Cho đến một ngày, những nguồn sáng vốn yếu ớt tắt lịm, Nghiêm Vũ Thu Loan không cần nhiều thời gian để nhận ra: “Tôi không còn nhìn thấy”. Không ai trong cuộc đời biết được điều gì sẽ xảy đến, Thu Loan cũng không phải phi thường nhưng cô gái ấy tự hỏi, nếu mãi đắm chìm trong tuyệt vọng, rồi ai sẽ kéo bản thân đi về phía trước?
Những dòng viết về Nghiêm Vũ Thu Loan, cô nữ sinh 21 tuổi được nhận học bổng Chắp cánh ước mơ của Trường đại học RMIT trở nên rộn rã niềm vui khi mới đây, Thu Loan ra mắt cuốn sách đầu tiên - Giấc mơ nơi thiên đường.
|
Nghiêm Vũ Thu Loan: Tôi đã có 10 năm hạnh phúc |
Trong niềm hân hoan ấy, tôi muốn đặt Thu Loan trong hình dung của “một chiến binh” thay vì “một thiên thần” như cách những người khác thường nhắc đến bạn. Bởi lẽ, hành trình để Thu Loan đến được ngày hôm nay là một chặng đường gian nan và đã có nhiều người thay vì đối đầu, họ buông xuôi theo những nghiệt ngã của số phận.
Tôi đã có 10 năm hạnh phúc...
Trước khi mở mắt ra cũng chỉ toàn bóng tối, Nghiêm Vũ Thu Loan đã có 10 năm nhìn thấy cuộc đời bằng thứ ánh sáng yếu ớt. Dù không thể nhìn rõ gương mặt của ai, không thể nhìn thấy chữ đen trên giấy trắng nhưng chí ít, Thu Loan có thể đi lại dễ dàng, nhận biết được những gì đang diễn ra xung quanh.
Cho đến một ngày, tai nạn xảy ra với đôi mắt và cướp đi nguồn sáng le lói còn lại. Năm 11 tuổi, với một cô bé yêu màu sắc, mơ ước được trở thành họa sĩ, tai nạn ấy không dễ để trải qua. Nhưng hỏi Thu Loan về những biến cố, cô nữ sinh chỉ cảm thấy... may mắn. Điều lạ lùng này được lý giải rằng dù không còn được nhìn thấy nhưng Thu Loan đã có 10 năm để hình dung về cuộc đời. “Vậy có phải, tôi đã hạnh phúc?”, Thu Loan hỏi ngược.
Dạng tật của Thu Loan từ khi sinh ra là chỉ nhìn tốt dưới ánh sáng mặt trời. Đặc biệt, khi vẽ màu trên giấy trắng, Thu Loan có thể nhìn thấy mọi thứ sắc nét hơn. Tuy nhiên, vì không thể thấy được nên từ nhỏ, Loan đã phải làm quen với chữ nổi như những bạn khiếm thị khác.
“Mọi việc xảy ra bất ngờ. Dù chỉ thấy lờ mờ nhưng không nghĩ một ngày, tôi sẽ chỉ sống trong bóng tối. Tôi phải dừng ước mơ trở thành họa sĩ nhưng chỉ cần nghĩ đến những bạn khiếm thị bẩm sinh, tôi thấy mình may mắn hơn vạn lần. Chí ít, tôi biết được màu sắc, đã được nhìn thấy mặt trời, thấy cỏ cây, hoa lá. Đó là trải nghiệm hiếm có trong cuộc đời mà tôi có, không phải tôi đã hạnh phúc lắm sao?”, Thu Loan nói.
Và hành trình mà Thu Loan viết lên những trang mới cho cuộc sống mở ra bằng việc thay vì trở thành họa sĩ, cô gái chọn vẽ cuộc đời bằng những câu chuyện, trang sách. Cô tập trung học nhiều kỹ năng mềm, cải thiện khả năng ngoại ngữ và bắt đầu tìm đến sách nhiều hơn. “Trong sách có hoàng kim”, câu nói giúp Loan hiểu rằng đọc sách cũng là một cách để trải nghiệm cuộc đời bất kể thời gian, không gian và giới hạn của con người.
Và hành trình chưa bao giờ dừng lại
Thu Loan say mê con chữ, mơ ước được học tập như bao cô cậu học trò khác. Ngày bé, trước khi biến cố xảy ra, Thu Loan không được đến trường vì mô hình giáo dục hòa nhập chưa phổ biến. Một số trường học từ chối vì lo ngại khả năng nhìn của Thu Loan sẽ cản trở việc tiếp thu mà họ thì không có cách dạy chuyên biệt. Loan buộc phải ở nhà và những năm tháng đó, chị gái là sợi dây duy nhất kết nối cô với thế giới. Chị dạy cho Loan tính toán, đọc sách cho Loan nghe, tập cho Loan cách để viết nên những từ cơ bản.
|
Thu Loan muốn trở thành một nhà văn nhân quyền |
Cho tới khi có kiến thức nền mà bất cứ đứa trẻ nào đến trường cũng sẽ sở hữu, Thu Loan và gia đình tiếp tục gửi đơn đến nhiều trường để con mình được đi học. Không chỉ cấp I, cấp II, III mà cho đến đại học, hành trình được đến lớp của Thu Loan chưa bao giờ dễ dàng.
