với mớ hàng hóa mình mua không vì nhu cầu.
Bởi thế, thời đại này người ta mới nghe mấy ông chồng than trời vì có vợ “kim cương”. Tưởng vợ kim cương đá quý là cái gì… vui lắm, hóa ra là “thành viên kim cương của mấy sàn thương mại điện tử”. Riêng danh hiệu đó thôi đã hình dung ra cả một câu chuyện gia đình thật là sinh động!
Trà Lý