“Tôi muốn đi học nhưng giáo dục hòa nhập tại Việt Nam chưa phát triển. Tôi nhớ những ngày tháng học xong cấp II, để lên được cấp III, tôi và gia đình giữa cái nắng hơn 400C của Hà Nội, đến từng trường để xin. Gia đình đưa ra học bạ, đưa điểm số để chứng minh tôi có thể học tập như nhiều bạn bè nhưng không thể. Tôi liên tục bị từ chối”, Thu Loan nói.
Sau khi hoàn thành chương trình cấp III để vào đại học, mọi khó khăn một lần nữa bắt đầu. “Giống như nhiều nữ sinh khác, tôi muốn bước đến cánh cổng đại học để thực hiện ước mơ học tập của mình, nhưng vì một số giới hạn trong luật dành cho người khuyết tật và chính sách giáo dục tại Việt Nam, tôi bị các trường từ chối”, lần này, sự từ chối mà Thu Loan nhắc đến, gay gắt hơn gấp bội. Điều đó có nghĩa, không một ngôi trường nào nhận cô nữ sinh đặc biệt.
Không từ bỏ, Thu Loan tiếp tục tự học, tự trau dồi khả năng tiếng Anh để xin học bổng Chắp cánh ước mơ của Trường Đại học RMIT. Cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường cũng bắt đầu những dòng đầu tiên trong thời điểm khó khăn này.
Giờ đây, khi trở thành cô sinh viên say mê học tập, trở thành tác giả của một cuốn sách, Thu Loan lại bắt đầu hành trình khác của cuộc đời. Loan muốn trở thành một nhà hoạt động nhân quyền, cụ thể là một nhà văn nhân quyền.
“Một nhà nhân quyền, điều đầu tiên cần có là một trái tim thuần thiện, muốn đóng góp cho xã hội. Nhưng không chỉ một trái tim ấm áp, tôi cần trau dồi luật dành cho người khuyết tật, hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực và cần trải nghiệm thực tế. Nếu có cơ hội du học nước ngoài, đó là chân trời để tôi học hỏi thêm”, Thu Loan chia sẻ.
Cô gái nhỏ bé ngày nào giờ đây mong muốn truyền đi những thông điệp yêu thương, cách sống lạc quan, luôn nhìn về phía trước. Thu Loan nói muốn tác động tích cực đến càng nhiều người càng tốt nhưng trước mắt, cô mong trong cộng đồng của mình, mọi người tìm được “ánh sáng”. “Ánh sáng” đó là sự lạc quan, tự tin, mong muốn hoàn thiện bản thân để là người sống có ích cho xã hội: “Khi những người khác gặp gỡ chúng tôi - những đứa trẻ bị khiếm khuyết, tôi muốn thay vì ánh mắt tò mò, mọi người thấy chúng tôi ấn tượng; thay vì thương hại, mọi người sẽ dành sự cảm thông”.
Diễm Mi
Một lời cảm tạ
Không ai muốn sinh ra phải chịu cuộc sống mù lòa, cũng chẳng ai muốn lớn lên trong nhiều biến cố nhưng đừng hỏi vì sao lại là tôi mà không là bạn, bởi chúng ta có những cuộc đời riêng. Những gì tôi đã trải qua tạo nên tôi của ngày hôm nay, luôn vui vẻ, yêu đời và luôn cố gắng. Có thể hiện tại, bản thân bạn gặp chuyện không may, nhưng chỉ cần bước một bước về phía trước, bầu trời đã rộng lớn bao la. Nên nếu còn được lựa chọn, hãy chọn cách sống tích cực, lương thiện, nhìn mọi sự việc với đôi mắt của một thiên thần.
Tôi biết ơn những biến cố để bản thân mạnh mẽ, cứng cáp. Tôi biết ơn những bạn bè đã luôn bên cạnh, động viên. Tôi biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, dìu dắt. Và, tôi biết ơn gia đình đã luôn đồng hành trong từng chặng đường để tôi có được ngày hôm nay. Những năm tháng ra vào viện liên tục với khoảng 10 ca mổ để mong tìm được ánh sáng, hy vọng rồi tuyệt vọng nhưng gia đình vẫn luôn bên cạnh. Bây giờ, dù ngày nắng hay ngày mưa, mẹ vẫn đều đặn đưa tôi đến lớp.
Mọi người nói tôi không may nhưng tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi khỏe mạnh, tôi có một gia đình trọn vẹn, có được sự quan tâm từ nhiều người. Một ngày nào, khi thức dậy, bạn biết mình còn sống, còn có thể tận hiến với cuộc đời, thì ngày đó, hãy còn đáng sống.
Nghiêm Vũ Thu Loan
|